Home / Phát triển doanh nghiệp / Chiến lược kinh doanh / LÀM TRANG TRẠI NUÔI CHIM CÚT CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ ?

LÀM TRANG TRẠI NUÔI CHIM CÚT CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ ?

Tìm hiểu về mô hình trang trại chăn nuôi chim cút

Trước khi làm trang trại nuôi chim cút, bạn phải học hỏi, tìm hiểu về loài chim cút về đặc tính sinh trưởng, điều kiện tự nhiên, quá trình nuôi chăm sóc, sinh sản, thức ăn và các loại bệnh thường gặp…

Để có những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về mô hình này, bạn có thể học hỏi kỹ thuật từ hội nông dân địa phương và các trang trại gần khu vực bạn sinh sống hoặc qua sách báo, truyền hình, internet…

Khi có được những kiến thức cơ bản nhất, chắc chắn việc chăn nuôi sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm

Bạn phải xem xét quanh khu vực mình sinh sống hoặc lân cận có trang trại nuôi chim cút nào chưa, họ nuôi chim cút lấy thịt hay lấy trứng, cung cấp chim cút giống… Lượng tiêu thụ ra sao, hướng phát triển có tiềm năng hay không.

Từ đó, bạn tìm ra thị trường phát triển cho mình, chẳng hạn họ nuôi chim cút lấy thịt thì bạn sẽ đi theo hướng nuôi chim cút lấy trứng, cung cấp con giống…

Chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn nếu có đầu ra ổn định và chắc chắn, bạn nên nghiên cứu đầu ra cho sản phẩm, liên hệ với các nhà hàng, quán ăn, các đầu mối đại lý hoặc liên hệ với các trang trại chăn nuôi chim cút khác, liên kết với hội nông dân để bao tiêu sản phẩm…

Chuẩn bị vốn

Vốn để nuôi chim cút không quá lớn, thông thường bạn sẽ phải chuẩn bị từ 20 triệu đồng – 50 triệu đồng trở lên, số tiền dùng để đầu tư vào trang trại, mua lồng, mua chim cút giống, thức ăn cho chim cút, tiêm phòng bệnh cho chim… Tùy số tiền vốn ban đầu ít hay nhiều mà bạn mua số lượng con giống phù hợp và đầu tư chuồng trại, sau này khi đã phát triển hơn hãy mở rộng hơn.

Ngoài ra bạn phải chuẩn bị vốn dự phòng cho những chi phí phát sinh trong quá trình chăn nuôi chim cút.

Chuẩn bị chuồng trại

Chuồng nuôi nên được đặt ở nơi có vị trí cao, thoáng mát. Trong điều kiện này, không khí cần phải trong lành với các khí độc hại như NH3, H2S… không được vượt quá 0,3%.

Chim cút có đặc tính thích sống ở nơi cao ráo, thoáng mát nên chuồng chim cần thiết kế lồng nuôi quay lưới, chia làm nhiều tầng, gọn nhẹ, có hệ thống máng ăn, nước uống để tránh rơi vãi. Đáy lồng hơi dốc để khi chim cút đẻ thì trứng sẽ lăn ra khay treo ở cạnh lồng.

Đặc tính của chim cút là khá nhút nhát nhưng thính giác và thị giác rất phát triển nên chúng dễ bị kích động bởi các tác động của môi trường, đặc biệt là các yếu tố như âm thanh, ánh sáng, người lạ. Do đó, để tạo điều kiện môi trường sinh trưởng, sinh sản tốt cho chim cút cần giữ một môi trường yên tĩnh tối đa.

Chim cút là một trong những món ăn béo bở của cả chuột và mèo. Do đó, khi xây dựng chuồng trại, bà con cần lưu ý đến thiết kế sao cho có thể chống các động vật nguy hại và nguy hiểm này. Tốt nhất bà con nên bố trí chuồng nuôi ở vị trí cao, xây kín đáo cũng như đặt bẫy chuột ở những vị trí cần thiết.

Về những quy cách, xây dựng lồng chăn nuôi chim cút đúng chuẩn bạn có thể tham khảo ở nhiều tài liệu chăn nuôi.

Trang trại nuôi chim cút
Trang trại nuôi chim cút

Mua chim cút giống

Chọn giống: Chọn mua cút ở những cơ sở sản xuất giống bố mẹ. Cút giống phải khỏe mạnh, không dịch bệnh, dị tật, nhanh nhẹn, háu ăn… Tỷ lệ đẻ, ấp nở, nuôi sống cao, tăng trọng nhanh, ổn định và đồng đều…

Tránh đồng huyết, dòng bố, dòng mẹ nuôi tách riêng để chọn lọc và ghép đôi giao phối… Từ ngày 25 chọn lọc những con đủ tiêu chuẩn làm giống nuôi riêng.

Cút trống, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông da bóng mượt, thân hình gọn, nhỏ hơn con cái, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, ngực nở, lông ngực vàng, 25 ngày tuổi nặng 70-90gr. Cút mái, đầu thanh, cổ nhỏ, lông da bóng mượt, lông ngực có đốm trắng đen, xương chậu rộng, hậu môn nở, đỏ hồng và mềm mại… Trọng lượng lớn hơn cút trống.

Phối giống: Phải trên 3 tháng mới cho phối giống, phối giống sớm quá sẽ làm cho bầy cút mau tàn…

Bạn có thể mua chim cút giống ở các trang trại chim cút lớn như Xã Đại Mạch, Đông Anh (Hà Nội) có hơn 100 hộ gia đình nuôi chim cút; hộ nuôi của ông Hà Văn Thành ở xóm Lãi, xã Tây Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình)…

Ngoài ra bạn có thể đến các Trung tâm nghiên cứu giống, gia cầm thuộc Viện chăn nuôi, Bộ NN&PTNT… sẽ có giống cung cấp cho bạn.

Thức ăn chăn nuôi chim cút

Mỗi ngày cút ăn 20-25gr thức ăn hỗn hợp và đẻ 1 quả trứng nặng 10-11gr (bằng 10% cơ thể), cho nên thức ăn của cút phải bảo đảm yêu cầu dinh dưỡng cao, nhất là đạm, khoáng và sinh tố….

Nước uống: Mỗi ngày cút uống 50-100ml nước, nhưng phải cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho cút uống tự do.

Chăm sóc nuôi dưỡng

Trong quá trình chăn nuôi chim cút, bạn phải chú ý từng giai đoạn của chim cút để có thể có những cách chăm sóc phù hợp.

Cút con 1-25 ngày: Cút con nở ra phải úm ngay. Có thể úm lồng hoặc úm nền, nhưng phải sưởi nóng lồng hoặc chuồng trước khi cho cút con vào úm. Nhiệt độ úm: Tuần thứ nhất 34-35oC, sau đó giảm dần mỗi tuần 3oC, đến tuần thứ 4 không phải úm nữa. Thoáng khí: ấm áp nhưng phải thoáng khí. Mật độ úm: Tuần 1: 200-250 con/m2, tuần 2: 150-200 con/m2, tuần 3: 100-150 con/m2; tuần 4: 50-100 con/m2. Thức ăn, nước uống: Giai đoạn úm nên đặt máng ăn, uống trong lồng, chuồng. Thức ăn giàu dinh dưỡng, nhất là đạm (26-28%), sinh tố… cho ăn nhiều trong ngày. Nên bổ sung sinh tố… vào nước cho cút uống thường xuyên.

Cút thịt 25-30 ngày: Từ ngày 25 chuyển sang chế độ nuôi thịt. Khẩu phần thức ăn vỗ béo, nhiều tinh bột, ít đạm (22-24%)… cho ăn, uống tự do cả ngày lẫn đêm. Mật độ trung bình 50-70 con/m2. Cút thịt xuất bán 40-50 ngày tuổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *