Home / Phát triển doanh nghiệp / QUY TẮC 4M TRONG QUẢN LÝ SẢN XUẤT

QUY TẮC 4M TRONG QUẢN LÝ SẢN XUẤT

Quy tắc 4M trong sản xuất

Man: Nhóm yếu tố con người bao gồm cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ công nhân viên trong một đơn vị và người tiêu dùng. Đây là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng sản phẩm. Dù trình độ công nghệ có hiện đại đến đâu, nhân tố con người vẫn được coi là nhân tố căn bản nhất tác động đến hoạt động quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi người lao động chính là người sử dụng máy móc thiết bị để sản xuất ra sản phẩm, bên cạnh đó có rất nhiều tác động, thao tác phức tạp đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, tinh tế mà chỉ có con người mới làm được.

  • Đối với cán bộ lãnh đạo các cấp cần có nhận thức mới về việc nâng cao chất lượng sản phẩm để có những chủ trương, những chính sách đúng đắn về chất lượng sản phẩm thể hiện trong mối quan hệ sản xuất và tiêu dùng, các biện pháp khuyến khích tinh thần vật chất, quyền ưu tiên cung cấp nguyên vật liệu, giá cả, tỷ lệ lãi vay vốn…
  • Đối với cán bộ công nhân viên trong một đơn vị kinh tế trong một doanh nghiệp cần phải có nhận thức rằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm là trách nhiệm của mọi thành viên, là sự sống còn, là quyền lợi thiết thân đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp và cũng là của chính bản thân mình.

Methods: phương pháp quản trị, công nghệ, trình độ tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất của doanh nghiệp. Với phương pháp công nghệ thích hợp, với trình độ tổ chức quản lý sản xuất tốt sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể khai thác tốt nhất các nguồn lực hiện có, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Machines: khả năng công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Có tác động rất lớn trong việc nâng cao những tính năng kỹ thuật của sản phẩm và nâng cao năng suất lao động.

Materials: vật tư, nguyên vật liệu, hệ thống tổ chức đảm bảo vật tư, nguyên vật liệu của doanh nghiệp. Nguồn vật tư, nguyên liệu được cung cấp đúng số lượng, đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong 4 yếu tố trên, yếu tố con người được xem là quan trọng nhất. Ngoài những yếu tố cơ bản trên, chất lượng còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác như thông tin (information), môi trường (environment), đo lường (measure), hệ thống (system)…

Phương pháp kiểm soát sản xuất với 4M

Việc giám sát, kiểm soát sản xuất và phân tích 4M có hiệu quả trong việc kiểm tra nhà máy, giảm thiểu hàng phế phẩm, nâng cao năng suất lao động. Cụ thể:

  • Nguyên vật liệu

Chi phí nguyên vật liệu chiếm hơn 50% tổng chi phí sản xuất. Cần kiểm tra việc bảo quản và sử dụng nguyên vật liệu theo những tiêu chuẩn, định mức đã quy định.

  • Giám sát và kiểm soát các quá trình

Giao nhận – Bốc xếp và vận chuyển – Gia công chế biến – Tồn trữ.

  • Nguyên vật liệu đầu vào

Nguyên vật liệu là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm. Do đó, trước khi đưa vào sản xuất, cần kiểm tra nguyên vật liệu đầu vào  bằng các bước như: Kiểm tra xem việc sử dụng phương tiện, thời gian vận chuyển, bốc dỡ có hợp lý không?

Tình trạng xử lý nguyên vật liệu có hợp lý không? có lãng phí không? Lượng hàng tồn kho có thích hợp không (ít hay nhiều quá)? Việc sắp xếp nguyên vật liệu trong kho, tại vị trí sản xuất có thích hợp không?…

  • Máy móc, thiết bị

Kiểm tra máy móc, thiết bị cũng rất quan trọng, bởi trong quá trình vận hành, máy móc, thiết bị có hỏng hóc sẽ làm gián đoạn cả quy trình sản xuất, dẫn đến chậm tiến độ sản xuất, gây thiệt hại lớn về mặt chất lượng và số lượng hàng hóa.

Vậy kiểm tra máy móc như thế nào? Có thể kiểm tra bằng cách: xem trước bảng hướng dẫn sử dụng máy móc, thiết bị để hiểu cách vận hành của chúng, máy móc, thiết bị này có phù hợp với năng lực của nhân viên không?

Có phù hợp với quy trình sản xuất không? Năng lượng sử dụng của chúng như thế nào? Định mức tiêu hao ra sao? Độ tin cậy, chất lượng có cảm thấy an tâm không? Việc sắp xếp, bố trí thiết bị, dụng cụ sản xuất có khoa học không?

Hệ thống điện, nước như thế nào?  Các hướng di chuyển và khoảng không gian thao tác có thuận tiện cho nhân viên sử dụng không? Hơn nữa, cần kiểm tra tài liệu bảo dưỡng và sửa chữa để chắc chắn rằng khi máy móc, thiết bị hỏng hóc biết cách sửa chữa kịp thời…

  • Nguồn nhân lực

Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự phát triển của quá trình sản xuất, cần tìm hiểu những yếu tố như: xác định rõ tiêu chuẩn công việc, cái gì được làm và cái gì không được làm.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xác định kỹ năng nắm bắt công việc có tốt không, làm việc có tinh thần trách nhiệm cao không, năng suất lao động cao không, mối quan hệ giữa các cá nhân có tốt không, sự gắn bó với tổ chức có ổn không, có xảy ra mâu thuẫn nội bộ không?…

Không những thế, đánh giá điều này cũng cần thể hiện ở việc trình độ nhận thức trong công việc như thế nào, có ý muốn cải tiến, tinh thần tiết kiệm không, tình trạng sức khỏe có tốt không, có chịu được áp lực công việc không, ý thức về các vấn đề tiềm ẩn có tốt không?…

  • Các phương pháp

Trình độ quản trị nói chung và trình độ quản trị chất lượng nói riêng là một trong những nhân tố cơ bản góp phần đẩy nhanh tốc độ cải tiến, hoàn thiện chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nếu nhận thức được rõ vai trò của chất lượng trong cuộc chiến cạnh tranh thì doanh nghiệp đó sẽ có đường lối, chiến lược kinh doanh đúng đắn quan tâm đến vấn đề chất lượng. Trên cơ sở đó, các cán bộ quản lý tạo ra sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng giữa các khâu, các yếu tố của quá trình sản xuất nhằm mục đích cao nhất là hoàn thiện chất lượng sản phẩm. Trình độ của cán bộ quản lý sẽ ảnh hưởng đến khả năng xác định chính sách, mục tiêu chất lượng và cách thức tổ chức chỉ đạo thực hiện chương trình kế hoạch chất lượng. Cán bộ quản lý phải biết cách làm cho mọi công nhân hiểu được việc đảm bảo và nâng cao chất lượng không phải là riêng của bộ phận KCS hay của một tổ công nhân sản xuất mà nó phải là nhiệm vụ chung của toàn doanh nghiệp. Đồng thời công tác quản lý chất lượng tác động mạnh mẽ đến công nhân sản xuất thông qua chế độ khen thưởng hay phạt hành chính để từ đó nâng cao ý thức lao động và tinh thần cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, chất lượng của hoạt động quản lý chính là sự phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.

Qua bài viết này, hy vọng các bạn đã có thể hiểu 4M là gì và cách thức tác động đến 4M trong sản xuất. Muốn quản trị sản xuất tốt cần có phương hướng, mục tiêu cũng như chiến lược rõ ràng. Mong rằng bạn đã tìm thấy kiến thức bổ ích để phục vụ cho quá trình làm việc của mình.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *