Phương pháp tính chi phí theo hoạt động trong các doanh nghiệp sản xuất thép

Phương pháp tính chi phí theo hoạt động là phương pháp xác định chi phí hiện đại với nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp xác định chi phí truyền thống. Việc áp dụng thành công phương pháp này sẽ giúp trong các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam xây dựng được bản đồ chi phí chiến lược, quản trị chi phí hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập.

Phương pháp tính chi phí theo hoạt động trong các doanh nghiệp sản xuất thép

Chưa có DN thép nào áp dụng phương pháp tính chi phí theo hoạt động. Nguồn: internet

Nghiên cứu trong các doanh nghiệp sản xuất thép

Vai trò của phương pháp tính chi phí theo hoạt động

Phương pháp tính chi phí theo hoạt động xác định chi phí gián tiếp và chi phí phục vụ chính xác đến từng sản phẩm, dịch vụ và khách hàng. Dựa trên nguyên lý cơ bản là sản phẩm tiêu dùng các hoạt động, các hoạt động tiêu dùng nguồn lực, phương pháp tính chi phí theo hoạt động sẽ phân bổ chi phí từ các hoạt động đến các sản phẩm dựa trên mối quan hệ nhân quả [Maelah R, Ibrahim D. N, (2007)]. Do đặc thù chi phí sản xuất chung ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, phương pháp tính chi phí theo hoạt động được đánh giá là phương pháp xác định chi phí có độ chính xác cao hơn so với các phương pháp truyền thống. Với cơ chế phân bổ chi phí chung linh hoạt, phương pháp này không chỉ bó hẹp trong phạm vi sản phẩm mà còn áp dụng cho công việc, khách hàng hoặc các phân khúc khác nhau [Capusneanu, Sorinel (2010)].

Phương pháp tính chi phí theo hoạt động được nhận định là đã kết nối hệ thống kế toán quản trị với các các hệ thống quản trị khác như hệ thống quản trị dựa trên hoạt động (ABM) và hệ thống quản lý Kaizen, nhờ đó tăng cường hiệu quả quản trị chi phí trong các DN sản xuất thép [Surinel Capusneanu, Gheorghe Lepadatu (2008)]. Phương pháp tính chi phí theo hoạt động cũng cho phép xác định những hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng hay sử dụng lãng phí nguồn lực để từ đó có kế hoạch loại bỏ hoặc cải tiến hoạt động.

Sự cần thiết áp dụng trong các doanh nghiệp sản xuất thép

Hầu hết các nghiên cứu áp dụng phương pháp tính chi phí theo hoạt động trong ngành công nghiệp thép đều khẳng định sự cần thiết của phương pháp này đối với hoạt động quản trị:

Thứ nhất, ngành Công nghiệp thép là ngành công nghiệp trọng điểm của nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, hoạt động tái cấu trúc và tư nhân hóa trong ngành Thép đã gia tăng áp lực cạnh tranh. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp (DN) ngành Thép phải đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Khi mục tiêu thỏa mãn nhu cầu khách hàng trở thành mục tiêu chiến lược thì cần phải áp dụng ABM và hệ thống xác định chi phí dựa trên hoạt động [Majid Nili Ahmadabadi, Ali Soleimani (2013)].

Thứ hai, để tối đa hóa lợi nhuận, các DN phải khai thác và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Do đó, kiểm soát, cắt giảm chi phí thông qua quản trị từng hoạt động luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các DN ngành Thép. Nhiệm vụ này chỉ có thể hoàn thành nếu có sự hỗ trợ cung cấp thông tin chi phí từ hệ thống tính chi phí theo hoạt động [Khalil Mahmoud Al- Refa’ee (2012)].

Thứ ba, các phương pháp xác định chi phí truyền thống không cung cấp được thông tin giá thành chính xác làm cơ sở định giá bán cạnh tranh. Thực tế này dẫn đến nhu cầu phải thay đổi phương pháp xác định chi phí truyền thống hiện nay sang phương pháp mới nhằm: (1) Xác định chi phí sản xuất chính xác hơn; (2) Cung cấp thông tin hỗ trợ cắt giảm chi phí một cách hợp lý; (3) Cải thiện quy trình sản xuất, loại bỏ các hoạt động dư thừa, không tạo ra giá trị gia tăng; (4) Lập kế hoạch hoạt động; (5) Xác định chiến lược kinh doanh.

Thứ tư, các nghiên cứu trong các DN sản xuất thép đều thừa nhận phương pháp này là một công cụ hoàn thiện liên tục trong nội bộ DN, giúp đo lường hiệu quả tiêu dùng nguồn lực của các trung tâm chi phí khách quan, độc lập và làm rõ được tính cấp bậc của chi phí chung.

Đánh giá khả năng áp dụng trong ngành công nghiệp thép

Trên thực tế, quá trình triển khai áp dụng phương pháp tính chi phí theo hoạt động gặp nhiều khó khăn và không ít DN đã phải từ bỏ phương pháp này. Hầu hết các DN sản xuất thép ở Jordan không áp dụng phương pháp tính chi phí theo hoạt động (71,4% các DN thép trong mẫu không áp dụng phương pháp tính chi phí theo hoạt động). Để đánh giá được khả năng áp dụng phương pháp tính chi phí theo hoạt động trong các DN sản xuất thép, cần xem xét các sự tồn tại của các nhân tố: (1) Chi phí sản xuất chung chiếm tỷ trọng lớn; (2) quy trình sản xuất phức tạp; (3) các sản phẩm có tính chất khác biệt; (4) chủng loại sản phẩm đa dạng; (4) kích thước sản phẩm đa dạng; (5) sử dụng nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác nhau; (6) thành phẩm và bán sản phẩm tồn kho lớn; (7) chi phí lưu kho và chi phí sản xuất cần được đánh giá thường xuyên. Khi các nhân tố này xuất hiện ngày càng nhiều thì áp dụng phương pháp tính chi phí theo hoạt động càng hiệu quả. Ngoài ra, DN sản xuất thép cần thay đổi mô hình cơ cấu tổ chức từ chiều dọc sang chiều ngang với một vài cấp quản trị trong đó mọi nhân viên trong tổ chức đều được khuyến khích tham gia vào quá trình ra quyết định.

Áp dụng trong các DN sản xuất thép

Kết quả khảo sát tại 48 DN sản xuất thép Việt Nam cho thấy, hiện tại chưa có DN nào áp dụng phương pháp tính chi phí theo hoạt động, mức độ hiểu biết về phương pháp này của nhà quản trị và kế toán còn rất hạn chế. Trước hết, chưa thể triển khai đồng bộ phương pháp tính chi phí theo hoạt động trong tất cả các giai đoạn của chuỗi chế biến mà chỉ nên thí điểm cho giai đoạn luyện thép. Bởi giai đoạn này có nhiều chỉ tiêu tiêu hao cao so với mức trung bình của thế giới.

Quy trình thực hiện phương pháp tính chi phí theo hoạt động trong các DN sản xuất thép Việt Nam gồm các bước:

Bước 1: Phân tích quy trình luyện thép lò điện để xác định các hoạt động:

Phân tích quy trình được bắt đầu bằng việc xác định các công đoạn. Công đoạn bao gồm các hoạt động có mối quan hệ chặt chẽ với nhau được thực hiện trên cùng một thiết bị sản xuất. Mỗi công đoạn lại được phân tích thành các hoạt động theo cấp bậc chi phí. Với đặc thù hoạt động sản xuất chỉ tiến hành theo từng mẻ, mỗi mẻ chỉ tạo ra một loại phôi thép có thành phần hóa học và quy cách riêng nên tất cả các hoạt động diễn ra trong quy trình luyện thép là hoạt động ở cấp độ hỗ trợ mẻ sản phẩm.

Bước 2: Xác định chi phí đến các hoạt động:

Căn cứ diễn biến của hoạt động để xác định các chi phí phát sinh liên quan đến các hoạt động đồng thời căn cứ vào loại hoạt động để phân loại thành các cấp bậc chi phí ở cấp độ đơn vị sản phẩm, mẻ sản phẩm, sản phẩm, khách hàng hay tổ chức. Đây là bước quan trọng quyết định cơ sở phân bổ chi phí từ các hoạt động đến các sản phẩm.

Bước 3: Xác định chi phí từ các hoạt động đến các sản phẩm:

Căn cứ vào mức độ tiêu dùng thực tế của các hoạt động trong từng mẻ thép để xác định chi phí đến từng loại phôi thép. Phân tích giá thành phôi thép theo hoạt động sẽ giúp nhà quản trị đo lường được chi phí của từng hoạt động cấu thành nên giá thành sản phẩm, đánh giá được hiệu quả của từng hoạt động trong lộ trình cắt giảm chi phí sản xuất và đề xuất được những giải pháp quản trị chi phí nhằm đạt được mục tiêu chi phí chiến lược. Trong bối cảnh phương pháp tính chi phí theo hoạt động còn rất mới mẻ đối với DN sản xuất thép Việt Nam thì áp dụng phương pháp này thực sự là bước đột phá của kế toán quản trị trong tiến trình hướng tới mục tiêu liên tục cắt giảm chi phí.

Tài liệu tham khảo:

1. Capusneanu, Sorinel (2010), Reseach of the implementation factors of the ABC method in the steel industry of Romania, Artifex University Falculty of Finacial Accounting;

2. Khalil Mahmoud Al- Refa’ee (2012), “ The extent of applying the activity based costing system( ABC) in the field of iron and steel industry in Jordan”, Interdisciplinary Journal of contemporory reseach in bisiness;

3. Maelah R, Ibrahim D. N, (2007), Factors influencing activity based costing (ABC) adoption in manufacturing industry, Investment Management and Financial Innovations;

4. Majid Nili Ahmadabadi, Ali Soleimani (2013), Feasibility Study for Implementation of an Activity – Based Costing System (ABCS) in Alloy Steel Industries (ASI), International Journal of Reseach in Commerce, IT & Management;

5. Surinel Capusneanu (2008), Reseach of the implementation factors of the ABC method in the steel industry of Romania, Artifex University Falculty of Finacial Accounting.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 12 – 2014

Để lại một bình luận