Home / Phát triển doanh nghiệp / Pháp lý / NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬT TRONG CẢI CÁCH THUẾ

NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬT TRONG CẢI CÁCH THUẾ

Để phục vụ yêu cầu đổi mới phát triển kinh tế – xã hội, từ năm 1990 đến nay, ngành thuế đã tiến hành cải cách hệ thống thuế theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng của đất nước.  Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2021 mới nhất từ tiền lương

Giai đoạn 1990 – 1995, thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, với mục tiêu xây dựng hệ thống thuế thống nhất, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 9 sắc thuế và một số loại phí, lệ phí. Giai đoạn 1996 – 2000, Tổng cục Thuế tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là hai loại thuế cơ bản, điển hình cho thuế gián thu và thuế trực thu. Giai đoạn 2001 – 2010, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu hội nhập WTO. Giai đoạn này, cơ quan thuế từ đi thu thuế đã chuyển sang thực hiện chức năng quản lý thuế cùng với tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp; người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; cơ quan thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt, giai đoạn 2011 – 2020, ngành thuế đã triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế. Trên cơ sở đó, tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, hiện đại, đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đằng giữa các thành phần kinh tế; giảm động viên vào ngân sách, tăng tích tụ vốn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Mục tiêu của chiến lược cải cách thuế là phát triển và bao quát nguồn thu, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công bằng, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, ngành thuế đã triển khai các chính sách mở rộng, bao quát nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) và quyết liệt quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Nhờ vậy, từ năm 2016 – 2020, thu NSNN do ngành thuế thực hiện ước đạt vượt bình quân 6,5%/năm, quy mô thu ngân sách các địa phương đều tăng qua các năm, góp phần đưa quy mô thu NSNN toàn quốc 5 năm 2016 – 2020 ước đạt gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2011 – 2015, bình quân đạt khoảng 24,7% GDP.

Cùng với đó, ngành thuế đã đẩy mạnh hiện đại hóa quản lý thu thuế, cắt giảm từ 385 thủ tục hành chính năm 2016 xuống còn 304 thủ tục hành chính hiện nay; thực thi các phương án đơn giản hóa để đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Đến nay, ngành thuế đã tích hợp 120 thủ tục hành chính thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 130% kế hoạch được giao trong năm 2020. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 100% chi cục thuế với trên 756.792 doanh nghiệp tham gia, đạt 99,9% doanh nghiệp đang hoạt động; 99,7% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; giải quyết hoàn thuế điện tử hơn 18.394 hồ sơ; 255 doanh nghiệp đang tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Những nỗ lực về cải cách thuế đã được ghi nhận tại Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2019, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, với mức độ hài lòng của người nộp thuế đã tăng từ 7,5/10 của kỳ đánh giá năm 2016 lên 7,8/10 (tăng 3%). Ngân hàng Thế giới năm 2019 cũng đã xếp hạng chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia được xếp hạng.

Nhìn nhận về quá trình đổi mới, cải cách của ngành thuế, ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho biết: Ngành thuế đã có những phát triển vượt bậc. Công tác quản lý thuế đã ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay, ngành thuế đã hình thành được hệ thống chính sách thuế khá đầy đủ, bao quát được hầu hết các nguồn thu, áp dụng thống nhất đối với mọi thành phần kinh tế, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Hệ thống chính sách, pháp luật thuế đang góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Cơ cấu tổ chức ngành thuế ngày càng tinh, gọn, trình độ, năng lực, phẩm chất của người làm công tác thuế ngày càng được nâng cao…

Ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Trước yêu cầu phát triển và hiện đại hóa đất nước, trách nhiệm của ngành thuế càng nặng nề. Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành thuế sẽ phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, đổi mới, sáng tạo, đưa ngành thuế đi đầu trong công cuộc cải cách hành chính, góp phần đưa Việt Nam đứng ở thứ hạng cao về mức độ thuận lợi thuế so với khu vực.

Lan Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *