Logo KHV

Người nước ngoài có được phép thành lập bệnh viện tại Việt Nam?

Tóm tắt câu hỏi:

Ông A là bác sĩ người nước ngoài. Vậy:

1. Ông A có thể thành lập một bệnh viện ở Việt Nam hay không? Tại sao?

2. Ông A có thể đăng kí hành nghề khám, chữa bệnh tại một cơ sở khám, chữa bệnh của Việt Nam hay không? Tại sao?

3. Để thực hiện một trong hai hình thức trên, ông A có bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đầu tư và chứng chỉ hành nghề hay không? Tại sao?

Luật sư tư vấn:

1. Với câu hỏi thứ nhất:

Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, Dịch vụ bênh viện (CPC 9311) thì:

“Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ, bệnh xá đa khoa (policlinic) là 2 triệu đô la Mỹ và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn đô la Mỹ.””

Như vậy, với trường hợp trên, ông A có thể thành lập một bệnh viện ở Việt Nam, tuy nhiên ông A phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ.

– Hình thức tổ chức và điều kiện cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh được quy định tại Điều 23 Thông tư 41/2011/TT-BYT:

“1. Quy mô bệnh viện:

a) Bệnh viện đa khoa phải có ít nhất 30 giường bệnh trở lên;

b) Bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt sử dụng kỹ thuật cao phải có ít nhất 10 giường bệnh.

2. Cơ sở vật chất:

a) Được thiết kế, xây dựng theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 365:2007. Riêng đối với các khoa cấp cứu, khoa điều trị tích cực và chống độc, khoa phẫu thuật, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm thì việc thiết kế, xây dựng phải thực hiện đúng các quy định tại các Quyết định số 32, 33, 34/2005/QĐ-BYT ngày 31 tháng 10 năm 2005 và số 35/2005/QĐ-BYT ngày 15 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Trường hợp bệnh viện được xây dựng trên địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương mà không bảo đảm diện tích đất xây dựng theo quy định của Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 365:2007 thì có thể được thiết kế, xây dựng theo hình thức nhà hợp khối, cao tầng nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện; bảo đảm điều kiện vô trùng và các điều kiện vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;

– Bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất 10 m. Đối với các bệnh viện đã hoạt động trước ngày 01/01/2012 được phép tiếp tục hoạt động nhưng phải đáp ứng điều kiện quy định về chiều rộng mặt trước của bệnh viện chậm nhất vào ngày 01/01/2016.

b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

3. Thiết bị y tế:

a) Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà bệnh viện đăng ký;

b) Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, bệnh viện phải có hợp đồng với cơ sở có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện….”.

2. Với câu hỏi thứ 2:

Theo quy định tại Điều 19 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm:

– Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

+ Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;

+ Giấy chứng nhận là lương y;

+ Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

– Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

– Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

-. Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 23 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.

– Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.

– Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.

Do đó, ông A cũng có thể đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam, tuy nhiên ông A phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định trên.

3. Với câu hỏi thứ 3:

– Đối với trường hợp ông A muốn thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Trong trường hợp này ông A là nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án với số vốn là 20 triệu USD (tương đương 400 tỷ VNĐ), do đó, ông A phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 22 Luật đầu tư 2014.

Sau đó công ty phải đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Sở Y tế, nếu đáp ứng được các điều kiện hành nghề đối với tổ chức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 23 Thông tư 41/2011/TT-BYT) thì sẽ được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

– Trường hợp ông A muốn hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam thì phải có chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế cấp. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Điều 19 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.

Để lại một bình luận