Thông tin này được phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Võ Anh Khoa, Trưởng bộ môn chăn nuôi, Khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng – Trường đại học Cần Thơ đưa ra tại Hội thảo giải pháp phòng, chống hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Đại học Cần Thơ tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ngày 14/3.
Cũng theo phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Võ Anh Khoa, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm bớt diện tích nông nghiệp , giảm diện tích đất trồng cỏ cho gia súc, giảm phát triển chăn nuôi gia súc; đồng thời sẽ tăng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long sẽ co hẹp đáng kể.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, đến trung tuần tháng 3, tình hình xâm nhập mặn vào nội đồng trong khu vực tiếp tục khốc liệt.
Thành phố Cần Thơ – địa phương chưa từng bị xâm nhập mặn bao giờ thì đầu tháng 3 đến nay, nước mặn đã xâm nhập đến quận Cái Răng, với độ mặn giao động từ 1 phần nghìn đến 2 phần nghìn.
Tại Cái Răng, Cần Thơ, theo quy định các nhà máy xử lý nước sinh hoạt sẽ không được lấy nước để xử lý, vì nước mặn đã vượt mức quy chuẩn dưới 0,75 phần nghìn.
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Sự ảnh hưởng của hạn, mặn đang ngày một hiện hữu, rõ nét với khu vực này và đang có những tác động lớn đến nông nghiệp cũng như đời sống người dân nơi đây.
Hội thảo lần này nhằm cung cấp, trao đổi các thông tin, báo cáo khoa học xoay quanh vấn đề hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt, cũng như thích nghi với tình trạng này tại Đồng bằng sông Cửu Long; nhằm đi đến tiếng nói chung, thống nhất góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra cũng như ứng phó với nó một cách hiệu quả nhất.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhiều doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các ý kiến tập trung vào đánh giá tình hình hạn mặn; biện pháp hạn chế ngộ độc mặn cho cây trồng; biện pháp phòng, chống và cải tạo đất bị xâm nhập mặn; ảnh hưởng của xâm nhập mặn lên hệ thống chăn nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long; ảnh hưởng của tưới nước mặn đến sinh trưởng cây lúa; giống lúa chống chịu mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Phúc, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An cho biết, hồ Trị An đang duy trì lưu lượng xả nước từ 100-130m3/s để tham gia đẩy mặn cho vùng hạ du sông Đồng Nai.
Với lưu lượng xả nước qua tuabin như hiện nay, mặn cũng chỉ được đẩy lùi một phần ở một số vùng cao hơn như thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Sở dĩ lưu lượng xả nước chỉ ở mức trung bình vì mùa mưa 2015 hồ thuỷ điện Trị An không tích đủ cao trình.
Theo đó, cao trình hồ chứa Trị An nếu đủ nước có thể đạt mức 62m, tuy nhiên mùa mưa 2015 lưu lượng nước về hồ thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2014. Công ty Thuỷ điện Trị An nếu tích đủ nước hồ có thể chứa 2,7 tỷ m3 nước, đảm bảo sản xuất 1,7 tỷ kWh điện/năm.
Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, thời điểm ngày 10/3, mực nước hồ Trị An đạt 58,19m; trong khi lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 34m3/s nên Công ty Thủy điện Trị An chỉ duy trì lượng nước xả qua tua bin ở mức 129m3/s.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Công ty Thủy điện Trị An tăng lượng xả nước để đẩy mặn vùng hạ lưu, giúp nông dân lấy nước sản xuất lúa và “cứu” 1.400 ha mía đến kỳ thu hoạch nhưng kênh vận chuyển bị cạn nước nên không thể thu hoạch được.
Tuy nhiên Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc xả nước với lưu lượng lớn cũng không thể giúp đẩy mặn hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Do đó, tỉnh Đồng Nai đề nghị tiếp tục phương án duy trì lưu lượng xả trung bình từ thuỷ điện Trị An.
Bởi nếu tập trung xả nước thời điểm này thì đến cao điểm mùa khô vào tháng 4, 5 sẽ không đủ nước để đẩy mặn cho vùng hạ du sông Đồng Nai, bao gồm cả nguồn cấp nước sinh hoạt cho Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Theo TTXVN/Vietnam+