Home / Phát triển doanh nghiệp / Chiến lược kinh doanh / CHIẾN LƯỢC DẪN ĐẦU THỊ TRƯỜNG

CHIẾN LƯỢC DẪN ĐẦU THỊ TRƯỜNG

Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam từng đối mặt với rất nhiều “tai nạn” trên thị trường quốc tế, chẳng hạn như vấn đề về bảo vệ thương hiệu, các vụ kiện bán phá giá…Còn tại “sân nhà”, doanh nghiệp Việt Nam cũng bị mất khá nhiều thị phần vào tay doanh nghiệp nước ngoài mặc dù họ là người mới đến. Nguyên nhân chính là do nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn yếu về khả năng hoạch định các chiến lược kinh doanh.

Chien luoc dan dau1.jpg

(Ảnh minh họa)

Bàn về vấn đề này, Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Đỗ Hoài Nam – Công ty tư vấn và mô phỏng kinh doanh VBSC cho rằng: “Lý do của việc doanh nghiệp Việt Nam liên tiếp “thua trên sân nhà” là bởi chúng ta chưa có tư duy chiến lược dài hạn ngay từ ban đầu như các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn có thói quen đưa ra quyết định dựa theo cảm tính và kinh nghiệm mà thiếu sự phân tích logic về thị trường…”.

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang quản lý công ty theo phương thức thiếu chuyên nghiệp, tức là thiếu các kỹ năng quản lý cần thiết như kỹ năng chiến lược, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định và kỹ năng xây dựng hệ thống.

Theo ý kiến của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp – ông Nguyễn Hồng Quang, Công ty Điều kỳ diệu thì: “Thực tế ở Việt Nam có rất ít các doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược bao quát. Phần vì do thiếu hiểu biết, phần vì thiếu năng lực thực hiện (như vốn liếng, nhân sự, trình độ tổ chức…), nhưng nếu nhận thức và hoạch định được chiến lược và thực hiện tốt chiến thuật thì tôi tin rằng công ty đó vẫn chắc chắn thành công.”

Dẫn đầu thị trường với mô hình mô phỏng kinh doanh

Chương trình mô phỏng kinh doanh – hiện đang được triển khai trong đào tạo MBA tại hơn 400 trường đại học danh tiếng và hơn 500 tập đoàn, công ty của Mỹ và trên thế giới  – là một chương trình phần mềm kết nối trực tuyến với hệ thống máy chủ tại Mỹ để tiến hành nhận và trả kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty cùng tham gia tại một thời điểm trên toàn thế giới.

Các công ty là các nhóm (hoặc cá nhân) tiếp quản một công ty giả định và điều hành công ty đó với chu kỳ hoạt động trong 5 năm (hoặc 8 năm). Xuất phát điểm của các công ty cũng như các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều như nhau ví dụ như môi trường kinh doanh, thị trường, thị phần, nguồn vốn huy động, nguồn nhân lực…

Hàng năm, các công ty phải lên kế hoạch kinh doanh cho năm tiếp theo thông qua các quyết định về nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xác định thị trường, phân khúc thị trường mục tiêu, quảng cáo, bán hàng, sản xuất, nhân sự, quản lý chất lượng, kế toán/tài chính.

Để có cơ sở ra quyết định, các công ty sẽ được cung cấp đầy đủ các báo cáo kết quả hoạt động hàng năm của các công ty cùng tham gia, xu thế phát triển của thị trường, nguồn tài nguyên và nhân lực hiện có…

Sau khi phân tích và đưa ra các quyết định cho từng chức năng trong công ty, các quyết định này sẽ được đưa lên hệ thống để tập hợp và phản hồi lại. Các công ty sẽ được nhận những bảng đánh giá hiệu quả kinh doanh theo từng năm dựa vào các yếu tố như doanh số, lợi nhuận, thị phần, giá trị cổ phiếu, các chỉ số tài chính, khả năng huy động vốn, sự thỏa mãn của khách hàng… Kết quả kinh doanh của từng công ty sẽ được giảng viên phân tích và đánh giá cụ thể cho từng năm, ví dụ như: Tại sao dự báo bán hàng sai? Tại sao quá nhiều hàng tồn kho/ hoặc hết hàng? Tại sao chưa biết xử dụng nguồn vốn hiệu quả? Tại sao đã dành thêm/ mất đi thị phần? Tại sao giá cổ phiếu tăng/giảm? Làm thế nào để định vị lại sản phẩm tốt hơn trên thị trường? Tại sao các chỉ số tài chính như ROA, ROE, P/E thấp/cao và làm thế nào để điều chỉnh cho phù hợp?…

Kết quả và hiệu quả kinh doanh của các công ty phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Càng nhiều công ty tham gia thì thị trường càng trở nên khốc liệt và tất nhiên để được dẫn đầu thì các công ty phải có một chiến lược dài hạn, lộ trình rõ ràng, chiến thuật linh hoạt với kế hoạch cụ thể ngay từ những năm đầu tiên.

Tại sao nên sử dụng “mô phỏng”?

Mô hình mô phỏng mang lại cho người học những tình huống “động” và không có các đáp án sẵn có. Tính “động” sẽ đòi hỏi người học đưa ra giải pháp, quyết định dựa trên sự phân tích các biến số từ thị trường, đối thủ cạnh tranh…Việc đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh có thành công hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào giảng viên hay chủ quan của người học mà là các quyết định của công ty đối thủ đang cùng tham gia chương trình.

Dưới sự gợi mở và phản biện của giảng viên, học viên phải hoá mình trong vai trò của giám đốc, hay trưởng các bộ phận của một công ty như phòng nghiên cứu và phát triển, marketing, nhân sự, quản lý chất lượng, tài chính… để điều hành một công ty đang hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng chịu sự cạnh tranh với hàng ngàn công ty khác tại cùng thời điểm. Mỗi quyết định của học viên cùng các cộng sự về chiến thuật tài chính, nhân sự, marketing, nghiên cứu phát triển, định vị sản phẩm, sản xuất thương mại của công ty sẽ được đánh giá so sánh ngay với các công ty đối thủ.

Nguồn http://pda.vietbao.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *