Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Cơ quan thuế có thể thu được hơn 4.600 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng Big C?

Cơ quan thuế có thể thu được hơn 4.600 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng Big C?

Nếu quyết tâm, cơ quan thuế có thể thu được hơn 4.600 tỷ đồng về cho Ngân sách Nhà nước trong thương vụ chuyển nhượng Big C.

Cơ quan thuế có thể thu được hơn 4.600 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng Big C?

Sau một thời gian thương thảo, cuối cùng, thương vụ mua lại hệ thống Big C Việt Nam đã đến hồi kết.

Mặc dù được đánh giá cao hơn nhưng Saigon Co.op đã “thua” Central Group – Tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan ngay trên sân nhà. Central Group đạt được thỏa thuận cuối cùng với tổng giá trị thương vụ đạt 920 triệu Euro, tương đương 1,05 tỷ USD, xấp xỉ khoảng 23.300 tỷ đồng.

Có thể nói, Big C về tay Central Group là kết thúc khiến nhiều người phải tiếc nuối. Trong đó, đau đầu không kém là cơ quan thuế khi gặp phải khó khăn trong việc thu thuế chuyển nhượng của hệ thống bán lẻ này.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho hay, thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam tương tự như vụ Metro Cash & Carry chuyển giao hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam cho TCC Holdings (Thái Lan) hồi cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, thương vụ chuyển nhượng Big C do hai đối tác nước ngoài thực hiện và thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam khiến cơ sở pháp lý cho việc thu thuế của Việt Nam rất yếu.

Cụ thể: Đơn vị quản lý Big C Việt Nam được Casino Group thành lập tại “thiên đường thuế” Hồng Kông. Còn đối tác chuyển nhượng Central Group nằm tại Thái Lan. Thương vụ được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Và rất có thể việc chuyển nhượng này sẽ không dẫn tới việc thay đổi giấy phép, người đại diện của Big C Việt Nam nên càng khó khăn cho cơ quan thuế.

Tuy nhiên, trao đổi trên VTV, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, dù trụ sở chính của hai đơn vị trên đều nằm ngoài lãnh thổ của Việt Nam nhưng hệ thống Big C hiện nay có phát sinh thu nhập từ Việt Nam, do vậy phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Các thương vụ này đều phải kê khai nộp thuế theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp mà cụ thể là Thông tư 78 năm 2014: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, các dự án đều phải kê khai nộp thuế với thuế suất 22%; từ ngày 1/1/2016 là 20%” – ông Nguyễn Đầu, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết.

Như vậy, với giá trị chuyển nhượng lên tới 23.300 tỷ đồng của hệ thống Big C Việt Nam, số tiền thuế mà Việt Nam thu được có thể lên tới hơn 4.600 tỷ đồng hoặc nhiều hơn thế nữa.

Một cơ sở pháp lý khác được Tổng cục Thuế đưa ra đó là Thông tư 203 của Bộ Tài chính về tránh đánh thuế 2 lần, quy định doanh nghiệp có trụ sở tại nước ngoài không phải đóng thuế hoặc thấp hơn 10% phải chịu thuế tại nơi phát sinh thu nhập.

Do đó, ở Hong Kong, Big C không phải đóng thuế thì tại Việt Nam, sẽ phải chịu thuế chuyển nhượng.

Trước đó, Tổng cục thuế cũng đã thu được trên 1.900 tỉ đồng tiền thuế chuyển nhượng của Metro Cash & Carry từ Tập đoàn TCC của Thái Lan.

Tuy nhiên ít ai biết, đằng sau thông tin ngắn gọn ấy là một cuộc tìm kiếm cơ sở và thương lượng cũng như đấu tranh pháp lý để Việt Nam thu được số thuế chuyển nhượng trên.

An Nhiên

Theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *