Home / Phát triển doanh nghiệp / Lập kế hoạch kinh doanh / Các nguyên tắc lập kế hoạch kinh doanh

Các nguyên tắc lập kế hoạch kinh doanh

“Tôi chỉ kinh doanh nhỏ thôi, nên không cần thiết phải có bảng kế hoạch” – Đây là một quan điểm rất sai lầm và thường gặp ở các bạn trẻ đang có ý định kinh doanh. Tuy nhiên, bạn cần biết, du lĩnh vực kinh doanh của bạn là gì, quy mô lớn hay nhỏ thì một bảng kế hoạch kinh doanh tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được thành công. “80% Kết quả đến từ 20% nguyên nhân của nó” – Nguyên tắc Pareto.

Nguyên tắc 80/20 đã cho thấy rằng, chỉ với 1 bước lập kế hoạch sẽ giúp bạn đạt được những kết quả to lớn. Bài viết sau đây tôi sẽ chỉ ra cho bạn cách lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả nhất. Hãy áp dụng chúng cho kế hoạch kinh doanh của mình nhé!

“If business fails to plan, it plans to fail“ (Nếu doanh nghiệp thất bại trong việc lập kế hoạch, đồng nghĩa với việc họ đã lên kế hoạch cho chính thất bại của mình). Kế hoạch kinh doanh có thể được ví như một cái la bàn, giúp doanh nghiệp bạn không bị chệch hướng trong hoạt động kinh doanh.

Thông thường, một kế hoạch kinh doanh dù lớn hay nhỏ cũng cần phải xoay quanh 3 vấn đề: định hướng doanh nghiệp, kế hoạch bán hàng và đường lối kinh doanh. Ý tưởng của bạn sẽ không thể hiện thực hoá nếu bạn không biết cách thực hiện chúng. Chuẩn bị kế hoạch một cách sơ sài bạn sẽ thất bại ngay từ bước đầu tiên.

Cách lập kế hoạch kinh doanh nên theo các nguyên tắc sau đây

  1. Có mục tiêu rõ ràng

Kế hoạch kinh doanh chính là một hành trình để đưa doanh nghiệp đến đích đến bạn mong muốn. Chính vì vậy, xác định được mục tiêu khi lập kế hoạch là rất quan trọng. Việc đặt mục tiêu sẽ giúp bạn đưa ra những phương pháp, các hướng đi để bạn nhanh chóng tới đích. Không có mục tiêu, bạn sẽ lạc lối trong chính những ý tưởng kinh doanh của mình.

*Tips nhỏ dành cho bạn:

Bạn có thể xác định mục tiêu bằng nhiều phương pháp:

Nguyên tắc 5W1H

Trả lời được các câu hỏi:

Bạn là ai?

Lĩnh vực của bạn muốn kinh doanh là gì?

Bạn đã có kiến thức và kinh nghiệm cho lĩnh vực đó chưa?

Thị trường mà bạn hướng tới?

Đối tượng khách hàng là gì?

Ai sẽ mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn?

Vì sao bạn lại lựa chọn kinh doanh lĩnh vực này?

Nó có mang đến giá trị gì cho khách hàng hoặc xã hội hay không?

Bạn sẽ mang sản phẩm đến cho khách hàng của bạn như thế nào?

Kênh bán hàng bạn lựa chọn là gì? Online hay Offline?

Nguyên tắc SMART

Cần đảm bảo mục tiêu của bạn phải Specific (Cụ thể), Measurable (Đo lường được), Attainable (Có thể đạt được), Relevant (Có tính khả thi) và Time Bounce (Thời gian hoàn thành).

Áp dụng 2 nguyên tắc này và tìm ra mục tiêu kinh doanh của bản thân ngay nào!

  1. Nghiên cứu và phân tích thị trường

Làm kinh doanh nhưng thành công lớn sẽ đến với bạn phụ thuộc vào việc bạn có khả năng nghiên cứu và phân tích thị trường tốt hay không. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” – Lĩnh vực kinh doanh của bạn có sự cạnh tranh như thế nào? Ai sẽ là đối thủ của bạn? Thị trường này có khả năng phát triển không?

Trong trường hợp, làm kinh doanh thì bạn phải cạnh tranh với các “ông lớn” trong ngành như thế nào?

Đừng quá lo lắng về vấn đề này, bất kể lĩnh vực kinh doanh nào cũng đều có niche market (thị trường ngách). Đây là các dạng thị trường thường không được các công ty lớn. Nhu cầu trong thị trường này thường thấp hơn rất nhiều so với thị trường chính.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà lợi nhuận từ những thị trường ngách là nhỏ. Nếu bạn đánh đúng Insight (sự thật ngầm hiểu), nhu cầu của khách hàng và là người đầu tiên tiến vào, bạn nghiêm nhiên trở thành “ông lớn” của thị trường này. Và theo quy luật “The First (Tiên Phong)”, cho dù các ông lớn thật sự muốn chiếm thị phần của bạn, họ sẽ phải mất rất nhiều nguồn lực và thời gian.

Một số ví dụ về thị trường ngách: Văn phòng ảo, Máy tính – điện thoại xách tay, căn hộ mini giá rẻ,…

*Tips dành cho bạn: Phân tích thị trường, đối thủ cạnh tranh theo nguyên tắc SWOT sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và chi tiết nhất

  1. Chọn loại hình Công ty

Bạn cần phải tìm hiểu thật chính xác thông tin, ưu – nhược điểm của từng loại hình công ty và chọn cái phù hợp nhất với tìm lực của mình. Hiện nay, có 4 loại hình công ty phổ biến nhất mà bạn có thể lựa chọn bao gồm: Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty tư nhân, Công ty hợp danh.

  1. Lên kế hoạch Sale – Marketing

Doanh số là yếu tố giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và Marketing là cách để giúp bạn có được doanh số đó. Hãy bỏ qua suy nghĩ doanh nghiệp nhỏ thì không cần bộ phận Marketing đi. Tất cả các doanh nghiệp hiện giờ đều cần đến Marketing nếu muốn đi lâu dài. Bạn có sản phẩm, dịch vụ chất lượng nhưng không ai biết đến thì sẽ không thể bán được hàng. Một chiến lược Sale – Marketing cần phải đáp ứng các yếu tố sau đây:

Kênh quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ

Target doanh thu và KPI để đạt được con số doanh thu mong muốn

Các bước và chi phí triển khai

  1. Cách vận hành của doanh nghiệp

Doanh nghiệp của bạn sẽ như thế nào? Có cần máy móc, thiết bị hỗ trợ hay không? Có nên thuê văn phòng?… Cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi này.

  1. Vấn đề về nhân sự

Doanh nghiệp của bạn cần tối thiểu bao nhiêu nhân sự để vận hành hiệu quả? Vị trí bạn cần tuyển là gì? Mức lương của từng vị trí?

Trong thời gian này, bạn không cần thuê quá nhiều nhân sự, chỉ nên sử dụng nhân sự ở những vị trí cần nghiệp vụ chuyên môn như Kế toán, Marketing,… Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí và dễ dàng quản lý con người hơn trong những ngày đầu tiên kinh doanh. Hãy cố gắng tìm những người bạn đồng hành có chuyên môn và phù hợp nhất với mình.

*Bạn có biết:

Hơn 50% các công ty Startup dưới 5 tuổi có số lượng nhân sự không vượt quá 40 người

  1. Kế hoạch tài chính

Nếu ví doanh nghiệp như cơ thể con người thì dòng tiền chính là máu của cơ thể ấy.

Doanh nghiệp sẽ chết nếu dòng tiền không lưu thông xuyên suốt toàn bộ cơ thể. Vì vậy đây là vấn đề đặc biệt quan trọng và cần phải được suy nghĩ, tính toán cẩn thận. Bạn đừng vội tin vào những lời nói như “Kinh doanh 0 đồng”, “Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng”,… Tôi không khẳng định là không có trường hợp vài người họ có thể làm nên sự nghiệp từ chỗ không có gì. Tuy nhiên, số lượng những người làm đươc rất ít .

Ngay từ khi bắt đầu, bạn cần xác định được số vốn mình bỏ ra là bao nhiêu (vốn tự thân hoặc vốn vay), thời gian kinh doanh có thể hoàn lại vốn, các bước để sử dụng nguồn vốn như thế nào cho tối ưu nhất,…

  1. Thực hiện kế hoạch

Ý tưởng có trong suy nghĩ của bạn và bảng kế hoạch chỉ là những dòng chữ trên giấy. Bạn sẽ không có gì nếu không bắt tay vào thực hiện nó. Ở bước này, bạn cần dựa vào mục tiêu lớn nhất để tìm ra những mục tiêu nhỏ để đi đến được mục tiêu lớn nhất đó. Đặt ra các công việc cần thực hiện và thời gian hoàn thành của từng mục tiêu nhỏ. Sau đó đo lường tính hiệu quả của mục tiêu đó và điều chỉnh cho các mục tiêu tiếp theo.

Đừng nghĩ quá nhiều về các mục tiêu lớn, khi kinh doanh nhỏ, hãy tập trung vào các mục tiêu trước mắt, hoàn thành chúng rồi hãy nghĩ đến các hướng đi xa hơn.

Kết luận

Cách lập kế hoạch kinh doanh cũng chỉ có tính chất tương đối, đôi lúc vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, kế hoạch sẽ thay đổi. Điều bạn cần chính là sự bình tĩnh, linh hoạt trong mọi tình huống có thể xảy ra. Đây chính là điểm khác biệt giữa một người chủ doanh nghiệp giỏi và người chủ doanh nghiệp bình thường.

Qua bài viết này, chúc bạn tìm được cách lập kế hoạch kinh doanh tối ưu nhất dành cho mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *