Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa đưa ra con số 6% trong dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016, giảm 2 điểm phần trăm so với dự báo gần nhất vào ngày 7/6/2016.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam lần này tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với lần dự báo do chính Ngân hàng Thế giới (World BanK) đưa ra cách đây vài tháng.

Ông Sebastian Eckardt – chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – cho biết: “Tình trạng tăng trưởng chậm lại của Việt Nam được đánh giá chủ yếu do tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn gần đây lên nông nghiệp, đặc biệt là sản lượng lúa đã giảm. Trong khi đó, tăng trưởng trong các ngành chế biến cũng giảm nhẹ, nhu cầu chung của quốc tế chưa khởi sắc”.

Dù vậy, mức suy giảm trong nông nghiệp được bù đắp bởi tăng trưởng của ngành bán lẻ, các ngành xây dựng được hỗ trợ bởi tín dụng đang tăng. Các chuyên gia cũng nhận định giá cả có tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Dự kiến, mức lạm phát 4% Ngân hàng Thế giới đưa ra vẫn thấp hơn mục tiêu 5% cho năm 2016. Tình trạng mất cân đối tài khóa tích tụ từ nhiều năm nay cũng được cảnh báo khi nguy cơ đối mặt với tương lai già hóa dân số của Việt Nam đang đến rất gần. Điều này càng gây áp lực lên chính sách tài khóa của Việt Nam.

GDP

Mặt khác, trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã điều chỉnh giảm dự báo GDP cả năm 2016 xuống 6%.

Dự báo của VEPR dựa trên những giả định sau:

  • Lo ngại lạm phát có thể sẽ tăng vì: (1) giá hàng hóa cơ bản có thể tăng tiếp trở lại, (2) viện phí và học phí dự kiến tăng trong 6 tháng cuối năm, (3) cung tiền M2 tăng khá mạnh trong 6 tháng vừa qua, (4) mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao là 18-20%.
  • Cơ cấu thu ngân sách có sự thay đổi do: (1) thu từ dầu giảm mạnh, (2) thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do nhiều lý do, (3) thu từ DNNN giảm.
  • Một số ngành tăng trưởng kém trong 6 tháng đầu năm chẳng hạn như giá trị sản xuất ngành khai khoáng giảm 2,2% (trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng 8,48% và trong 6 tháng cuối năm 2015 tăng 5,17%).
  • Chỉ số của VEPR – chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Vietnam Eco – nomic Performance Index) được tính dựa trên sản lượng điện, kim ngạch xuất nhập khẩu, vận tải, tăng trưởng tín dụng và PMI. Chỉ số này đã giảm tốc, cụ thể trong Q2/2016 chỉ số VEPI giảm xuống còn 5,19% từ 5,91% trong Q2/2015

Ông Philip O’Keefe – chuyên gia kinh tế trưởng của WB – cho biết: “Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới và điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay. Già hóa dân số sẽ gây nên nhiều tác động kinh tế, xã hội sâu rộng. Nó sẽ ảnh hưởng lên thị trường lao động và mang lại nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và toàn bộ người dân nói chung”.

Dù vậy, Ngân hàng Thế giới vẫn cho rằng tốc độ tăng trưởng có chậm lại trong năm 2016 nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì. Thời gian tới, muốn đạt tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động, đồng thời Việt Nam cần có những chuẩn mực tốt và giám sát tốt hơn về môi trường.

Để lại một bình luận