Logo KHV

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Cần đưa gạo vào đàm phán các hiệp định thương mại…

can dua gao vao dam phan cac hiep dinh thuong mai...nguon anh: vneconomy

Cần đưa gạo vào đàm phán các hiệp định thương mại…Nguồn ảnh: VnEconomy

Tính đến thời điểm này Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam, chiếm đến 38% tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ gạo của Trung Quốc rất lớn nhưng họ luôn chủ trương bảo hộ sản xuất nội địa, nên kiểm soát hoạt động nhập khẩu rất nghiêm ngặt nhất là trong việc cấp quota nhập khẩu gạo.

8 tháng đầu năm 2017, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 21,9% so với cùng kỳ 2016, ước đạt 4,1 triệu tấn và kim ngạch đạt 1,81 tỷ USD, tăng 19,4%.

Các thị trường xuất khẩu chính

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu đã tăng từ tháng 6 đến nay, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân trồng lúa, đưa giá gạo xuất khẩu trung bình trong 8 tháng đầu năm 2017 đạt mức 440,3 USD/tấn.

Tuy nhiên, do giảm ở nhiều thời điểm trước tháng 6 nên giá này vẫn giảm trên 2% so với cùng kỳ năm 2016.

Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc, chiếm trên 38% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2017 đạt 1,56 triệu tấn, thu về 700,73 triệu USD, tăng mạnh 31,9% về lượng và tăng 30,3% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2016.

Đứng thứ 2 về tiêu thụ gạo của Việt Nam là thị trường Philippines, với lượng gạo xuất khẩu đạt 421.769 tấn, chiếm 10,3%, với giá trị 167,25 triệu USD, chiếm 9,3%, tăng 115% về lượng và tăng 100% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Malaysia là thị trường vẫn đứng thứ 3, với 365.705 tấn, thu về 167,25 triệu USD, tăng mạnh 80,6% về lượng và tăng 61,7% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, trong mấy năm qua, Trung Quốc cố gắng bảo hộ thị trường gạo nội địa và tiến hành nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất trong nước, vì đối với Trung Quốc gạo phải được bảo hộ chặt chẽ của Chính phủ do tầm quan trọng của loại ngũ cốc này.

Do vậy, các biện pháp quản lý của Chính phủ Trung Quốc nhằm đảm bảo lượng gạo nhập khẩu nước ngoài chỉ chiếm tỉ lệ phần trăm nhỏ trong tổng lượng tiêu dùng của Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục các khoản trợ giá cho người nông dân nhằm giảm giá gạo trong nước.

Thế nhưng, do giá gạo vẫn cao cộng với lượng tiêu thụ trong nước ngày càng gia tăng đã dẫn đến nghịch lý là Trung Quốc trở thành một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, cho dù Chính phủ nước này đang thực thi một số hạn ngạch ngặt nghèo đối với nhập khẩu gạo. Song, do nhu cầu gạo của Trung Quốc quá lớn nên vấn đề nhập khẩu gạo sẽ không thể một sớm, một chiều giải quyết được đối với một quốc gia đông dân nhất thế giới.

Giải pháp đưa gạo vào thị trường Trung Quốc

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, mặc dù Trung Quốc là thị trường chính của xuất khẩu gạo Việt Nam, và trên thực tế họ rất cần gạo nhưng do liên quan đến nhiều vấn đề nên xuất khẩu gạo vào nước này còn nhiều việc cần phải bàn.

Trước đây, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bằng 2 đường tiểu ngạch và chính ngạch, nhưng 2 năm qua, xuất khẩu gạo sang thị trường này hầu như xuất theo đường chính ngạch là chính, vì vậy, vấn đề đặt ra là tính ổn định của xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc, trong đó, cần sự phối hợp giữa 2 Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đã chọn một số doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước họ, như vậy sẽ có 2 điều lợi.

Thứ nhất, chúng ta chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp đầu mối, như vậy tính ổn định hàng hóa sẽ tốt hơn, chất lượng và uy tín của gạo Việt Nam ở thị trường Trung Quốc sẽ được nâng lên.

Thứ hai, xét về mối quan hệ thương mại Việt – Trung, rõ ràng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam luôn chiếm tỷ lệ lớn hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam, nếu chúng ta đưa toàn bộ khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam sang đường chính ngạch thì rõ ràng 2 bên sẽ rất cần nhau.

Việt Nam cần tiêu thụ những sản phẩm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm ôn đới, hàng tiêu dùng… Ngược lại, Trung Quốc rất cần sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần có chính sách thương mại rõ ràng nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa 2 nước.

Vấn đề hiện nay là Trung Quốc quản lý thương mại biên mậu của họ rất tốt, nếu Việt Nam cũng quản lý chặc chẽ như Trung Quốc thì tiền thuế thu từ lĩnh vực này sẽ rất lớn. Vì hàng ngày có một lượng hàng khổng lồ được tuồn vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch, nên Nhà nước bị thất thu lượng tiền thuế rất lớn. Nếu đưa lượng hàng hóa nhập khẩu biên mậu này, trong đó có mặt hàng gạo vào đàm phán trong hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước sẽ giúp hoạt động xuất nhập khẩu của 2 nước đi vào nền nếp và hiệu quả hơn.

“Đằng nào buôn bán tiểu ngạch cũng không thu được thuế thì nên đưa các loại hàng hóa này vào đàm phán trong các hiệp định thương mại để dần cân bằng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 2 nước như đàm phán giữa Việt Nam và Úc. Qua đó, Việt Nam cho Úc xuất khẩu trái cherry vào Việt Nam, đổi lại chúng ta xuất khẩu trái thanh long vào Úc, thuế suất thấp nhưng bù lại Việt Nam thu thuế VAT rất lớn. Vậy tại sao không áp dụng bài toán này với Trung Quốc để chúng ta xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh họ cần, như gạo, rau quả, thủy sản…”, ông Nam nêu vấn đề.

Nguồn: KeHoachVietTongHop

Để lại một bình luận