Các nhân tố làm nên sự gắn kết trong nhân viên

Trong một tổ chức kinh doanh thì việc gắn kết nhân viên là điều vô cùng cần thiết và điều này có vai trò không hề nhỏ trong sự thành công của doanh nghiệp. Vậy sự gắn kết trong doanh nghiệp được hình thành như thế nào.

Sự gắn kết không đến từ tiền bạc hay những động cơ bên ngoài mà đến từ những nhu cầu cơ bản từ bên trong con người. Đó là những nhu cầu được quan tâm chăm sóc, được tôn trọng, được thể hiện bản thân,… Nếu nhân viên được đáp  ứng đủ đó thì hiệu suất công việc tăng, lòng trung thành của nhân viên cũng tăng lên.

Có 9 nhân tố quan trọng hình thành nên sự gắn kết, đó là: Giao tiếpmục tiêukhông gian làm việcchăm sóc sức khỏetrách nhiệm công việcsự công nhậncơ hội phát triển bản thântình bạnngười quản lý trực tiếp.

Giao tiếp

Trong một môi trường mà có sự  cởi mở trong giao tiếp sẽ giúp tăng được sự kết nối giữa các đồng nghiệp với nhau. Sự giao tiếp không chỉ nằm ở việc mọi người trò chuyện thân thiện với nhau mà còn thể hiện ở cách nhân viên được tự do đóng góp, tự do nêu ý kiến và thể hiện bản thân.

Giao tiếp là chiếc chìa khóa giúp nhân viên và doanh nghiệp hiểu nhau hơn. Thông qua giao tiếp, nhân viên sẽ được tiếp xúc và hiểu về quy trình làm việc cũng như văn hóa doanh nghiệp. Nếu văn hóa phù hợp, nhân viên sẽ hình thành tâm lý mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Còn về phía doanh nghiệp, bằng sự giao tiếp, doanh nghiệp sẽ hiểu thêm về nhân viên, về những mong muốn, điểm mạnh, điểm yếu của họ trong công việc và đó là căn cứ để các nhà quản lý phân chia nhiệm vụ cho nhân viên sau này.

Mục đích

Khi nhân viên làm việc thì phải có mục đích công việc cụ thể và càng nên đong đếm, đo lường được. Đừng để nhân viên phải tự hỏi “Tại sao mình phải ở đây?”, “Tại sao mình phải làm công việc này?”. Những câu hỏi này đồng nghĩa với việc nhân viên đang không biết mục đích công việc của mình. Họ sẽ tự hỏi bản thân có giá trị gì với công ty và những công việc họ làm liệu có đóng góp gì không hay chỉ là vô nghĩa. Một khi nhân viên không có mục đích với công việc, họ sẽ thấy mình không có lý do gì để gắn kết và cống hiến hết mình vì cho công ty.

Không gian làm việc

Trung bình, một nhân viên dành 8-10 tiếng ở công ty, nếu không tính thời gian ngủ thì anh ấy/ cô ấy chỉ có 4-5 tiếng ở nhà. Vậy nên, không gian làm việc rất quan trọng bởi nó là nơi nhân viên dành phần lớn thời gian gắn bó. Một không gian làm việc thân thiện với đầy đủ tiện nghi sẽ giúp nhân viên thoải mái, làm việc hiệu quả và dành nhiều thời gian hơn cho công việc.

Chăm sóc sức khỏe

Trong một doanh nghiệp, nếu nhân viên nhận được sự quan tâm thì sự gắn kết cũng từ đó mà tăng lên. Được an toàn, được quan tâm là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Do đó, nếu nhu cầu này được đáp ứng, con người sẽ có xu hướng hình thành sự gắn kết với những đối tượng có thể mang đến cho họ cảm giác này. Để tạo sự gắn kết thông qua cảm giác được quan tâm, các doanh nghiệp nên cung cấp cho nhân viên các phúc lợi về sức khỏe.

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc cung cấp các phúc lợi về sức khỏe tại nơi làm việc. Nếu nhân viên được chăm sóc sức khỏe tốt, tỷ lệ nghỉ phép do đau ốm sẽ giảm, năng suất lao động tăng dẫn đến lợi nhuận tăng. Bên cạnh đó, phúc lợi là một trong những điều nhân viên quan tâm nhất khi làm việc tại công ty, vậy nên, nếu phúc lợi đủ tốt, làm hài lòng nhân viên, họ sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài để hưởng những đối đãi tuyệt vời này.

Trách nhiệm với công ty

Mô hình quản lý hiện đại có đặc điểm yêu cầu tất cả mọi người cùng làm việc như một đội nhóm. Mỗi người trong nhóm có thế mạnh, vai trò nhất định với các kỹ năng chuyên môn riêng cho từng vị trí công việc.

Để nhân viên có thể gắn kết với công ty, các nhà quản lý cần cho nhân viên nhận thức được tầm quan trọng của vị trí họ đang đảm nhận. Tuy nhiên, đừng quá quan trọng hóa vị trí đó bởi vô tình nó sẽ trở thành gánh nặng gây sự hoảng sợ. Ngoài ra, nhà quản lý cần làm rõ mục tiêu công việc, phổ biến kết quả nhà quản lý mong muốn và thường xuyên theo dõi tiến độ, động viên nhân viên.

Sự công nhận

Bất kỳ ai khi làm việc cũng mong muốn được ghi nhận, đặc biệt đối với những người đạt được những thành tích tốt trong công việc. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến nhân viên cảm thấy bản thân không được coi trọng và họ sẽ sớm chọn cách rời đi.

Sự gắn kết không nằm ở việc công ty trả lương thật cao cho nhân viên nhưng đối xử thờ ơ với họ. Gắn kết được hình thành khi công ty quan tâm, ghi nhận những đóng góp nỗ lực của nhân viên trong trường hợp những nỗ lực đó là xứng đáng. Sự ghi nhận giúp nhân viên cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng và tạo động lực để nhân viên cống hiến và gắn bó với công ty.

Sự phát triển bản thân

Lực lượng lao động thời hiện đại đề cao cơ hội được học hỏi và phát triển bản thân. Nhân viên trẻ ngày nay luôn mong muốn được rèn luyện, học tập, mở rộng kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm. Vậy nên, nếu doanh nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu của họ, sớm hay muộn, những nhân viên tham vọng sẽ ra đi tìm kiếm môi trường phù hợp hơn.

Tình bạn

Phát triển mối quan hệ tình bạn tại nơi làm việc giúp nhân viên kết nối về mặt cảm xúc cũng như gắn kết và làm việc hiệu quả. Nghiên cứu tại Gallup cho thấy những nhân viên có bạn làm cùng công ty có sự gắn kết mạnh hơn 7 lần so với những người luôn cô đơn tại nơi làm việc.

Người quản lý tốt

Theo nghiên cứu của Dale Carnegie – tác giả của cuốn “Đắc nhân tâm” nổi tiếng –  có đến 84% nhân viên đồng ý rằng họ gắn kết với công ty bởi sự hài lòng với khả năng dẫn dắt của người trực tiếp quản lý họ. Những nhà quản lý tạo được cảm xúc tích cực, khiến nhân viên cảm thấy nhiệt tình, hào hứng thường nhận được tỷ lệ đồng thuận ý kiến cao. Khi có được sự gắn bó của nhân viên, nhà quản lý sẽ dễ dàng dẫn dắt họ gắn kết với tổ chức bởi lúc này, nhân viên sẽ có xu hướng đi theo những điều nhà quản lý làm và tin tưởng.

Để lại một bình luận