Home / Phát triển doanh nghiệp / Chiến lược kinh doanh / Muốn giữ chân khách hàng hãy giữ cho mọi thứ đơn giản

Muốn giữ chân khách hàng hãy giữ cho mọi thứ đơn giản

Trong mắt các nhà tiếp thị, người tiêu dùng ngày nay – với sự hỗ trợ của smartphone, là những người liên tục lùng mò thông tin trên các website, và sẽ chọn lựa bất kỳ thương hiệu nào đem lại cho họ nhiều lợi ích nhất. Lòng trung thành với thương hiệu được cho là đã biến mất. Đứng trước điều này, các công ty đã tăng cường nỗ lực gửi đi nhiều thông điệp, hy vọng rằng càng cung cấp nhiều thông tin và sự tương tác, họ sẽ càng có cơ hội giữ chân những khách hàng đang ngày càng “mất tập trung” và không trung thành này. Nhưng đối với nhiều người tiêu dùng, khối lượng thông điệp tiếp thị tăng lên không đồng nghĩa với việc họ có nhiều thông tin để đánh giá hơn, thay vào đó lại là một sự quá tải. Thay vì kéo khách hàng vào vòng ảnh hưởng của mình, các nhà tiếp thị đang không ngừng đẩy họ ra xa một cách thiếu suy nghĩ.

Đó là một phát hiện quan trọng từ nhiều cuộc khảo sát với hơn 7.000 người tiêu dùng và các cuộc phỏng vấn với hàng trăm giám đốc tiếp thị và các chuyên gia khác trên thế giới của Corporate Executive Board. Nghiên cứu tập trung tìm hiểu điều gì khiến cho khách hàng gắn bó với thương hiệu, từ đó mua sản phẩm một cách có chủ ý, sau đó mua lại nhiều lần và giới thiệu nó cho người khác. Nghiên cứu đã xem xét hơn 40 biến số có khả năng tác động tới sự gắn bó của khách hàng, bao gồm giá cả, nhận thức của khách hàng về một thương hiệu và tần suất người tiêu dùng tương tác với thương hiệu. Động lực lớn nhất của sự gắn bó, cho đến nay, là sự đơn giản trong việc đưa ra quyết định. Đó là sự dễ dàng mà người tiêu dùng có thể thu thập thông tin đáng tin cậy về một sản phẩm và cân nhắc các lựa chọn mua hàng một cách tự tin và hiệu quả. Những gì người tiêu dùng muốn từ các nhà tiếp thị, đơn giản chỉ là sự giản đơn.

Hãy xem xét các hoạt động tiếp thị của hai thương hiệu máy ảnh kỹ thuật số. Chiến lược tiếp thị trên công cụ tìm kiếm của thương hiệu A, là nhắm vào bất kỳ người tiêu dùng nào đang tìm kiếm các thuật ngữ máy ảnh kỹ thuật số phổ biến và hướng họ đến trang web của công ty. Ở đó, họ tìm thấy thông tin kỹ thuật và tính năng mở rộng và ảnh sản phẩm xoay 360 độ, tất cả đều được phân loại và sắp xếp theo các dòng máy ảnh. Trong các cửa hàng của thương hiệu này, nhãn dán mô tả sản phẩm trên kệ liệt kê các thuộc tính kỹ thuật chính, chẳng hạn như xếp hạng megapixel, bộ nhớ và cung cấp một mã QR để đưa người tiêu dùng đến phiên bản di động của trang web thương hiệu, nơi họ có thể tìm hiểu sâu hơn về thông số kỹ thuật của sản phẩm.

Chiến lược tiếp thị trên công cụ tìm kiếm của thương hiệu B là, trước tiên phải hiểu ý định của người tiêu dùng và xác định họ đang ở bước nào trong quy trình tìm kiếm. Tại sao cô ấy muốn một chiếc máy ảnh? Cô ấy chỉ mới bắt đầu tìm hiểu, hay cô ấy đã sẵn sàng chi tiền để mua ? Với những khách hàng đang trong giai đoạn tìm hiểu ban đầu, công ty hướng họ đến các trang web đánh giá của bên thứ ba (nơi máy ảnh của họ đạt điểm cao). Với những người tiêu dùng đang tích cực mua sắm, công ty sẽ hướng họ đến trang web của công ty. Tại đây, đánh giá và xếp hạng của người dùng xuất hiện ngay đầu tiên ở vị trí trung tâm, và một công cụ điều hướng cho phép người tiêu dùng nhanh chóng tìm thấy các đánh giá có liên quan đến mục đích sử dụng máy ảnh của họ (chụp ảnh gia đình và kỳ nghỉ, chụp ảnh thiên nhiên, chụp ảnh thể thao, v.v.). Trong các cửa hàng, Thương hiệu B mô tả các tính năng kỹ thuật bằng những thuật ngữ phi kỹ thuật. Ví dụ như thay vì nhấn mạnh vào megapixel và bộ nhớ, họ cho biết thẻ nhớ của máy có thể lưu được bao nhiêu bức ảnh có độ phân giải cao. Mã QR trên kệ hiển thị dẫn đến một ứng dụng đơn giản mô phỏng một trong những yếu tố khác biệt của máy ảnh, một tính năng chỉnh sửa ảnh.

Thông tin với độ chi tiết cao mà Thương hiệu A cung cấp ở mỗi bước mua hàng có thể hướng dẫn cho người tiêu dùng về một khả năng nhất định của máy ảnh, nhưng nó không tạo điều kiện cho cho khách hàng ra quyết định một cách dễ dàng. Thương hiệu B đơn giản hóa việc ra quyết định bằng cách cung cấp thông tin đáng tin cậy phù hợp với nhu cầu cá nhân của người tiêu dùng, do đó giúp họ đi qua con đường mua hàng một cách nhanh chóng và tự tin. Nghiên cứu cho thấy rằng, những khách hàng đang xem xét giữa hai thương hiệu có khả năng sẽ lựa chọn thương hiệu B hơn.

LÀM CHO CÁC QUYẾT ĐỊNH TRỞ NÊN ĐƠN GIẢN

Đối với một tổ chức tiếp thị, cần làm những gì để khiến người tiêu dùng lựa chọn và gắn bó với thương hiệu ?

Nghiên cứu cho thấy công cụ tốt nhất để đo lường các nỗ lực thu hút người tiêu dùng là “chỉ số đơn giản hóa quyết định”, một thước đo về mức độ dễ dàng để người tiêu dùng thu thập và hiểu (hoặc điều hướng) thông tin về thương hiệu, họ có thể tin tưởng bao nhiêu vào thông tin họ tìm thấy, và họ có thể cân nhắc lựa chọn của mình dễ dàng như thế nào. Một thương hiệu càng giúp khách hàng dễ dàng thực hiện hành trình quyết định mua hàng, “chỉ số đơn giản hóa quyết định” của nó càng cao. Các thương hiệu đạt điểm cao nhất trong nghiên cứu có khả năng cao hơn 86% so với các thương hiệu đạt điểm thấp nhất trong việc được người tiêu dùng lựa chọn. Họ có nhiều khả năng được mua lại hơn 9% và nhiều khả năng được đề xuất cho người khác hơn 115%.

Thay đổi theo hướng đơn giản hóa quyết định và giúp người tiêu dùng tự tin hoàn thành hành trình mua hàng là một thay đổi sâu sắc, thường đòi hỏi các nhà tiếp thị phải suy nghĩ lại về cách giao tiếp của thương hiệu. Một số bài học thực tế có thể được rút ra từ các thương hiệu đang dẫn đầu. Các quy trình hỗ trợ điều hướng, xây dựng niềm tin và làm cho việc cân nhắc các tùy chọn dễ dàng hơn thường xảy ra đồng thời. Nhưng để có một cái nhìn thật rõ ràng, dưới đây chúng ta sẽ tách chúng ra và xem xét một cách riêng biệt.

NGƯỜI TIÊU DÙNG THỰC SỰ MUỐN GÌ ?

Hỗ trợ điều hướng.

Trong khi cố gắng thu hút nhiều hơn sự chú ý của những người tiêu dùng đang bị quá tải thông tin, thương hiệu đã dẫn họ vào một quy trình mua sắm hết sức hỗn độn một cách không cần thiết. Tạo ra một đường dẫn hiệu quả hơn có nghĩa là giảm thiểu số lượng nguồn thông tin mà người tiêu dùng phải tiếp cận trong khi vẫn tự tin tiến tới việc mua hàng. Các thương hiệu khôn ngoan nhất đạt được điều này bằng cách cá nhân hóa tuyến đường ra quyết định mua sắm của khách hàng.

Cách tiếp cận này vẫn còn xa lạ với các nhà tiếp thị bởi vì trong nhiều trường hợp, con đường đơn giản nhất, truyền cảm hứng nhất lại bao gồm những điểm tiếp xúc nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của thương hiệu. Thông thường những gì người tiêu dùng cần không phải là trải nghiệm tương tác hào nhoáng trên microsite của thương hiệu mà là trao đổi chi tiết với người dùng về ưu và nhược điểm của sản phẩm và sự phù hợp với cuộc sống của người tiêu dùng.

Các nhà tiếp thị phải đối mặt với hai thách thức thực tế ở đây. Đầu tiên, làm thế nào họ có thể phát hiện một người tiêu dùng đang ở chính xác giai đoạn nào trên quy trình mua hàng và thông tin nào cô ấy cần nhất là gì? Thứ hai, làm thế nào họ có thể đảm bảo rằng người tiêu dùng sau khi được điều hướng đến các nguồn thông tin của bên thứ ba sẽ quay trở lại?

Để trả lời câu hỏi đầu tiên, các nhà tiếp thị hàng  đầu đang sử dụng dữ liệu lớn và các phân tích tinh vi để lập bản đồ quy trình mua hàng của người tiêu dùng. Một công ty điện tử đã thu thập dữ liệu từ bốn nguồn chính: quản lý truyền thông xã hội, khai thác thông tin về hiệu quả quảng cáo và giám sát chiến dịch truyền thông, phân tích nhấp chuột và khảo sát người tiêu dùng cá nhân để xác định quy trình mua hàng phổ biến. Họ nghiên cứu các bản đồ kết quả để xác định lượng traffic trên các tuyến mua hàng khác nhau, tuyến nào tạo ra sự tự tin cho khách hàng nhất, điểm tiếp xúc nào phù hợp nhất để truyền tải loại thông điệp nào và tại điểm nào người tiêu dùng mất niềm tin hoặc rời đi.

Quá nhiều thông tin

Các thương hiệu theo đuổi các chiến lược đơn giản hóa quyết định sử dụng đầy đủ các thông tin đó để đánh giá vị trí hiện tại của người tiêu dùng và hướng họ đến các điểm tiếp xúc tốt nhất. Một số nhà sản xuất ô tô, nhà bán lẻ và thương hiệu du lịch đã chọn lọc dữ liệu tìm kiếm của người tiêu dùng để tìm hiểu cách mà các thuật ngữ tìm kiếm và loại nền tảng tìm kiếm (ví dụ như điện thoại di động so với máy tính để bàn) cho biết mục đích và vị trí của người tiêu dùng trên quy trình mua sắm. Ví dụ, 70% những người sử dụng điện thoại di động để tìm kiếm sẽ mua hàng trong vòng vài giờ sau đó, trong khi 70% người dùng máy tính bàn để tìm kiếm mất tới gần 1 tuần sau đó để mua hàng.

Hơn nữa, bằng cách phân tích các thuật ngữ tìm kiếm, các công ty có thể nhận ra tiếp theo đó, đâu là thông tin mà người tiêu dùng cần nhất. Một số người tìm kiếm một thuật ngữ chung chung như “xe sedan sang trọng”, nhiều khả năng đang ở giai đoạn đầu của quy trình, so với một người tìm kiếm một cụm từ cụ thể như “BMW so với Audi”. Với những người ở giai đoạn đầu, các nhà tiếp thị muốn đơn giản hóa việc ra quyết định sẽ hướng dẫn họ tới các đánh giá ô tô mới nhất về xe sedan. Với người thứ 2, các nhà tiếp thị sẽ hướng anh ta tới một cộng đồng chủ sở hữu ô tô nhiệt tình. Nếu người tiêu dùng đang ở giai đoạn cuối của quy trình mua hàng, và lại đang sử dụng thiết bị di động ( ngụ ý rằng anh ta có thể sẽ mua hàng), công cụ tìm kiếm sẽ cung cấp một liên kết trả phí đến một đại lý được chỉ định, sử dụng tính năng nhấp để gọi cho phép anh ta dễ dàng thiết lập một cuộc lái thử.

Xây dựng niềm tin.

Trong bối cảnh đơn giản hóa quyết định,”niềm tin” không chỉ đơn thuần là tin tưởng vào thương hiệu; mà còn là về việc tin tưởng các thông tin thu thập được. Các nhà tiếp thị thường bỏ qua điều này và chỉ nỗ lực vào việc tạo ra những người giới thiệu thương hiệu, những người chỉ đơn giản tập trung vào các tính năng và lợi ích của sản phẩm. Người tiêu dùng cũng cần thông tin về tiêu chí ra quyết định và sử dụng thương hiệu.

Thế nào là một lời khuyên đáng tin cậy ?

Hãy xem xét “Haul video”, một hiện tượng mới nổi trong số rất nhiều bạn nữ tuổi teen trên Internet. Sau khi mua sắm tại một trung tâm thương mại, nhiều cô gái tải lên YouTube video của họ nói về “haul” (những món hàng đã mua) của họ. Trong các video, họ thảo luận không chỉ những gì họ đã mua mà còn tại sao và cách họ dự định phối hợp các món đồ mới của họ với phần còn lại của tủ quần áo. Điều này đưa thế giới quần áo và phụ kiện tuổi teen đầy phức tạp – một thế giới luôn dình dập những sự thay đổi về xu hướng và có quá tải những sự lựa chọn – và đơn giản hóa nó, bằng những hướng dẫn đáng tin cậy của những bạn nữ sành điệu. Về bản chất, các “hauler” đã lược bỏ danh sách các lựa chọn kéo dài dường như vô tận và cung cấp ngay lập tức các tiêu chí giúp cho việc ra quyết định. J.C. Penney và American Eagle là những hãng đã tận dụng hiện tượng này bằng cách mời các “hauler” với các đánh giá khách quan xuất hiện trên trang web và các kênh truyền thông kĩ thuật số của họ. Không ai trong số hai nhà bán lẻ này yêu cầu các “hauler” rằng họ chỉ được nói về các nhãn hiệu được mua tại cửa hàng của họ. Và các “hauler” cũng hoàn toàn thẳng thắn với người xem về mối quan hệ giữa họ với nhà bán lẻ. (ví dụ, Penney tặng thẻ quà tặng cho các “hauler” của mình).

Thông tin về những người đưa ra lời khuyên cũng giúp xây dựng lòng tin. Disney đã thực hiện điều này rất xuất sắc với “Hội các bà mẹ Walt Disney World” (Walt Disney World Moms Panel). Một nhóm các bà mẹ là khách hàng thường xuyên của Disney World đã trả lời các câu hỏi của khách hàng đang lên kế hoạch đi kỳ nghỉ tại Disney. Trong một trường hợp gần đây, một khách hàng hỏi về những địa điểm tốt nhất để xem đoàn diễu hành; cô ấy đã có hai đứa con và không thể nào đứng liên tục xuyên suốt toàn bộ thời gian cuộc diễu hành. Cô đã nhận được lời khuyên hoàn hảo từ Jackie S. Với kinh nghiệm tham gia 25 chuyến đi của Disney World của mình, thông tin của Jackie đưa ra trở nên đáng tin cậy. Khách hàng có thể kiểm tra độ tin cậy cô ấy bằng cách xem xét hồ sơ của cô ấy trên trang web của Disney World và đọc về gia đình, quê hương của cô ấy, và thậm chí cả cách cô ấy gặp chồng mình. Những chi tiết như vậy: Chúng giúp khách hàng đánh giá mức độ tin cậy của lời khuyên mà họ nhận được và cho phép họ đánh giá lời khuyên đó liệu có thể áp dụng cho các tình huống của họ hay không.

Bài học cho các nhà tiếp thị: Xây dựng đội ngũ cố vấn đáng tin cậy thay vì chỉ đơn giản là tìm ra những người giới thiệu sẽ thúc đẩy thương hiệu. Sau đó tổng hợp lời khuyên của họ và giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm ra và sử dụng nó, như cách J.C.Peyey đã làm rất thành công với những “haul video” thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Làm cho việc cân nhắc các tùy chọn trở nên dễ dàng hơn.

Để giúp người tiêu dùng đánh giá các lựa chọn, hầu hết các thương hiệu mô tả các tính năng và lợi ích khác biệt của họ. Một số đi một bước xa hơn, cung cấp hướng dẫn mua sắm có chứa các so sánh trực tiếp giữa các thương hiệu hoặc sản phẩm . Ví dụ: một ngân hàng có thể tập hợp một danh mục các tùy chọn kiểm tra tài khoản, trong đó liệt kê các tính năng của từng tài khoản. Cả hai cách tiếp cận đều cung cấp nhiều thông tin, nhưng không cung cấp nhiều hướng dẫn, khiến người tiêu dùng bối rối hơn bao giờ hết về đâu mới là sự lựa chọn tốt nhất cho họ.

Thương hiệu cần phải có một chiến thuật khác. Ngoại trừ trong các trường hợp sản phẩm có giá trị thấp, người tiêu dùng ngày càng nỗ lực để tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn của họ. Đối với các mặt hàng có giá hơn 50 đô la, một phần tư khách hàng nói rằng phần lớn nỗ lực của họ dành cho nghiên cứu sản phẩm. Khoảng 20% ​​nói rằng phần lớn nỗ lực của họ dành cho việc so sánh.

Mục tiêu của nhà tiếp thị là giúp khách hàng cảm thấy tự tin về sự lựa chọn của họ. Chỉ cung cấp thêm thông tin thường không đem lại sự giúp đỡ cho khách hàng trong việc này. Thay vào đó, các nhà tiếp thị cần cung cấp các công cụ cho phép khách hàng xác định và cân nhắc các tính năng phù hợp nhất với họ. Một ví dụ kinh điển là De Beers sử dụng tiêu chuẩn “4C” (cut – color – clarity – carat, tạm dịch là đường cắt – màu sắc – độ trong – trọng lượng tính bằng carat) để đưa ra một khung so sánh tiêu chuẩn giúp đơn giản hóa việc so sánh và đánh giá kim cương vốn rất phức tạp. “4C” đơn giản hóa quyết định mua bằng cách khiến người tiêu dùng tin tưởng rằng họ đang cân nhắc các tính năng thiết yếu của kim cương mà họ đang xem xét và đưa ra lựa chọn sáng suốt.

Tuy nhiên, nhiều thương hiệu đã làm cho quá trình đánh giá trở nên khó khăn hơn khi giới thiệu một loạt SKU (đơn vị sản phẩm) khiến khách hàng bối rối. Ví dụ, trang web của Crest có thông tin chi tiết về 35 loại kem đánh răng. Mặc dù một người tiêu dùng có thể sắp xếp được chúng theo một vài đặc điểm – “hương vị”, “được nha sỹ khuyên dùng”, “hơi thở trong lành”, “cổ điển”, nhưng điều này không giúp cô ấy tìm ra những tính năng quan trọng nhất với cô ấy và tuýp nào là lựa chọn tốt nhất cho cô. Hướng dẫn mua hàng theo dạng này có vẻ như đang cung cấp chỉ dẫn, nhưng sự thực là lại đang làm cho quá trình ra quyết định trở nên phức tạp hơn.

Các nhà tiếp thị, đặc biệt là những người có lượng SKU dồi dào, cần giúp khách hàng kiểm soát quá trình đánh giá sản phẩm. Herbal Essences đã làm rất tốt việc hướng dẫn trực tuyến cách chọn lựa dầu gội của mình. Hướng dẫn cung cấp đáng kể các chi tiết, nhưng cũng đưa ra một quy trình từng bước dễ dàng và minh bạch để thu hẹp và xác định các lựa chọn. Các câu hỏi có thể trả lời chỉ với một cú nhấp chuột về loại tóc, độ dài và kết cấu (thẳng, ngắn, tốt, dày) và các nhu cầu khác (xử lý màu sắc, khối lượng) cho phép khách hàng nhanh chóng duyệt qua hơn ba mươi sản phẩm khác nhau để tìm ra sản phẩm lý tưởng.

“Rất nhiều thương hiệu dẫn người tiêu dùng vào một quy trình mua sắm rối ren. Những thương hiệu khôn ngoan nhất giúp đơn giản hóa và cá nhân hóa quy trình ấy.”

Công nghệ cũng có thể giải quyết vấn đề đánh giá sản phẩm của người tiêu dùng bằng cách cho phép họ bỏ qua toàn bộ quá trình đó. Người tiêu dùng có thể cảm thấy tự tin về các khuyến nghị dựa trên dữ liệu mua hàng của chính họ hoặc hành vi trong quá khứ khác, bởi vì những thứ đó thường là thước đo chính xác về sở thích của họ. ShoeDazzle.com và JustFab.com là các câu lạc bộ dành cho những người yêu thích giày. Họ thu thập thông tin cá nhân của mỗi thành viên, chẳng hạn như các thần tượng thời trang yêu thích và sở thích giày nói chung (cỡ gót, màu sắc, v.v.) và đưa ra gợi ý phù hợp. Ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha đưa ra các khuyến nghị được cá nhân hóa cho các sản phẩm tài chính sau khi đánh giá hành vi chi tiêu cá nhân của người tiêu dùng. Những hành vi này được phản ánh trong lịch sử giao dịch và bảng câu hỏi, và so sánh hành vi đó với chi tiêu của đồng nghiệp. Trong mỗi trường hợp, công ty loại bỏ được rất nhiều, thậm chí là toàn bộ các rắc rối của việc lựa chọn bằng cách cung cấp một sự lựa chọn tốt nhất có thể cho khách hàng ngay từ đầu.

TỔNG KẾT LẠI

Không có công ty nào trong nghiên cứu đã tích hợp đầy đủ ba thành phần của chiến lược đơn giản hóa quyết định, nhưng Intuit là một trong số những công ty dẫn đầu. Hãy xem xét sản phẩm phần mềm TurboTax của họ. Việc chuẩn bị đóng thuế rất phức tạp, và người tiêu dùng có hàng loạt các lựa chọn, từ việc lựa chọn kế toán viên, cho đến việc lựa chọn phần mềm kế toán hay sử dụng phương pháp thủ công với bút và giấy. Riêng việc lựa chọn phần mềm kế toán nào cũng đã đủ khiến khách hàng phải đâu đầu. Intuit đã nỗ lực đơn giản hóa các lựa chọn đó bằng cách giúp người tiêu dùng điều hướng, tin tưởng và đánh giá thông tin dọc suốt quy trình mua hàng. Như giám đốc truyền thông xã hội của TurboTax  Christine Morrison đã nói, “Chúng tôi đã thấy trong hàng chục lĩnh vực khác nhau, rằng việc đơn giản hóa các quyết định cho người tiêu dùng giúp thu về lợi ích khổng lồ.”

Dẫn đường.

TurboTax đã tạo ra một diễn cho đàn khách hàng, được gọi là Cộng đồng Live TurboTax, nơi khách truy cập có thể đặt câu hỏi về sản phẩm, thuế , các câu hỏi xin hỗ trợ và chia sẻ thông tin. Nó chứa một cơ sở dữ liệu của câu trả lời được cung cấp bởi khách hàng và các chuyên gia. Để đảm bảo mức độ liên quan giữa câu hỏi và câu trả lời nhận về, một thuật toán giúp đưa ra tối đa năm câu trả lời phổ biến nhất cho một câu hỏi nhất định. Ví dụ: một người dùng trên màn hình khấu trừ thế chấp sẽ tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi về giới hạn khấu trừ và cách tính các khoản khấu trừ cho việc mua nhà. Người dùng TurboTax không cần trả tiền cho phần mềm cho đến khi họ nộp thuế; “Cộng đồng trực tiếp” giúp thúc đẩy việc mua hàng bằng cách hướng dẫn người tiêu dùng thông qua quy trình chuẩn bị thuế cho đến khi hoàn thành, cung cấp thông tin chính xác tại thời điểm cần thiết. Đến nay, hơn 12 triệu người dùng đã tham gia cộng đồng.

Lòng tin.

Intuit cung cấp hơn 160.000 đánh giá và xếp hạng của người dùng chưa được lọc trên trang web TurboTax và giúp người tiêu dùng tìm thấy những đánh giá phù hợp nhất. Xếp hạng từ một đến năm sao; việc đưa vào các xếp hạng thấp làm tăng sự tự tin của người tiêu dùng, cho họ thấy rằng Intuit đang không hề chọn lọc mà đưa ra tất cả những đánh giá của mình. Người tiêu dùng có thể sử dụng công cụ “những người tương tự như bạn” để sắp xếp các đánh giá theo tình trạng hôn nhân, hoàn cảnh và các sự kiện thuế lớn của những người đưa ra đánh giá . Họ có thể tìm thấy các bài đánh giá được viết bởi bạn bè hoặc gia đình bằng cách kết nối với Facebook hoặc Twitter – Turbo TurboTax khuyến khích khách hàng đăng bài trên một trong hai trang web này khi họ hoàn thành các khoản thuế của họ và các bài đăng tạo thành những quảng cáo biểu ngữ đáng tin cậy do chính người tiêu dùng tạo ra. Tỷ lệ chuyển đổi của những quảng cáo đó cao hơn 30% so với quảng cáo biểu ngữ thông thường của TurboTax.

Cân nhắc các tùy chọn.

Trang chủ TurboTax hiển thị các lựa chọn sản phẩm cơ bản được sắp xếp cạnh nhau để dễ so sánh. Nó chức năng “giúp tôi lựa chọn” cho phép người tiêu dùng thực hiện một cuộc kiểm tra ngắn 30 giây. Bài kiểm tra này không chỉ hướng dẫn họ đến sản phẩm phù hợp nhất với họ mà còn cho thấy tại sao sản phẩm đó là lựa chọn tốt nhất của họ.

Ngoài ra, Intuit cho phép người tiêu dùng lọc đánh giá của người dùng bằng phương pháp kê khai thuế trước đó để họ có thể đọc những gì người đánh giá với lịch sử chuẩn bị thuế tương tự đã nói về việc chuyển sang TurboTax. Điều này giúp họ trả lời câu hỏi “Chuyển sang dùng TurboTax sẽ cho tôi những thay đổi gì so với hiện tại ?”

Với sự mở rộng nhanh chóng của các công nghệ xã hội và di động, các nhà tiếp thị sẽ có cơ hội ngày càng tăng để tiếp cận người tiêu dùng. Nhưng nếu vẫn giữ nguyên cách tiếp cận cũ, cố gắng tiếp cận khách hàng một cách quá đà, các nhà tiếp thị sẽ chỉ khiến cho quy trình mua hàng trở nên phức tạp và rối ren. Các nhà tiếp thị tập trung vào việc đơn giản hóa việc ra quyết định của  người tiêu dùng, sẽ có lợi thế và kết quả là khách hàng của họ sẽ gắn bó với họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *