Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Cuộc chiến thị phần trên bầu trời

Cuộc chiến thị phần trên bầu trời

Cuộc chiến giành thị phần khốc liệt trên bầu trời Việt
(PL)- Hàng loạt hãng bay cất cánh và đang chờ bay khiến thị trường hàng không trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt.

Thị trường hàng không Việt Nam (VN) đã có dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng nhưng cơ quan quản lý nhà nước phát tín hiệu sẵn sàng cho phép thành lập thêm các hãng bay khiến bầu trời Việt ngày càng trở nên chật chội.

Chật chội đến mức hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á là Air Asia cũng không chịu được nhiệt cạnh tranh từ thị trường hàng không VN đã quyết định rút lui không tham gia vào thị trường này, mà chỉ chọn mở đường bay đi và đến VN.

Sức ép từ những người đến sau

Chị Hoàng Yến, một nhân viên văn phòng ở quận 1, TP.HCM, có cảm giác chưa bao giờ đi máy bay dễ dàng như hiện nay. Chị chỉ cần vài thao tác trên máy tính, chọn giờ thích hợp, giá vé rẻ nhất, hãng bay yêu thích… là có thể bay, dù cũng biết rằng tại một số sân bay lớn quá tải nên phải chờ hàng tiếng đồng hồ để bay chặng 45 phút.

“Tôi nghĩ hiện nay khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn trước nhờ vào việc có khá nhiều hãng bay cùng tham gia vào thị trường hàng không. Họ càng cạnh tranh thì khách hàng càng hưởng lợi” – chị Yến nói.

Điều chị Yến chia sẻ khá đúng vì thị trường hàng không đang có sự hiện diện của năm hãng bay VN, tạo ra một cuộc chơi đầy sôi động nhưng cạnh tranh ngày một gay gắt. Hai ông lớn Vietnam Airlines và VietJet chiếm gần 80% thị phần nhưng đang dè chừng tên tuổi mới nhập làng là Bamboo Airways.

Đáng chú ý, hãng hàng không Bamboo chỉ mới cất cánh chưa được bao lâu, vào đầu năm 2019 song đã nhanh chóng giành lấy thị phần. Cụ thể, theo thống kê của Cục Hàng không VN, sáu tháng đầu năm hãng này đã chiếm 4,2% thị phần.

Trả lời hãng tin Bloomberg mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, cho biết tới đây sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động 100 triệu USD mở rộng đội bay với mục tiêu giành lấy 30% thị phần. Bamboo Airways cũng dự kiến sẽ tăng quy mô đội bay của mình từ con số 10 chiếc máy bay lên 23 chiếc trong năm nay và 30 chiếc đến năm 2023.

Đặc biệt, với chiến lược trung dung giá vé rẻ, cộng với kết nối các điểm đến du lịch do chính chủ đầu tư Bamboo thực hiện nên hãng bay này đã lấy nhiều khách hàng từ các hãng bay trước đó.

Bamboo đã làm được điều tương tự như cách của nữ tỉ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành VietJet. Đó là tìm đúng thị trường ngách và hướng đến những khách hàng thích sự tiện ích di chuyển nhanh của máy bay nhưng tài chính không xông xênh. Với mô hình cung cấp giá vé rẻ, VietJet đã phá vỡ thế độc quyền trước đây của Vietnam Airlines, nhanh chóng mở rộng thị phần.

Trước cuộc cạnh tranh khốc liệt của các hãng hàng không VN, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á là Air Asia đành từ bỏ tham vọng thâm nhập thị trường VN. Trong thông báo chấm dứt liên doanh giữa Air Asia và Thiên Minh mới đây, Tổng giám đốc Air Asia Tony Fernandes thừa nhận: “VN tiếp tục là mảnh ghép còn thiếu của hãng này”.

Một chuyên gia cho rằng những gì mà Air Asia định thể hiện tại thị trường VN đã chậm chân so với đối thủ. Chẳng hạn, dù Air Asia có đến 208 máy bay hoạt động và thống trị khu vực Đông Nam Á với một mạng lưới bay phủ sóng lớn trên nhiều nước nhưng lại không có lợi thế là am hiểu tâm lý người Việt nói riêng và thị trường VN nói chung.

Cuộc chiến giành thị phần khốc liệt trên bầu trời Việt - ảnh 1
Cuộc chiến hàng không chắc chắn ngày càng khốc liệt và không dành cho những tay mơ.  Ảnh: PHONG ĐIỀN

Thêm những đối thủ đáng gờm xuất hiện

Sức ép cạnh tranh sẽ tiếp tục gia tăng khi bầu trời Việt chuẩn bị đón thêm ba hãng hàng không mới đang chuẩn bị cất cánh là Vinpearl Air, Cánh Diều và Vietravel Air. Đây là ba hãng hàng không đáng gờm về năng lực kinh doanh cũng như nguồn lực tài chính.

Nếu Vinpearl Air, Cánh Diều kín tiếng về chiến lược kinh doanh thì Vietravel Air nói rất rõ việc mở hãng hàng không để phục vụ cho khách du lịch của họ. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel – đơn vị sở hữu hãng bay Vietravel Air, cho biết việc mở hãng hàng không được tính toán rất cẩn thận dựa trên nền tảng kinh doanh lữ hành du lịch.

Ví dụ, một năm Vietravel có đến 500 chuyến bay charter, nghĩa là hãng du lịch thuê bao máy bay cho khách của mình. Do vậy việc tham gia mảng hàng không là để bổ trợ cho mảng du lịch, đồng thời hướng đến tham gia vào lĩnh vực thuê bao máy bay mà theo tính toán của Vietravel, một năm đến 51.000 chuyến bay thuê bao.

Như vậy có thể hiểu Vietravel tiến đến mô hình du lịch trọn gói và có sẵn nguồn khách, đồng thời lấn thêm mảng hàng không nếu thừa công suất. Một khi thay vì đi thuê hãng khác cho khách du lịch của mình thì Vietravel lấy luôn nguồn khách này và tất yếu các hãng khác sẽ bị mất đi một lượng khách. Như vậy cuộc chiến hàng không chắc chắn ngày càng khốc liệt và không dành cho những tay mơ.

Tất nhiên các hãng bay khác cũng thấy được sức ép này. Bà Phương Thảo, Giám đốc điều hành VietJet, cho biết việc có thêm các hãng hàng không gia nhập thị trường là điều tích cực vì giúp cạnh tranh tốt hơn, nhiều người được đi máy bay hơn. VietJet cũng chấp nhận cuộc chơi này và tự tin với vị thế của mình trên thị trường. Tuy vậy cũng có thể nhìn thấy toan tính của VietJet khi bắt đầu tìm kiếm nguồn thu ngoài thị trường nội địa khi mở đến 78 đường bay quốc tế.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cũng cho hay định hướng phát triển của hãng là sẽ tập trung vào hàng không truyền thống phục vụ đầy đủ các dịch vụ và hàng không giá rẻ, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *