Home / Phát triển doanh nghiệp / Nghệ thuật quản lý / Làm gì khi nhân viên tự coi mình là “Số 1”

Làm gì khi nhân viên tự coi mình là “Số 1”

Nếu bạn là lãnh đạo, đừng bao giờ mơ tưởng quá sớm về những cấp dưới hoàn hảo. Họ có năng lực, có sự sáng tạo và thực sự bản lĩnh nhưng không phải ai cũng là những người luôn biết nghe lời và “biết trên biết dưới”. Đối với những nhân viên như thế, bạn chắc hẳn sẽ phải đau đầu không ít lần. Nhưng thực ra không có gì quá khó để “dạy bảo” những kẻ cứng đầu.

Cần gần gũi với nhân viên để họ nhận ra giá trị đích thực của mình mà không kiêu căng

Tốt nghiệp đại học Ngoại thương với tấm bằng loại giỏi, lại có ngoại hình xinh xắn, giỏi khoản ăn nói cộng thêm kinh nghiệm mấy năm làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài tầm cỡ, Thương chắc chắn cầm trong tay cái mác “nhân sự cao cấp” và được nhiều công ty săn đón, mời về làm việc với mức lương cao và những ưu đãi khó mà chê được. “Kén cá chọn canh” mãi, Thương chấp nhận đầu quân làm việc cho một ngân hàng mà mức thu nhập thì phải gọi là đáng mơ ước. Tự tin vào khả năng của mình, tất nhiên, Thương nhìn các đồng nghiệp khác với con mắt “hơi” bề trên. Nhiều người biết tính Thương kiêu kì, lại chẳng coi ai ra gì nên chẳng thèm nói và bắt chuyện. Bị cô lập nhưng Thương vẫn cứ tự cho rằng mình thuộc tầng lớp khác, chẳng liên quan gì mà phải bắt chuyện, kết thân này nọ.

Chuyện xem ra cũng chẳng có gì, nhưng Thương liên tiếp tạo sai lầm trong cách ứng xử nơi công sở. Cô thậm chí không muốn nghe lời sếp. Luôn khăng khăng cho mình là đúng, mỗi lần cãi tay đôi với sếp, Thương viện ra cái lý do như “em đã từng làm việc này ở công ty nọ, công ty kia”, “em tin chắc vào khả năng của mình” … để chứng minh sự tự tin và năng lực có thừa của mình.

Sếp của Thương vốn du học bên trời Tây, là người giỏi cả chuyên môn lẫn năng lực quản lý nhưng rất kín tiếng. Cô cũng chẳng muốn đôi co với một nhân viên trẻ “ngựa non háu đá” như Thương nhưng kinh nghiệm của một lãnh đạo cho cô thấy rằng nếu không nhanh chóng “cải tạo”, Thương sẽ chẳng còn là một nhân viên có năng lực nữa. Rất trọng dụng nhân lực giỏi, sếp bắt đầu quá trình chặn đứng thói bướng bỉnh có thừa của nhân viên. Sếp gần gũi và tạo cảm giác tin cậy ở Thương bằng những câu chuyện thân tình, dần dần, Thương nhận ra sếp cô là người rất tâm lý và coi trọng nhân viên. Thương trở nên hòa đồng và hãm bớt thói kiêu kì không cần thiết của mình hơn.

Không may mắn như Thương, Phong mất việc cũng vì thói bướng bỉnh, coi mình là số một. Phong tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng bên Mỹ nhờ vào một học bổng du học kiếm được hồi mới vào sinh viên. Trở về nước, Phong có thừa bản lĩnh bước vào làm việc trong một công ty xây dựng có vốn nước ngoài, lương tính bằng đô.

Thế nhưng, Phong không phải là người có thói quen nhũn nhặn. Phong sẵn sàng cãi lại những ai trái ý mình vì anh cho rằng năng lực của mình không bao giờ cho phép anh phạm sai lầm. Với đồng nghiệp, Phong xem họ như đàn em, với sếp, Phong cũng chẳng coi trọng gì. Trong các cuộc họp, những ý tưởng của anh em đưa ra, Phong đều lên tiếng bác bỏ với những giọng điệu khá nặng lời và chê bai, thậm chí, ngay cả sếp, Phong cũng chẳng nể nang gì. Được dăm bữa nửa tháng, chẳng ai còn chịu hợp tác làm việc cùng với Phong nữa. Sếp cũng sa thải Phong với những lý do mà không ai là không hiểu.

Mất việc nơi này, Phong tìm đến được nơi khác vì cái mác du học sinh về nước. Nhưng chẳng có nơi nào Phong trụ được lâu dài vì tính cách bướng bỉnh và những lề thói kiêu căng, xem thường người khác. Dần dần, các công ty chuyên về xây dựng nhẵn mặt Phong với những điều tiếng chẳng tốt đẹp gì. Hành trình mất việc rồi có việc với Phong cũng chẳng còn dễ dàng như trước nữa. Đến lúc giật mình nhìn lại, Phong mới nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều thứ.

Bướng bỉnh, kiêu căng và xem thường người khác là bản tính thường có ở những nhân viên thừa năng lực nhưng lại thiếu vốn văn hóa ứng xử cần thiết. Với những nhân sự kiểu này, mối quan hệ giữa các đồng nghiệp cũng như mối quan hệ giữa sếp và nhân viên không được thoải mái hay dễ chịu cho lắm, thậm chí đôi khi còn rất căng thẳng. Đây là điều mà những nhà tuyển dụng nhân sự rất đau đầu vì khi tuyển, họ chỉ chú ý đến năng lực chứ không thể biết được tính cách của ứng viên được. Nhiều nhà tuyển dụng cũng tiếc nếu bỏ mất một nhân sự giỏi. Đó là lý do khiến các nhân viên bướng bỉnh nhanh chóng đánh mất điểm của mình trong mắt công ty và họ sẽ ra đi nhanh chóng.

Với những cấp dưới kiểu này, lời khuyên dành cho các nhà quản trị là cần dần dần uốn nắn và đưa họ vào những khuôn khổ cần thiết. Nếu cần có thể dứt khoát cho họ ra đi không nuối tiếc. Làm lãnh đạo, bạn cần phải hiểu rằng, muốn thành công phải gây dựng cả một tập thể chứ không chỉ dựa vào một nhân viên, dù họ có tài giỏi đến mức nào.

  Theo VTV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *