Home / Thông tin dự án / Dự án đầu tư / Quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận

Quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận

Quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận

Chăn nuôi gắn liền với đời sống và phương thức sản xuất nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam. Một số loài gia súc đã trở thành vật nuôi truyền thống của người dân, sản phẩm của nó đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người chăn nuôi. Do vậy, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc có sừng nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước và ngành Nông nghiệp quan tâm, đặc biệt trong chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay.

Phát triển chăn nuôi gia súc có sừng ở Ninh Thuận kể từ năm 2000 đến 2011 đã đạt được một số kết quả khả quan, tổng đàn gia súc có sừng năm 2000 là 132.070 con thì đến năm 2011 tổng đàn là 250.640 con. Trong đó đàn trâu có xu hướng giảm: 6.070 con năm 2000 con so với 4.235 con năm 2011, đàn bò tăng ở mức trung bình: 80.300 con năm 2000 so với 105.330 con năm 2011 (tăng khoảng 2,5%/năm); đàn dê tăng nhanh: 25.000 con năm 2000 so với 58.590 con năm 2011 (tăng khoảng 8%/năm) và đàn cừu tăng rất nhanh: 20.700 con năm 2000 so với 82.485 con năm 2011 (tăng khoảng 13,4%/năm). Chất lượng con giống cũng được cải thiện đáng kể thể hiện qua tỷ lệ bò lai Sind càng ngày càng tăng. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng từ 4.627 tấn năm 2000 lên 11.012 tấn năm 2011. Chăn nuôi gia súc có sừng đã góp phần tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi: năm 2000 đạt 127,8 tỷ đồng, năm 2011 đạt 355,1 tỷ đồng.

Hiện nay, ở Ninh Thuận đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi gia súc có sừng quy mô vừa và lớn, nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đã được áp dụng để đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần giải quyết, đó là:

  • Chăn nuôi gia súc có sừng chưa tận dụng, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh (vị trí địa lý, tài nguyên, thị trường . . . .) như vùng bậc thềm đồi núi thấp nằm giữa vùng núi cao và vùng đồng bằng, thời tiết khô nóng, lượng mưa thấp hơn vùng núi cao, thảm thực vật tự nhiên chủ yếu là các loại cây bụi, trảng cỏ là điều kiện để phát triển chăn nuôi gia súc có sừng.
  • Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc có sừng nói riêng chủ yếu tập trung trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, phương thức chăn nuôi hạn chế và mang tính tự phát, vì thế năng suất còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Dẫn đến tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi nói chung đối với nền kinh tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra (năm 2010 tỷ trọng đạt 27,5% trong khi mục tiêu đề ra là 32,8%).
  • Chăn nuôi gia súc có sừng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhiều trang trại, nông hộ xây dựng chuồng trại ngay trong khu dân cư, phế thải của chăn nuôi gia súc các hộ dân thường xuyên bơm rửa đổ ra ven đường, cống rãnh, ao hồ công cộng gây ô nhiễm môi trường. Dịch bệnh xảy ra thường xuyên, phát triển không bền vững.
  • Phát triển chăn nuôi gia súc tại tỉnh Ninh Thuận chưa có sự gắn kết chặt chẽ thành hệ thống như: Chuồng trại chăn nuôi, nguồn thức ăn và hạ tầng kỹ thuật vùng đồng cỏ, công tác vệ sinh phòng dịch, … Vì thế chăn nuôi dễ gặp rủi ro và chưa đạt hiệu quả cao trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường như hiện nay. Dịch bệnh trên gia súc có sừng có nguy cơ xảy ra, trong khi việc phòng và kiểm soát bệnh còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, việc cung cấp cho thị trường các sản phẩm gia súc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được Nhà nước quan tâm và chỉ đạo sát sao, người tiêu dùng hiện nay cũng đã nâng cao được ý thức trong việc sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng cao.

Mặt khác nếu vẫn chăn nuôi theo phương thức truyền thống thì lượng thức ăn xanh đáp ứng cho gia súc có sừng sẽ hạn chế, do lượng mưa của tỉnh thấp đây cũng là mặt hạn chế trong chăn nuôi gia súc có sừng so với các địa phương khác và nguy cơ sa mạc hóa nếu tiếp tục chăn nuôi gia súc có sừng theo phương thức chăn thả.

Để góp phần giải quyết những tồn tại và hạn chế trên, cũng như phát huy những thành quả đạt được của ngành chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận. Được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với CHUYÊN GIA CỦA LẬP DỰ ÁN Á CHÂU tiến hành nghiên cứu và lập dự án “Quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”.

I. Quan điểm quy hoạch.

Việc quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 phải quán triệt các quan điểm sau:

  • Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông – lâm – thủy sản của tỉnh, các quy hoạch ngành, lĩnh vực và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
  • Phát triển đồng cỏ gắn với vùng chăn nuôi gia súc có sừng phải có hệ thống chính sách đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, trước hết là đất đai, lao động, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI (làm đầu tàu) đầu tư vào ngành chăn nuôi gia súc có sừng tập trung, có quy mô lớn, nhằm phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế và sự hỗ trợ của nhà nước.
  • Phát huy tối đa các lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc có sừng tập trung, chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trên cơ sở quy hoạch vùng đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc có sừng tập trung. Phát triển chăn nuôi gia súc có sừng cần gắn kết chặt chẽ và đồng bộ từ khâu chăn nuôi —> giết mổ –> bảo quản —> tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, quy trình nuôi dưỡng để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
  • Tiến hành xây dựng vùng đồng cỏ chăn nuôi thâm canh, chăn nuôi gia súc có sừng tập trung kết hợp với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để tạo ra ngày một nhiều sản phẩm thịt có chất lượng cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nội tỉnh và các tỉnh lân cận.
  • Xác định quỹ đất trồng cỏ theo quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được phê duyệt, từ đó phân tích, tính toán lựa chọn quỹ đất có thể trồng cỏ thâm canh để quy hoạch đồng cỏ gắn với vùng chăn nuôi gia súc có sừng tập trung.
  • Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn tiếp tục được chấp nhận nhưng sẽ tăng cường công tác quản lý an toàn dịch bệnh, quản lý về con giống và hỗ trợ để phát triển thành các hợp tác xã ngành nghề.
  • Quy hoạch phát triển không quá mang tính máy móc, cứng nhắc mà trong một số trường hợp có thể uyển chuyển để thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương, từng thời kỳ.

II. Mục tiêu quy hoạch.

Mục tiêu chung.

  • Quy hoạch phải tính đến quy hoạch mềm, không cứng ngắc, máy mó Qua theo dõi việc thực hiện quy hoạch, sự tác động của các yếu tố trong từng thời kỳ để có bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý trong từng giai đoạn.
  • Tạo cơ sở cho phát triển chăn nuôi gia súc có sừng bền vững, an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, đạt hiệu quả kinh tế – xã hộ
  • Từng bước tăng tỷ lệ từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc có sừng.
  • QH đồng cỏ gắn với vùng chăn nuôi gia súc có sừng tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc có sừng nói riêng theo từng giai đoạn quy hoạch.
  • Góp phần thúc đẩy việc ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi gia súc có sừng, trong đó tập trung vào một số khâu chủ yếu: giống, thức ăn, thú y, quy trình nuôi dưỡng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành chăn nuô
  • Phát triển phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định số 693/QĐ-UBND ngày 29/03/2013 của UBND tỉnh).

Mục tiêu cụ thể.

Giai đoạn 2014 – 2015.

  • Bước đầu hình thành vùng chuyên canh sản xuất cỏ với quy mô 315 ha, gắn liền với vùng chăn nuôi gia súc có sừng, với sản lượng cỏ hàng năm đạt khoảng 56.700 tấn.
  • Từ 2 – 3 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gia súc có sừng tập trung với công nghệ hiện đại đi vào hoạt động.

Giai đoạn 2016 – 2020.

  • Phát triển vùng chăn nuôi gia súc có sừng gắn liền với đồng cỏ, đáp ứng khoảng 57 – 70% tổng đàn quy mô đàn phát triển đến năm 2020. Cụ thể:
  • Đàn bò: 55.000 con chăn nuôi tập trung, chiếm khoảng 57% tổng đàn theo quy mô đàn phát triển đến năm 2020.
  • Đàn dê: 35.000 con chăn nuôi tập trung, chiếm khoảng 59% tổng đàn theo quy mô đàn phát triển đến năm 2020.
  • Đàn cừu: 60.000 con chăn nuôi tập trung, chiếm khoảng 70% tổng đàn theo quy mô đàn phát triển đến năm 2020.
  • Toàn tỉnh bố trí khoảng 1.930 ha đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc có sừng tập trung, sản lượng tương đương 347.469 tấn.
  • Sản lượng cỏ phải đáp ứng nhu cầu khoảng 65 – 70% tổng nhu cầu thức ăn thô xanh đáp ứng cho việc chăn nuôi gia súc có sừng tập trung (30 – 35% nhu cầu còn lại là tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như bắp, rơm, mía…).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *