Chưa có lúc nào người Việt quan tâm đến phong trào làm nông như lúc này. Đi đâu cũng nghe nói về phong trào nông nghiệp sạch.
Anh Dương Minh Trung (28 tuổi, ngụ xã Đại Tâm, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng)
với mô hình trồng rau sạch theo công nghệ hiện đại của Israel.
Nhưng để nền nông nghiệp truyền thống (tự cung tự cấp) sang nền nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, còn rất nhiều việc phải làm.
Xu hướng chung
Tại các quốc gia phát triển và có trình độ chuyên môn hóa cao như Mỹ, 99% dân số sống và làm việc đủ ngành nghề không liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và 80,7% dân số tập trung ở các đô thị. Việc làm nông được giao khoán hoàn toàn cho 1% dân số ở nông thôn và vùng ven đô. Nông dân Mỹ không chỉ đảm bảo lương thực trong nước mà còn xuất khẩu một lượng lớn nông sản ra thị trường thế giới trị giá 129,7 tỉ USD vào năm 2016. Các hộ nông dân Mỹ có thu nhập trung bình khoảng 81.637 USD, tương đương 1,6 tỉ đồng mỗi năm. Để sản xuất được khối lượng sản phẩm lớn, đồng nhất về phẩm chất, thu hoạch và tung ra thị trường đúng thời điểm được giá…, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Mỹ luôn được chuyên môn hóa cao độ.
Tương tự Mỹ, các đô thị VN có mức độ bê tông hóa cao, diện tích đất canh tác trong đô thị là rất thấp. Việc canh tác trong đô thị, không như mọi người lầm tưởng, dù có tự động hóa cách mấy thì vẫn chỉ dành cho những người có thời gian hoặc chuyên gia với các công cụ chuyên dụng. Xu hướng chuyên môn hóa trong nông nghiệp là rõ ràng, câu hỏi là tại sao nông dân mình không chuyên môn hóa được như nông dân Mỹ?
Mô hình canh tác gần gũi với tự nhiên đang ngày càng được quan tâm là mô hình canh tác hữu cơ (organic). Khi áp dụng ở các nước phương Tây, phương pháp này tốn công lao động, năng suất thấp dẫn đến giá thành nông sản hữu cơ cao và không dành cho giới bình dân. Doanh thu từ sản phẩm hữu cơ do đó chỉ chiếm 4% tổng doanh thu từ thực phẩm ở Mỹ. Còn lại là các sản phẩm có nguồn gốc từ phương pháp canh tác truyền thống (conventional). Cả hai phương pháp canh tác, dù là hữu cơ hay truyền thống đều là những phương pháp canh tác trên quy mô vừa và lớn, có sự can thiệp và phá vỡ cân bằng sinh thái ở mức độ nhất định.
Chính vì sự mất cân bằng này, các khu vực canh tác nông nghiệp thường xuyên bị tấn công bởi nhiều yếu tố tự nhiên như nấm, vi khuẩn, vi rút, côn trùng, tuyến trùng, cỏ dại… Các tác nhân sinh học này đặc biệt nghiêm trọng trong điều kiện khí hậu VN. Để kiểm soát tình hình trước hàng trăm mối đe dọa sinh học, vật lý, hóa học…, ở các nền nông nghiệp phát triển thường phải được trang bị nhiều kiến thức và được hỗ trợ thường xuyên bởi các hội đoàn cũng như chuyên gia từ trường đại học trong vùng.
Nguồn chất xám trong nông nghiệp
Nông dân Mỹ không chỉ sở hữu nhiều đất, họ còn là những chuyên gia canh tác quy mô lớn. Việc các chủ trang trại lên lớp giảng bài cho nghiên cứu sinh không phải là chuyện hiếm. Nhiều người không chỉ nắm kỹ thuật mà còn hiểu về quản lý và biến động giá cả như những doanh nhân thực thụ.
Bên cạnh đó, các trường đại học trong vùng còn được chính quyền giao nhiệm vụ hỗ trợ nông dân qua hệ thống ứng dụng do giáo sư đại học đảm trách. Giáo sư khi được nhận vào trường đại học sẽ được giao một số phần trăm thời gian nhất định phải làm việc với nông dân. Ví dụ như GS A có 50% ứng dụng – 50% nghiên cứu thì có nghĩa là GS A phải dành một nửa thời gian để gặp nông dân và hỗ trợ doanh nghiệp, nửa thời gian còn lại làm nghiên cứu. Các GS 100% giảng dạy thì sẽ chỉ giảng dạy trên giảng đường mà không phải nghiên cứu hay đi gặp nông dân. Chính nhờ hệ thống 3 thành phần nghiên cứu, ứng dụng, giảng dạy này mà trường đại học và nông dân/doanh nghiệp luôn kết nối chặt chẽ với nhau.
Trên đây chỉ là một số chi tiết được chọn lọc từ bức tranh nông nghiệp Mỹ. Mặc dù vẫn còn nhiều tham số khác, nhưng nó đủ để cho thấy dù là phương thức sản xuất nào đi nữa thì yếu tố tri thức và công nghệ luôn là nền tảng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Trong đó đội ngũ nhân lực chất lượng cao là điều không thể thiếu để phát triển nông nghiệp VN.
Với sự quan tâm của nhà nước dành cho ngành nông nghiệp như hiện nay, cần có sự điều chỉnh trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu nông nghiệp với mục tiêu đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực có chất lượng cao cho ngành nông nghiệp. Cụ thể, cần có các cơ chế chính thức cho phép các đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài… tham gia vào quá trình tuyển chọn và thẩm định kết quả nghiên cứu. Hỗ trợ kết nối nhà khoa học với hoạt động sản xuất. Tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị khoa học để thu hút chất xám thế giới về VN.
Điều quan trọng nhất là phải cải thiện điều kiện làm việc theo hướng trọng dụng nhân tài cho các nhà khoa học trong trường đại học bằng nhiều cách. Cần cho phép họ nhận thêm lương từ quỹ nghiên cứu hoặc từ hội đoàn doanh nghiệp. Tạo nhiều điều kiện cho các sinh viên, chuyên gia trong nước đi dự hội nghị quốc tế thường xuyên để cập nhật thông tin mới nhất của thế giới… Cần có sức mạnh tập thể để tạo ra tri thức và động lực thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp VN trong quá trình toàn cầu hóa.
Cơ chế cho những hoạt động trên không phải là vấn đề mới, nhưng chúng ta thiếu một ổ khóa đi kèm để tránh tình trạng thất thoát ngân quỹ trước khi đến tay người làm nghiên cứu. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ không phát huy tác dụng nếu như gói hỗ trợ không đến được nơi cần đến một cách nguyên vẹn.
Nếu làm được như vậy, sẽ có một ngày chúng ta có thể tự hào về ngành nông nghiệp VN trong từng bữa ăn của mỗi gia đình cũng như tự hào về nông sản VN trên trường quốc tế.
TS Nguyễn Hữu Hoàng
(Trường ĐH DAVIS, California, Mỹ)
(Trường ĐH DAVIS, California, Mỹ)