Home / Phát triển doanh nghiệp / Chiến lược kinh doanh / Làm thế nào để tìm đầu ra cho sản phẩm mới

Làm thế nào để tìm đầu ra cho sản phẩm mới

Làm thế nào để tìm đầu ra cho sản phẩm mới vừa sản xuất?

Chúng tôi xin kể 1 câu chuyện vốn là tuyệt mật của những người Hoa giàu có ở Sài Gòn ngày xưa. Họ chỉ truyền miệng nhau và chỉ cho con trai (họ sợ con gái lấy chồng thì chỉ cho chồng, bí kíp bị lọt ra ngoài).

Ngày xưa, một tỷ phú gốc Hoa ở Chợ Lớn là Trương Văn Bền (1883 – 1956) suy nghĩ cách làm giàu dựa trên thế mạnh của Việt Nam, ông đi Bến Tre và sau đó lập một nhà máy sản xuất dầu dừa. Thời đó, phụ nữ VN hay bôi dầu dừa lên tóc cho mượt.

Thập niên 40, ông xuống tàu đi Pháp nhiều lần để xem có gì hay thì bắt chước làm ăn. Giới làm ăn mà không đi nhiều nơi trong nước và nước ngoài để quan sát coi cách người ta làm ăn thì “nghèo bền vững”. Tiếc tiền hoặc không dám đi thì coi như ước mơ có thành tựu là mơ ước viển vông phí thời gian cuộc đời. Người giàu có luôn dạy bảo con cháu như vậy.

Một lần ở Pháp, ông Bền phát hiện họ sản xuất xà bông tắm từ dầu Oliu, ông liền về nước nghiên cứu thay thế bằng dầu dừa, và ra đời sản phầm Xà Bông Cô Ba.

Lúc vừa sản xuất xong, ông mất vài ba năm ế chổng gọng, vì không ai mua. Người giàu thì mua xà bông Pháp, còn người nghèo thì làm gì có tiền mua xà bông. Mọi người lo lắng, nhưng ông nói từ từ, cái gì cũng phải tìm cách. Cứ sản xuất ra đã, rồi tìm cách bán chứ ngồi lo không bán được, thì bao giờ có cái gì?

Ông nghĩ ra cách là cho 2 nhân viên đi chào hàng ở khắp các tiệm tạp hoá. Sáng là 1 nhân viên vô hỏi “ở đây có bán xà bông nào của Việt Nam không”, và chiều thì nhân viên khác vô tiếp thị “hãy phân phối xà bông Cô Ba, sản phẩm xà bông đầu tiên của Việt Nam nè”. Tiểu thương ban đầu không để ý, sau cứ thấy sao nhiều người hỏi quá, nên mới nhập về. Với đại lý nào đã nhập về, ông sáng hôm sau lại cho nhân viên khác ra hỏi mua và mua luôn với giá đại lý bán. Đại lý thấy bán được, tiếp tục nhập hàng về. Chi phí tiếp thị coi như ông cho các tiểu thương từ việc chênh lệch giữa giá mua và giá bán.

Thấy hời, các tiểu thương nô nức đặt hàng. Người dân thì xài thấy thơm, lại là sản phẩm của nước ta sản xuất, từ nguyên liệu dừa quê mình, nên càng ủng hộ. Người chưa dùng xà bông bao giờ thì bắt đầu dùng để sạch sẽ thơm tho, hết ngứa, bớt chấy rận. Người dân truyền miệng nhau và từ đó xà bông Cô Ba trở nên nổi tiếng toàn cõi Việt Nam, xuất cảng sang nhiều nước, chi phối thị phần lớn ở Cam bốt (Campuchia), Lào, Thái Lan, Indo, Mã….và thậm chí còn xuất cả sang Pháp. Người dân được lợi từ việc sử dụng xà bông có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng nhập từ Pháp. Người Bến Tre có cơ hội bán dừa với giá cao hơn, từ đó mà thu nhập nông dân cũng tốt hơn nhiều. Ông mở rộng nhà xưởng, nhiều công nhân vô làm việc, đời sống khấm khá dần lên. Tiền xuất khẩu chảy về Việt Nam, giúp đất nước phồn vinh. Một doanh nhân phát kiến và xây dựng thị trường, triệu triệu người được lợi, nên đây là những người vĩ đại, đáng được ngợi ca.

Hy vọng là các bạn hiểu cách làm này của doanh nhân nổi tiếng Việt Nam một thời.

Theo sách Những doanh nhân châu Á nổi tiếng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *