Kinh nghiệm của nước Mỹ đã cho thấy tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đi kèm với ô nhiễm môi trường.
Chỉ cần bước ra ngoài đường phố, người Việt đã phải ngây lập tức hít thở hàng loạt thứ bụi bẩn và chất ô nhiễm từ đủ mọi nguồn: xe máy chạy trên đường, nhà máy nhiệt điện than, khu công nghiệp sản xuất, công trường xây dựng.
Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng hơn 6% mỗi năm. Nhưng khi bầu trời trở nên xám xịt hơn, nhiều người Việt đã bắt đầu tranh luận rằng liệu tăng trưởng kinh tế có buộc phải đi kèm với ô nhiễm hay không.
Bà Ngụy Thị Khanh, người sáng lập Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cho biết: “Chúng ta đang tiến đến điểm bùng phát”. Việt Nam hiện nằm gần cuối bảng xếp hạng năm 2016 của Đại học Yale về chất lượng không khí, ở vị trí 170/180 quốc gia. “Đó là lý do tại sao nhiều người đang thức tỉnh và nhận ra rằng chúng ta đang ở trong tình trạng nguy hiểm”, bà Khanh nói.
Có hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra: Liệu Việt Nam có cần phải thông qua các quy định mới để bảo vệ môi trường, hoặc chỉ đơn giản là mở rộng các quy định hiện tại, như đánh thuế khí đốt? Các quy định này nên đặt trách nhiệm lên vai giới doanh nghiệp nhiều hơn? Liệu đã tới lúc 92 triệu công dân Việt Nam nên được khuyến khích đi bộ hay sử dụng các phương tiện công cộng, thay vì đi xe máy hoặc xe hơi cá nhân?
Đừng trở thành một Bắc Kinh thứ hai
Theo Pew Research báo cáo vào năm 2015, Việt Nam hiện là thị trường xe máy lớn thứ nhì thế giới, với 86% hộ gia đình sở hữu xe máy riêng, chỉ sau mức 87% của Thái Lan.
Những người đi đường phải trải qua hàng giờ đồng hồ hít thở những làn khói từ những chiếc xe máy xung quanh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Việt Nam đeo khẩu trang để lọc bụi từ khí thải. Trong hẻm, trên xe buýt, thậm chí bên trong quán cà phê, những chiếc khẩu trang thường xuyên là vật bất ly thân của người dân.
Vào tháng 3/2016, chỉ số ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội đã có lúc vượt ngưỡng 300, cao hơn cả Bắc Kinh (Trung Quốc) – nơi vẫn được xem là một trong những đô thị ô nhiễm nhất thế giới.
Tới năm 2030, số người chết vì ô nhiễm từ điện than ở Việt Nam có thể lên tới 19.220 người, cao thứ nhì châu Á.
Ảnh: Đại học Harvard
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard được công bố hồi tháng 1/2017, nếu Việt Nam cứ theo kế hoạch là tăng gấp 4 lần công suất nhiệt điện than trong vòng 13 năm tới, thì vào năm 2030 cứ 1 triệu người Việt sẽ có 189 người chết vì các lý do liên quan tới điện than. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức 85 mà nghiên cứu này dự báo tại Indonesia.
Việt Nam có thể làm gì?
Do phần lớn điện than là để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét việc áp thuế khí thải lên doanh nghiệp. Phó Giáo sư Hồ Quốc Bằng tại Đại học Quốc gia TPHCM đang tham gia soạn thảo một thông tư chính phủ về việc kiểm kê khí thải quốc gia.
Ông Bằng nói với Bloomberg rằng bộ cơ sở dữ liệu này sẽ bao gồm các báo cáo thường xuyên từ các doanh nghiệp trong 6 ngành nghề: thép, xi măng, điện, hoá dầu, hoá chất và những công ty sử dụng nồi hơi công nghiệp. Dựa vào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đặt ra quota và đánh thuế khí thải.
Tại trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam là TPHCM, chính quyền địa phương đang đặt ra mục tiêu là tới năm 2020, 90% các công ty công nghiệp gây ô nhiễm phải lắp đặt hệ thống xử lý không khí. Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí vào cùng thời điểm.
Phần lớn những nỗ lực này sẽ tập trung vào việc xử lý ô nhiễm giao thông, vốn là nguyên nhân tạo ra 80% khói mù ở TPHCM, theo ông Bằng cho biết. Nếu tính trên phạm vi cả nước thì hoạt động sản xuất công nghiệp là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất, nhưng tại các đô thị thì giao thông lại là nhân tố chủ chốt.
Cấm xe máy: Nên hay không?
Tại cả 2 đầu đất nước là Hà Nội và TPHCM, rất nhiều người Việt đang sôi nổi tranh luận về việc có nên cấm xe máy tiếp tục lưu thông hay không.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn tất các hệ thống đường sắt đô thị, và phần lớn cư dân đã quen với việc sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông chính. Các giải pháp thực tế hơn và có thể triển khai ngay là tận dụng các dịch vụ chia sẻ xe, đưa ra cảnh báo ô nhiễm không khí hàng ngày, và tăng thuế xăng dầu.
Ông Lê Việt Phú, giảng viên về chính sách môi trường của Đại học Fulbright, nói với Bloomberg BNA: “Chắc chắn, hành vi sẽ có thay đổi: Nếu bạn phải trả tiền nhiều hơn, bạn sẽ lái xe ít hơn”.
Tuy nhiên, ông Phú cũng lưu ý rằng việc đánh thuế xăng dầu sẽ gây nhiều thiệt hại cho người nghèo, vốn phải dành ra một phần lớn thu nhập của họ cho việc mua xăng dầu. Mức thuế xăng dầu hiện tại là 4.000 đồng/lít, nhưng các nhà hoạch định chính sách đang xem xét việc tăng gấp đôi lên 8.000 đồng/lít.
“Việc đánh thuế xăng dầu không quan trọng bằng việc kiểm soát khí thải từ xe máy”, ông Bằng cho biết. “Hiện giờ, chúng ta vẫn chưa kiểm tra khí thải của xe máy.”
Chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu việc kiểm tra khí thải của xe máy mới kể từ năm 2020, còn các xe ôtô hiện đã phải trải qua kiểm tra khí thải.
Dịch vụ gọi xe Grab cũng vừa đưa ra dịch vụ đi chung xe GrabShare trong tháng này, với TPHCM là nơi thí điểm đầu tiên. Nếu được triển khai tốt, GrabShare có thể là sự bổ sung hữu ích cho hệ thống giao thông công cộng đô thị.
Cải tổ luật pháp
Bà Khanh của GreenID cho rằng đã tới lúc phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn. Bà nói với Bloomberg: “Tôi nghĩ rằng việc ban hành một bộ luật về không khí sạch là rất cấp bách”.
Bà Khanh đã thảo luận về việc đưa ra dự luật này trong một hội thảo do Quốc hội tổ chức hồi tháng trước. Bà cũng cho biết nhiều người tham dự, bao gồm cả các đại biểu QH, đã ủng hộ ý tưởng này.
Hiện tại, các cơ quan nhà nước đang thu thập dữ liệu đo lường ô nhiễm trong nhà và ngoài trời, cũng như khí nhà kính và mật độ bụi. Việt Nam đã thông qua Thuế Bảo vệ Môi trường vào năm 2010, Luật Bảo vệ Môi trường vào năm 2014 và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý Chất lượng Không khí vào năm 2016.
Trong giai đoạn 1980-2015, trong khi GDP của Mỹ (màu xanh nhạt) và dân số (xanh đậm) đều tăng mạnh, thì mức độ ô nhiễm chung (xanh lá đậm) lại giảm xuống. Ảnh: Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ
Chính phủ cũng đã yêu cầu đánh giá tác động môi trường khi xem xét cấp phép cho một số loại dự án kinh doanh, nhưng bà Khanh và ông Phú đều cho biết rằng nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc này. Ông Phú nói: “Việc tìm cách tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá là một vấn đề.”
Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, đã phát biểu rằng từ năm 1970 đến năm 2014, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 240%, trong khi mức độ ô nhiễm không khí bình quân lại giảm 70%. Bà nói: “Nhiều quốc gia và đô thị trên khắp thế giới đã có thể làm giảm ô nhiễm không khí, mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế”.
Nguồn: KeHoachVietTongHop