Home / Thông tin dự án / Dự án đầu tư / Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Ninh Thuận

Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Ninh Thuận

Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Ninh Thuận

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội vì nó gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tất cả mọi người. Sự tồn dư các hóa chất độc hại đang sử dụng trong sản xuất nông nghiệp được đánh giá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Điều này một mặt gây tâm lý hoang mang lo ngại cho người tiêu dùng, gây thiệt hại cho chính những người sản xuất. Mặt khác, nó đặt ra vấn đề rất nghiêm túc về xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững trong những năm tới, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Rau là loại thực phẩm rất cần thiết cho đời sống của con người. Không một loại thực phẩm nào có thể thay thế vị trí quan trọng của cây rau trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nó cung cấp chất dinh dưỡng bao gồm: vitamin, hydratcacbon, protein, muối khoáng (cả đa lượng và vi lượng) trong bữa ăn hàng ngày của mọi người dân từ nông thôn đến thành thị. Đời sống nhân dân ngày càng cao thì đòi hỏi càng khắt khe đối với các loại rau tiêu dùng hàng ngày: đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng cao. Rau phải được cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi lúc kể cả những thời kỳ giáp vụ. Ở Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng diện tích trồng rau đã lên trên 635 ngàn ha, trong đó các vùng ven đô thị với tổng diện tích ước tính khoảng 113.000 ha; đồng bằng sông Hồng (158 ngàn ha); đồng bằng sông Mêkông và miền Đông Nam Bộ (164 nghìn ha). Năng suất rau bình quân đạt 152 tạ/ha, tổng sản lượng rau đạt 9,6 triệu tấn.

Hiện nay trong quá trình sản xuất rau đã sử dụng các chất hóa học, các hợp chất hóa học này là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm các nguồn đất, nước từ đó trực tiếp hoặc gián tiếp tác động xấu tới con người. Chính vì vậy, người tiêu dùng rất lo ngại và quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn thực phẩm bởi sự tồn dư của một số chất độc hại trong cây rau cũng như trong đất như: các hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng,…

Đến nay trên địa bàn cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau tập trung, đã đẩy mạnh phong trào sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Đã có những mô hình tổ chức sản xuất, sơ chế, kinh doanh và tiêu thụ rau an toàn ở các địa phương khá thành công. Mặc dù những năm gần đây, mức độ và chất lượng đảm bào an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung, đặc biệt đối với sản phẩm rau nói riêng đã được nâng lên đáng kể. Nhưng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập cần được thảo gỡ. Chương trình sản xuất rau an toàn còn thực hiện quá chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, gây bức xúc cho xã hội.

Một trong những vấn đề bất cập cần được tháo gỡ trong sản xuất rau là sản xuất theo truyền thống, lạm dụng thuốc BVTV, kích thích sinh trưởng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất rau an toàn, tổ chức quản lý, giám sát, xác nhận còn triển khai chậm và thiếu đồng bộ; tổ chức liên kết trong chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn,…

Ngoài ra, những hạn chế trong việc phát triển sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh còn gặp phải như:

  • Sản xuất mang tính tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể;
  • Cơ chế, chính sách hỗ trợ việc tổ chức chứng nhận cho người sản xuất rau an toàn chưa thuận lợi.
  • Chưa xây dựng được hệ thống phân phối, tiêu thụ rau an toàn mang tính hàng hóa,…
  • Vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau chưa kiểm soát được (cần có nhiều Ban ngành phối hợp đồng bộ, nâng cao tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của rau an toàn,…)

Để góp phần giải quyết những tồn tại và hạn chế trên, cũng như phát huy những thành quả đạt được của ngành. Được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với lập dự án Á Châu tiến hành nghiên cứu và lập dự án “Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”.

1. Quan điểm quy hoạch phát triển sản xuất rau an toàn.

(1). Phát huy mạnh mẽ các lợi thế và thành quả phát triển của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh phát triển trồng trọt mà trong đó việc sản xuất rau an toàn tập trung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hướng đi tất yếu, nhằm đưa tỉnh thành địa bàn sản xuất rau an toàn hàng hóa tập trung, có sức cạnh tranh cao và bền vững. Đưa ngành sản xuất rau trở thành ngành sản xuất quan trọng trong cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng, đảm bảo cho người nông dân có thể sản xuất ổn định bằng nghề sản xuất rau an toàn tập trung. Giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

(2). Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 cần xác định rõ, đối tượng hướng đến trong quy hoạch là nông hộ, người dân sản xuất nhỏ lẻ. Riêng đối với đối tượng là Doanh nghiệp thì tỉnh đã thực hiện Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Theo Quyết định số 1319/QĐ-UBND ngày 26/06/2014) trong đó có đối tượng là sản xuất rau an toàn, vì quỹ đất phù hợp để sản xuất quy mô lớn (quy mô doanh nghiệp).

(3). Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất trong tỉnh chuyển nhanh sản xuất phân tán quy mô nhỏ thành các trang trại, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô lớn và chú trọng ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các khu sản xuất rau an toàn tập trung, kiểm soát tốt dịch bệnh, và kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng công nghệ cao.

(4). Phát huy lợi thế của từng tiểu vùng, nguồn lực và kết quả và kinh nghiệm của từng khu vực, nhu cầu thực tế của thị trường; khuyến khích phát triển sản xuất rau an toàn đa dạng hóa các các loại cây trồng. Nhưng đặc biệt chú trọng phát triển rau ăn lá, rau ăn củ, quả và rau gia vị, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo sản xuất lâu dài và ổn định với trình độ khá của vùng Duyên Hải Nam Trung bộ.

(5). Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho ngành sản xuất rau an toàn phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm, sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất rau an toàn, tăng cường hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống giám sát sản phẩm rau an toàn để các văn bản pháp luật và chính sách được thực thi một cách hiệu lực và hiệu quả cao.

2. Mục tiêu và phương hướng phát triển.

Mục tiêu chung.

  • Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 nhằm tăng trường và phát triển bền vững ngành rau trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tăng chất lượng, mức độ an toàn và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
  • Áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, hình thành các vùng trồng RAT gắn với thị trường tiêu thụ.
  • Huy động nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, giống và quy trình canh tác.
  • Góp phần tăng thu nhập và đảm bảo an toàn thực phẩm; đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và người sản xuất và bảo vệ môi trường.

Mục tiêu cụ thể.

  • Năm 2016:
    • Xây dựng 7/7 mô hình sản xuất rau an toàn tại các huyện, thành phố.
    • Đến năm 2016 toàn tỉnh đạt diện tích sản xuất rau an toàn là 368 ha.
    • Sản lượng ước đạt: 36.800 tấn/năm.
  • Giai đoạn 2017 – 2020:
    • Đến năm 2020 toàn tỉnh đạt diện tích sản xuất rau an toàn là 1.981 ha.
    • Sản lượng đạt: 160.000 tấn/năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *