Home / Phát triển doanh nghiệp / Chiến lược kinh doanh / CẠM BẪY KINH DOANH TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

CẠM BẪY KINH DOANH TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

1/ Phát triển kinh doanh phụ thuộc vào sàn TMĐT

Các sàn thương mại điện tử đều có những chính sách và qui định riêng dành cho người bán trên sàn. Người bán hàng bắt buộc phải tuân thủ những chính sách này để được kinh doanh thuận lợi. Đây là một hạn chế khá lớn cho người bán khi qui định kiểm duyệt sản phẩm đăng bán còn khá cảm tính. Người bán hàng phải đợi sàn kiểm duyệt sản phẩm trong 24 – 48 giờ hoặc lâu hơn sản phẩm mới hiển thị trên sàn. Đó là chưa kể sàn TMĐT thường xuyên thanh lọc sản phẩm, kiểm duyệt lại nhiều lần khiến sản phẩm bị ẩn, bị xóa bất ngờ dù đã được kiểm duyệt trước đó, kể cả những sản phẩm bán chạy.

Ngoài ra, mô hình hoạt động và chính sách hoàn tất đơn hàng của các sàn thương mại điện tử thường không tạo điều kiện để bạn mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy mỗi sàn TMĐT đều sở hữu một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn nhờ khoản đầu tư khổng lồ để thu hút người dùng mới vào giai đoạn trước, nhưng phổ người dùng này sẽ không tăng quá nhiều trong những năm tiếp theo. Chuyên gia từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam – ông Lê Hải Bình nhận định giai đoạn tiếp theo sẽ là cạnh tranh về chất lượng, giao hàng và hậu mãi để giữ chân người dùng chứ không phải “mặt trận” thu hút người dùng mới. Do đó, rất khó để người bán mở rộng phổ khách hàng dù đầu tư thêm ngân sách quảng cáo tài trợ trên sàn. Mặt khác, người bán rất khó bán hàng đa kênh thông qua sàn do yếu tố cạnh tranh khốc liệt giữa các sàn TMĐT. Sự kết nối giữa các sàn gần như không có, nên người bán vừa không thể mở rộng phổ người dùng, vừa không thể khai thác thêm người dùng của sàn khác, ngoại trừ tạo một gian khác riêng biệt trên sàn thương mại điện tử khác. Tuy nhiên, điều này bắt buộc phải xây dựng lại uy tín từ đầu trên một sàn TMĐT khác.

Hiện nay, Tiki, Lazada, Shopee đã cho phép người bán dropship hàng trực tiếp hàng hóa trực tiếp từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc dropshipping trên Lazada, Shopee, Tiki vẫn chưa được triển khai rộng rãi cho người bán Việt Nam. Hiện tại chỉ có một số gian hàng của người bán Trung Quốc trên Tiki và Lazada được dropship sản phẩm từ nước ngoài, hai sàn TMĐT này sẽ đóng vai trò doanh nghiệp mua hộ trong mô hình dropshipping này.

2/ Cạnh tranh về giá với người bán Trung Quốc

Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2018, làn sóng đầu tư của các tập đoàn Trung Quốc vào những sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam đang làm thay đổi nhiều mặt của thị trường. Dễ dàng nhận thấy các gian hàng trên Lazada hay Shopee có những mức giá rất chênh lệch nhau cho cùng một loại sản phẩm. Ngoài ra, hàng hóa Trung Quốc và người bán Trung Quốc được tạo điều kiện thuận lợi hơn để thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các sàn TMĐT. Dễ thấy rằng hiện nay Lazada, Tiki và Shopee – 3 sàn TMĐT nhận được vốn đầu từ “khủng” từ Trung Quốc đang tạo ra một ngách mới là “mua hàng từ nước ngoài”, mà cụ thể là Trung Quốc.

Lazada hiện đã bổ sung một danh mục riêng – “Hàng quốc tế” để cung cấp các sản phẩm từ người bán Trung Quốc. Nhiều người bán từ Trung Quốc có mặt trên Lazada với lợi thế về nguồn hàng giá rẻ, chi phí vận hành thấp, hàng hóa đa dạng và sự hỗ trợ lớn từ Lazada.

Người Trung Quốc bán hàng trên Lazada

Tiki cũng tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ từ Trung Quốc tham gia bán hàng thông qua dịch vụ mua hộ của Tiki. Những doanh nghiệp này được bảo chứng từ Tiki như bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam khác có gian hàng trên Tiki.

Người Trung Quốc bán hàng trên Tiki

Vì vậy, sự thâm nhập của những doanh nghiệp Trung Quốc mang đến sự cạnh tranh lớn đối với người bán hàng/doanh nghiệp Việt Nam. So với nguồn hàng, giá cả, sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã, người bán Việt Nam khó có thể cạnh tranh. Mặt khác, người bán Việt Nam trên sàn TMĐT vừa cạnh tranh lẫn nhau, vừa cạnh tranh với doanh nghiệp từ Trung Quốc làm gia tăng áp lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.

3/ Nguy cơ tăng phí gian hàng, phí hoa hồng trong tương lai

Trong giai đoạn thâm nhập thị trường, hầu hết sàn TMĐT điện tử đều miễn phí hoa hồng cho người bán, phí đăng ký gian hàng khá thấp, thậm chí miễn phí. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu trong lộ trình phát triển của các sàn TMĐT. Sau giai đoạn này, người bán Việt có thể phải “gánh” một khoản chi phí khá lớn từ các sàn TMĐT để tiếp tục kinh doanh. Theo đó, chi phí đăng ký gian hàng, phí hoa hồng, các mức phí khác có thể tăng dần khi thị trường đã trưởng thành, thói quen mua sắm trên kênh TMĐT của người tiêu dùng đã hình thành và ổn định.

Khi đó, người bán hàng phải đối mặt giữa việc tăng chi phí kinh doanh hoặc rút khỏi sàn nếu không chấp nhận việc tăng các loại chi phí. Nếu gian hàng đã tồn tại lâu, có lượng khách hàng lớn, việc rút khỏi sàn có thể gây thất thoát lớn cho người bán. Nhưng mức phí tăng cao, người bán không thể bù đắp được khoản chi phí này để tạo lợi nhuận thì bắt buộc phải rút khỏi sàn. Đây là yếu tố khá quan trọng cần cân nhắc khi hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT.

4/ Khó quản lý dữ liệu khách hàng

Khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử, bạn rất khó nắm bắt và quản lý các tập khách hàng tiềm năng cũng như khách hàng hiện tại của mình. Những thông tin (bao gồm email, số điện thoại,…) của khách hàng thường không được tiết lộ cho người bán, việc trao đổi và tư vấn giữa người bán và người mua bắt buộc phải thông qua khung chat của sàn. Do đó, bạn rất khó phân tích được đặc điểm, hành vi và không quản lý được dữ liệu khách hàng để chạy quảng cáo khuyến khích mua hàng lặp lại.

Làm sao phát triển vững mạnh và mở rộng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử?

Thực tế là bạn vẫn nên tận dụng nguồn khách hàng tiềm năng sẵn có trên sàn thương mại điện tử để tăng trưởng tốt về mặt doanh thu. Tuy nhiên, phụ thuộc quá lớn vào sàn có thể tạo ra nhiều rủi ro từ những cảm bẫy đã nêu trên. Vì vậy, phía người bán phải luôn chú trọng xây dựng thương hiệu thống nhất qua nhiều kênh bán hàng khác nhau để hạn chế nguy cơ về sau.

Bán hàng qua Facebook tuy không được xem là phương pháp chính thống, tuy nhiên đây vẫn là kênh bán rất hiệu quả của đa phần người bán. Ngoài phổ khách hàng rộng, bạn có thể quản lý toàn bộ dữ liệu khách hàng của mình cho các chiến dịch marketing kế tiếp. Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng một website bán hàng riêng để bán hàng chuyên nghiệp hơn và thuận lợi khi rút hàng khỏi các sàn thương mại điện tử nếu có rủi ro phát sinh.

NGUỒN: https://netsale.asia/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *