Câu chuyện về gạo Cỏ May được bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), vừa chia sẻ trên mạng xã hội là điển hình về hệ lụy của giấy phép con đối với doanh nghiệp (DN).
Bà Hạnh kể: Cuối tuần qua, anh bạn làm nghiên cứu tại một trường đại học ở Singapore đến chơi.
Tình cờ, anh khoe: “Bà xã tôi gần đây mua được gạo Cỏ May ở siêu thị. Lên mạng xem, thấy gạo Cỏ May là Hàng Việt Nam chất lượng cao, ăn ngon lắm bèn giới thiệu cho các gia đình đồng nghiệp Singapore, họ cũng mua và khen. Mà sao về TP HCM mấy hôm nay muốn mua gạo Cỏ May cho mẹ tôi mà không được? Chị làm xúc tiến bao nhiêu năm mà dở ẹt…”.
Con đường Cỏ May đến Singapore thật là chông gai, lộ trình như sau: Từ tháng 1-2011, Nghị định 109/2010/NĐ-CP cấm DN nhỏ Việt Nam xuất khẩu gạo nếu không đủ một loạt điều kiện, trong đó có kho chuyên dụng chứa 5.000 tấn gạo, có nhà máy xay xát…
Hơn 5 năm qua, hàng trăm DN xuất khẩu gạo phải ủy thác cho các công ty lớn hoặc phải đẩy gạo xuất theo tiểu ngạch qua Trung Quốc. Trong tình cảnh đó, DN Cỏ May xoay trở đủ đường vẫn không xong. Mấy tháng gần đây, họ thử qua Singapore mở Công ty Cỏ May Singapore để tự nhập hàng của mình từ Việt Nam sang rồi phân phối tại đảo quốc này.
Phải thêm bộ máy, thêm chi phí, thêm thời gian, nhiều thủ tục với đủ thứ rào cản trầy vi tróc vảy…, gạo Cỏ May mới có mặt ở siêu thị Singapore!
Thế mới thấy ở nước ta, việc cải cách hành chính được tiến hành chủ yếu bằng… miệng. Miệng nói nhưng đầu và tay không làm nên trong 10 năm qua, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã có tới 7.000 giấy phép con ra đời.
Giấy phép con nhiều thì tệ xin – cho nảy nòi, kèm theo đó là vòi vĩnh, cống nạp, bôi trơn. Rào cản được giăng ra nhiều như thế, DN không vấp ngã mới lạ. Hàng chục ngàn DN đã cáo chung trong năm 2015 vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do không sống nổi trong môi trường kinh doanh hà khắc.
Vài năm trở lại đây, nhiều lĩnh vực sản xuất – kinh doanh của Việt Nam đã ngấm đòn hội nhập. Vì không đủ tầm, không chuẩn bị kỹ và bị ngáng chân bởi vô vàn cơ chế, thủ tục. Mà cơ chế là do con người xây dựng nên; do đó, nói cách khác, DN Việt bị bào mòn nguồn lực bởi chính người nhà!
Đã không mạnh lại còn bị trì kéo, DN Việt làm gì còn sức chiến đấu. Hậu quả nhãn tiền như chúng ta thấy là rất nhiều mảng rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài. Cụ thể hơn cả là lĩnh vực bán lẻ, vừa khi mua lại Metro hay Big C, hàng Thái Lan đã tràn vào Việt Nam như thác lũ.
Tại phiên họp Chính phủ gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt: Chính phủ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Sẽ phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến xóa bỏ cơ chế xin- cho…
Cộng đồng DN đang trông chờ những chỉ đạo đó thành hiện thực.
Người Lao động