“Thời đại số đã làm cho hành vi tiêu dùng thay đổi và không còn nghi ngờ gì nữa, truyền thông trực tuyến đang mang lại thành công cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
Trong kỷ nguyên số, truyền thông kỹ thuật số đang mang lại thành công đáng kể cho DN. Trong số đó, những cái tên như Hoa Yêu Thương, Shop Tình Nhân, 36A… mặc dù ra đời chưa lâu nhưng đã tạo được thương hiệu trên thị trường nhờ ứng dụng những phương tiện truyền thông hiện đại như Facebook, Google…
Với những công cụ quảng bá trực tuyến hiệu quả này, sau 3 năm, website hoayeuthuong.com đã có hệ thống cung cấp hoa tươi tại 63 tỉnh – thành. Chưa hết, hệ thống đặt hoa tươi của Thái Dương vươn ra ngoài Việt Nam, nhận – gửi hoa tới các nước Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… và nhiều quốc gia khác.
Và trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều DN phải phá sản, đóng cửa nhưng doanh thu của hoayeuthuong.com vẫn tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước và lượng truy cập tăng đều mỗi năm.
Trong khi đó, trang web bán hàng trực tuyến shoptinhnhan.vn của Đỗ Nhật Minh lại tăng trưởng mạnh nhờ Facebook. Trước đây, shoptinhnhan.vn chỉ quảng bá trên các kênh truyền thống nhưng từ năm 2013, Đỗ Nhật Minh quyết định đẩy mạnh quảng bá trên Facebook.
Nhờ những câu chuyện và những sản phẩm đưa lên Facebook với tên “shoptinhnhan.quatangtinhyeu” nhận được số lượt like lớn và những nhận xét đánh giá rất hữu ích.
Và cũng nhờ những nhận xét, đánh giá, trao đổi của khách hàng, shoptinhnhan.com đã liên tục cập nhật sản phẩm mới, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, giúp doanh thu công ty tăng mạnh. Đỗ Nhật Minh, cho biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh số của shoptinhnhan.vn tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nói riêng về mạng xã hội, ông Huỳnh Kim Tước, đại diện của Facebook tại Việt Nam, cho rằng, với hơn 1 tỷ người dùng trên thế giới, kênh truyền thông này đang là công cụ quảng bá hữu hiệu hình ảnh DN đến với khách hàng.
Các công ty đầu tư vào mạng xã hội hoạt động hiệu quả hơn vì thông tin minh bạch và có sự liên kết tốt hơn. Việt Nam với 90 triệu dân và chiếm đến 40% dân số sử dụng internet là lợi thế để DN quảng bá thương hiệu, tạo danh tiếng trên thương trường.
Các thống kê cho thấy, tại Việt Nam, hiện 3 mạng truyền thông xã hội Facebook, Twitter, Google với 20 triệu người dùng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Mỗi ngày có hơn 10 triệu trao đổi trên mạng xã hội và không ít trong số đó đánh giá về sản phẩm, hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Hải Triều, Tổng giám đốc YouNet Media, những lời nói của bạn bè có tác động rất lớn đến việc mua hàng của người tiêu dùng. Vì thế, nếu biết được người ta nói gì về sản phẩm của mình, có định mua hàng hay không thì có thể tác động để khách hàng mua sản phẩm. Và thông qua những thông tin từ các kênh truyền thông mạng xã hội, internet…, DN có thể xây dựng được chiến lược bán hàng hợp lý.
Có nhiều thuận lợi cho DN khi sử dụng các kênh truyền thông trực tuyến để quảng bá thương hiệu, sản phẩm… Hiện nay, cả Google và Facebook đều cho phép người dùng chủ động tạo lập mẫu quảng cáo, chiến dịch quảng cáo mà không cần phải thông qua đại lý quảng cáo, các công ty truyền thông.
Bằng cách mở một tài khoản quảng cáo ngay trong tài khoản Facebook Profile, DN có thể tự chạy quảng cáo bán hàng, xây dựng thương hiệu một cách đơn giản. DN hoàn toàn chủ động đánh giá hiệu quả của từng mẫu quảng cáo, từng chiến dịch quảng cáo thông qua các chỉ số báo cáo.
Hơn nữa, nếu thấy mẫu quảng cáo không hoặc kém hiệu quả, DN có thể dừng quảng cáo đó và thiết lập mẫu quảng cáo khác hiệu quả hơn; hoặc có thể chủ động tăng hoặc giảm ngân sách để tối ưu hiệu quả kinh doanh.
Ngày nay, thông qua internet khách hàng có nhiều trải nghiệm và ngày càng khó tính hơn trước đây rất nhiều. Vì thế, nếu sản phẩm của doanh nghiệp có mặt ở tất cả các kênh thì mức độ tin tưởng của khách hàng về sản phẩm càng cao. “Kinh doanh thì mục tiêu của doanh nghiệp là khách hàng.
Vì vậy, nhiệm vụ của doanh nghiệp là làm sao để tìm thấy những khách hàng tiềm năng, từ đó, biến họ thành khách hàng trung thành. Muốn vậy, doanh nghiệp phải đa dạng kênh truyền thông, nhất quán nội dung quảng bá trong các kênh này đồng thời phải ứng dụng những công nghệ mới nhất để truyền thông hiệu quả”.
Theo một khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường GCOMM, 46% những người có ít nhất một tài khoản của MXH (bao gồm: Facebook, Zalo, YouTube, LinkedIn, Twitter…) cho rằng, những chia sẻ của họ liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ của công ty nào đó sẽ không được công ty đó nhìn thấy.
Việc chia sẻ trên MXH, nếu có, cũng chỉ để “giảm cơn tức giận” vốn đang cần chỗ để xả sau khi nhận được sản phẩm hay dịch vụ không tốt như mong đợi. Thú vị hơn, 90% trong số họ cho rằng, các công ty nên chủ động và tích cực hơn nữa trong việc lắng nghe những gì người tiêu dùng (NTD) đang nói về mình trên MXH hơn là để NTD chia sẻ những nỗi tức giận hay thất vọng đó với bạn bè của họ.
Không giống những ngành hàng khác có rất nhiều lượt bình luận và chia sẻ trên truyền thông xã hội, sữa bột có số lượt bình luận và chia sẻ không cao. Cũng chính vì thế mà các công ty sữa bột tại Việt Nam ngoài nhiệm vụ chiếm thị phần, họ cũng phải luôn nghĩ về những chiến dịch truyền thông kỹ thuật số nhằm tạo ra “tiếng ồn thương hiệu”.
2014 là một năm khá ồn ào của ngành hàng sữa bột so với những năm trước đó, khi có đến 666.000 lượt nói về ngành hàng và nhãn hàng trên các phương tiện truyền thông trực tuyến như Facebook, Forum… Trong đó, Facebook vẫn chiếm vai trò chính với 89,7%, bỏ xa Forum (6,5%) và các trang tin tức (3,5%).
Thực tế cho thấy, mỗi công ty sữa có một chiến lược đầu tư khác nhau cho kênh này, nhưng Facebook vẫn chiếm thế thượng phong trong việc phô trương thanh thế nhãn hiệu cho hầu hết các nhãn hiệu sữa. NTD, một khi có hơn một lựa chọn về kênh truyền thông để kiểm tra thông tin, họ sẽ có xu hướng đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cho từng kênh, vì mỗi kênh có mức độ tin cậy khác nhau.
Các diễn đàn dành cho cha mẹ (Webtretho, Lamchame, Diendantretho…) chiếm vị trí cao nhất xét từ góc độ có được niềm tin của NTD khi muốn tham khảo thông tin về sữa bột.
Trong khi đó, các bài viết và bình luận trên Facebook cũng chiếm vị trí tương đối (24%) so với nguồn thông tin còn lại là Fanpage của nhà sản xuất. Các video từ YouTube, bài viết trên các blog gần như không có được niềm tin của NTD, chỉ mang tính tham khảo.
Chính vì thế, việc thực hiện chiến dịch truyền thông digital, ngoài gia tăng độ nhận biết thương hiệu trên mạng, rõ ràng chiếm được tình cảm và niềm tin của NTD, là một trong những mục tiêu rất quan trọng của các nhãn hiệu sữa. Điều này nhằm không lãng phí ngân sách vào những dự án chỉ có khả năng tạo ra sự ồn ào trên mạng mà không mang lại bất cứ lợi ích thương mại nào cho nhãn hiệu.
Thêm vào đó, với lịch thực hiện chương trình tương đối dày giữa các nhãn hiệu trong thời gian một năm, các nhãn hiệu sữa cũng buộc phải rất sáng tạo mới đạt được những kết quả tích cực cho các chỉ số như: mức độ hiệu quả của chiến dịch, tần suất chuyển sang mua sản phẩm, tỷ lệ những người nhận biết tên chiến dịch và nhãn hiệu, tỷ lệ bình luận tích cực, và quan trọng không kém là lượng theo dõi và chia sẻ các bài viết từ những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng (KOL).
Trong bức tranh digital marketing tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khai sinh, các chuyên gia marketing phải rất tỉnh táo trong việc lựa chọn kênh truyền thống hay hiện đại. Kênh hiện đại thì nên phân bổ đầu tư như thế nào nhằm tối ưu hóa lợi ích nhãn hiệu, tương tác lâu dài với NTD theo chiều hướng tích cực.
Nguồn KeHoachViet tổng hợp