Home / Phát triển doanh nghiệp / Phát triển dự án / Quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang

Quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang

Quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang

I. Sự cần thiết lập quy hoạch chung xây dựng.

  1. Thứ nhất:

Vùng dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Long Mỹ – tỉnh Hậu Giang là vị trí tiếp giáp 3 tỉnh: Hậu Giang – Kiên Giang – Bạc Liêu thuộc vùng sâu vùng xa, có nhiều khó khăn như: đất phèn giàu xác bã hữu cơ, quá trình bồi đắp phù sa mới (Viên Lang – Bãi Bồi) chưa hoàn chỉnh nên một số diện tích bị lầy thụt, ngập nước thường xuyên và là khu vực giáp nước của Biển Tây – Biển Đông – sông Hậu Giang; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống còn thiếu và chưa đồng bộ, … Chính vì vậy khai thác tài nguyên và các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng hiệu quả rất thấp, bấp bênh và kém bền vững… Việc tiếp tục phát triển nông nghiệp theo phương thức canh tác truyền thống luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó tạo nên mức gia tăng về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nên việc lựa chọn giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là hướng giải quyết hợp xu thế hiện nay, song đòi hỏi mức đầu tư công nghệ hiện đại, với số vốn lớn, xây dựng quản lý vận hành đồng bộ, tạo ra sản phẩm hàng hóa phải có giá trị đặc biệt cao. Mô hình xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời với vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang thành công sẽ có sức lan tỏa ra đến với các vùng phụ cận có điều kiện sinh thái tương tự.

  1. Thứ hai:

Triển khai thực hiện Luật Công nghệ cao (luật số 21/2008/QH 12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009), theo điều 16: “phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp” và điều 19: “doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”; đồng thời tổ chức thực hiện quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với quan điểm phát triển Nông nghiệp gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm đạt mục tiêu: góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao… đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: “Mỗi tỉnh xây dựng 7 – 10 doanh nghiệp, 5 – 7 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1 – 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Chính vì vậy, việc xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Long Mỹ – tỉnh Hậu Giang chính là triển khai thực hiện luật công nghệ cao và quyết định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thủ tướng Chính phủ.

  1. Thứ ba:

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có Tờ trình số 2335/UBND-NCTH về việc “xin thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Viên Lang – Bãi Bồi huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang” trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến đồng ý về chủ trương (công văn số 8497/VPCP-KTN ngày 27/11/2009) của văn phòng Chính phủ và thông báo só 182/TB-VPCP ngày 09/7/2010 chỉ đạo cụ thể hoàn chỉnh quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao báo cáo Bộ Nông nghiệp – PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 19/8/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành văn bản số 2206/UBND-NCTH về việc lập quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

  1. Thứ tư:

Theo thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 04 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy họach xây dựng. Quy định tại Phần I, mục 3 & 6 như sau:

  • Ban quản lý các khu công nghệ cao, khu kinh tế đặc thù có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng thuộc phạm vi ranh giới do mình quản lý và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư này.
  • Đối với các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu đô thị, khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, giáo dục đào tạo, y tế, cụm công nghiệp,…) có quy mô trên 500 ha phải tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng trước khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng.

Trên đây là 04 lý do cần thiết phải lập quy hoạch chung xây dựng vùng dự án.

II. Mục tiêu và nhiệm vụ của đồ án.

1. Mục tiêu của đồ án:

Cụ thể hóa chủ trương hình thành phát triển loại hình sản xuất nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh Hậu Giang cũng như trong khu vực trung tâm bán đảo Cà Mau. Gây dựng tiềm lực về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang cũng như các tỉnh lân cận, thúc đẩy Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Gắn kết sự phát triển của khu Nông nghiệp ứng dụng Công  nghệ cao trên địa bàn huyện Long Mỹ tỉnh Hậu giang với sự phát triển các khu Nông nghiệp công nghệ cao các địa phương lân cận. Khai thác tiềm năng và lợi thế của khu Nông nghiệp ứng dụng Công  nghệ cao trên địa bàn huyện Long Mỹ phục vụ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, vùng, miền.

Xác định quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô nghiên cứu chuyển giao, thương mại công nghệ và đào tạo huấn luyện nguồn nhân lực. Định hướng phát triển không gian khu NN ứng dụng CNC, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, xử lý môi trường) phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội khu Nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ ngày một tốt hơn đời sống dân cư, đảm bảo sự phát triển bền vững đạt tiêu chuẩn khu SX Nông nghiệp ứng dụng CNC văn minh, hiện đại, có mỹ quan, giàu tính văn hóa đối với sản xuất Nông nghiệp, bảo vệ môi sinh môi trường và cân bằng sinh thái.

Khai thác có hiệu quả quỹ đất xây dựng vừa đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, phù hợp xu hướng phát triển của huyện, tỉnh. Góp phần phân bố lại dân cư trên địa bàn.

Tổ chức khu Nông nghiệp ứng dụng CNC với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Phục vụ công tác quản lý và phát triển theo quy hoạch phù hợp với bối cảnh thời kỳ mới.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư, quản lý xây dựng và xây dựng trong khu Nông nghiệp ứng dụng Công  nghệ cao.

2. Nhiệm vụ của đồ án:

Đánh giá tổng hợp các điều kiện hiện trạng tự nhiên, xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Định hướng phát triển không gian khu NN ứng dụng CNC, cơ cấu phân khu chức năng nhằm tạo ra phương án quy hoạch hợp lý phục vụ cho việc phát triển khu NN ứng dụng CNC. Thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với các khu vực xung quanh, đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài.

Xác định tính chất, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, quy mô về quỹ đất phát triển cho từng giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020 và giai đoạn dài hạn đến năm 2025.

Tạo tiền đề cho sự hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu NN ứng dụng CNC  trong giai đoạn trước mắt và cả trong lâu dài.

Xác lập các căn cứ pháp lý để lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500 và các dự án đầu tư xây dựng. Tạo hành lang pháp lý quản lý xây dựng Khu NN ứng dụng CNC và các dự án đầu tư xây dựng tiếp theo.

III. Quy hoạch sử dụng đất đai.

 

Bảng Quy hoạch sử dụng đất

STT Tên kênh mương   Diện tích (ha) Tỷ lệ (%)
I ĐẤT DÂN DỤNG 81,72 1,57%
1 Đất chỉnh trang theo tuyến 81,72 1,57%
II ĐẤT NGOÀI KHU DÂN DỤNG 1.031,81 19,84%
1 Đất tiểu khu trung tâm 14,00 0,27%
2 Đất công nghiệp 18,00 0,35%
3 Đất du lịch trong khu trung tâm 6,87 0,13%
4 Đất xử lý nước thải 2,00 0,04%
5 Đất giao thông 273,81 5,27%
Trong khu Trung tâm 27,37 0,53%
Trong khu sản xuất 246,44 4,74%
6 Đất mặt nước ( sông, kênh) 518,63 9,97%
Trong khu Trung tâm 38,27 0,74%
Trong khu sản xuất 480,36 9,24%
7 Đất thương mại dịch vụ (Vĩnh Viễn A) 0,93 0,02%
8 Đất nghĩa địa 1,79 0,03%
9 Đất tôn giáo di tích 4,26 0,08%
10 Đất dự phòng phát triển đô thị 24,44 0,47%
11 Đất cây xanh cảnh quan 171,56 3,30%
Trong khu Trung tâm 24,75 0,48%
Trong khu sản xuất 146,81 2,82%
II ĐẤT KHÁC 4.086,47 78,59%
1 Đất trồng lúa 3.105,50 58,00%
2 Đất thủy sản 450,00 8,65%
3 Đất chăn nuơi thủy cầm 100,00 1,92%
4 Tiểu khu thực nghiệm và trình diễn mô hình ứng dụng công nghệ cao trong khu trung tâm 30,08 0,58%
5 Đất tiểu khu đầu tư hướng ngoại trong khu trung tâm 149,80 2,88%
6 Đất đầu tư hướng ngoại và chăn nuôi tập trung 188,07 3,62%
7 Đất tái định canh 63,03 1,21%
  TỔNG CỘNG 5.200,00 100,00%

IV. KẾT LUẬN:

Phát triển NNƯDCNC, trong đó có việc xây dựng khu NNƯDCNC, thành lập doanh nghiệp NNƯDCNC, hình thành vùng SXNNƯDCNC là xu thế tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Phù hợp với Luật Công nghệ cao (Luật số 21/2008/QH12), và quyết định số 176/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển NNƯDCNC đến năm 2020. Do vậy, tỉnh Hậu Giang thành lập và xây dựng khu NNƯDCNC huyện Long Mỹ chính là đi tiên phong trong triển khai thực hiện chủ trương đường lối của Đảng – Nhà nước Việt Nam.

Khu NNƯDCNC huyện Long Mỹ là mô hình mới, nơi đây là cầu nối, nơi thực nghiệm – trình diễn – chuyển giao và ươm tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, tạo ra nông thủy sản có hàm lượng tri thức cao góp phần chuyển nhanh nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tận dụng tốt tiềm năng, khai thác hiệu quả các lợi thế, đẩy mạnh sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi là sản phẩm hàng hóa chủ lực được chọn thực nghiệm, trình diễn, sản xuất chế biến ở khu NNƯDCNC gồm có: lúa cao sản chất lượng cao VietGAP, cá nước ngọt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, vịt an toàn sinh học, chuối cấy mô đạt tiêu chuẩn VietGAP,…

Xây dựng khu NNƯDCNC huyện Long Mỹ không chỉ có ý nghĩa kinh tế thuần túy mà có ý nghĩa xã hội rất cao, bởi kết quả ứng dụng CNC vào phát triển bền vững nông nghiệp tác động đến nhiều mặt kinh tế – xã hội – môi trường nông nghiệp nông thôn theo đúng tinh thần nghị quyết số 26-NQ/TW.

TRÊN ĐÂY LÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN. QUÝ KHÁCH CÓ NHU CẦU CẦN TƯ VẤN CHI TIẾT. XIN VUI LÒNG GỌI VÀO SỐ 0908551477 ĐỂ ĐƯỢC LẬP DỰ ÁN Á CHÂU TƯ VẤN CỤ THỂ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *