Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Tác động của biến đổi dân số và tăng trưởng kinh tế

Tác động của biến đổi dân số và tăng trưởng kinh tế

Một điểm hết sức quan trọng chỉ được nhận ra trong những năm gần đây đối với các nghiên cứu về quan hệ dân số – kinh tế đó là việc các nghiên cứu đã chú trọng phân tích sự biến đổi của cơ cấu tuổi dân số và ảnh hưởng của nó tới tăng trưởng kinh tế thay vì chỉ nghiên cứu về quy mô dân số như trước đây. Về lý thuyết, cho đến nay vẫn chưa có một học thuyết nào thể hiện nội dung chuyên biệt về sự biến đổi cơ cấu tuổi dân số và sự tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm về quan hệ dân số -kinh tế trong thời gian gần đây đã cho thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đối với tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu tuổi dân số hay cơ cấu dân số theo độ tuổi là tỷ trọng dân số ở từng độ tuổi so với tổng số dân. Dân số là chủ thể của mọi quá trình phát triển kinh tế – xã hội, và ở mỗi độ tuổi khác nhau con người có những hành vi kinh tế khác nhau cho nên biến đổi cơ cấu tuổi dân số sẽ có tác động lớn đến quá trình phân bổ nguồn lực, mức độ tăng trưởng, phát triển và sự ổn định về chính trị, xã hội của mỗi nước. Vì thế, khi có sự thay đổi về tỷ trọng dân số ở từng độ tuổi trong tổng dân số sẽ có những thay đổi về sản xuất, tiêu dùng và do đó tác động tới tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia có dân số trẻ với tỷ lệ trẻ em cao thì đất nước sẽ cần nhiều nguồn lực hơn để chi tiêu cho giáo dục, y tế và nuôi dưỡng. Trong khi đó, một quốc gia có tỷ lệ dân số trong tuổi làm việc lớn thì đất nước có được cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ nguồn nhân lực dồi dào, tiết kiệm và đầu tư cao và hệ thống tài chính vững vàng hơn, còn nếu một quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi nhiều hơn thì đất nước phải chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc y tế, tiêu dùng tăng và các vấn đề về an sinh xã hội cần được giải quyết thỏa đáng.

Nghiên cứu và phân tích các lý thuyết về dân số trước đây cho thấy, thuyết “quá độ dân số” đã phân tích quá trình biến đổi dânsố gồm ba giai đoạn với đặc trưng cơ bản là sự thay đổi về mức sinh và mức tử. Dựa vào sự thay đổi về mức sinh, mức tử có thể phân tích sự thay đổi về cơ cấu tuổi dân số ở mỗi giai đoạn. Chẳng hạn, ở giai đoạn thứ hai của “quá độ dân số”,tỷ suất sinh giảm không đáng kể trong khi tỷ suất chết giảm mạnh, dân số bùng nổ và do đó cơ cấu tuổi dân số đã biến động theo hướng tỷ trọng trẻ em tăng lên và tỷ trọng người lớn tuổi giảm. Nhưng bước sang giai đoạn ba, cả tỷ suất sinh và tỷsuất chết đều giảm mạnh, dân số trẻ em sẽ giảm mạnh và cùng với đó là số trẻ em lớn dần lên và bổ sung vào lực lượng lao động trong khi số trẻ em sinh ra lại ít hơn làm cho bộ phận dân số trong tuổi lao động sẽ tăng lên mạnh mẽ cùng với sự tăng dần của số người cao tuổi. Như vậy, chính sự thay đổi căn bản trong mức sinh và mức chết sẽ tạo nên sự biến đổi rõ rệt về cơ cấu tuổi dân số ở mỗi giai đoạn.

Có thể nói lý thuyết “quá độ dân số” chính là cơ sở đầu tiên của khung lý luận về biến đổi cơ cấu tuổi dân số và mối tương quan giữa biến đổi cơ cấu dân số theo tuổi với tăng trưởng và phát triển. Chỉ có điều các nhà dân số học và kinh tế học lúc đó chưa nhận ra hoặc coi trọng vấn đề này. Cho đến những năm gần đây, khi biến đổi cơ cấu tuổi dân số đã thực sự tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, nhiều công trình nghiên cứu về biến đổi cơ cấu dân số theo tuổi đã được công bố rộng rãi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng biến đổi cơ cấu tuổi dân số đem đến nhiều cơ hội cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở giai đoạn mà cơ cấu dân số có tỷ lệ người lao động chiếm phần lớn trong tổng dân số.

Một chỉ tiêu cơ bản được sử dụng để thể hiện cơ cấutuổi dân số, đó là chỉ tiêu về tỷ số phụ thuộc dân số – tỷ số phản ánh mốiquan hệ giữa nhóm dân số trong độ tuổi lao động và các nhóm không nằm trong độ tuổi lao động (trẻ em và người cao tuổi – thường được coi là nhóm dân số phụ thuộc).

Bảng 1: Công thức tính tỷ số phụ thuộc

STT Tuổi LĐ Tỷ số phụ thuộc chung Tỷ số phụ thuộc trẻ em Tỷ số phụ thuộc già
1 15-59
2 15-64
3 19-64

Nguồn: Nguyễn Đình Cử (2011); UN World Population Prospect. The 2010 Revision; UNFPA Việt Nam ( 2010).

Chú thích: : Dân số từ 0-14 tuổi; : Dân số từ 15-59 tuổi; : Dân số từ 15-64 tuổi; : Dân số từ 60 tuổi trở lên; : Dân số từ 65 tuổi trở lên.

Biến đổi cơ cấu tuổi dân số làm thay đổi tỷ trọng của các nhóm dân số. Khi tỷ số phụ thuộc dân số nhỏ hơn 50, nghĩa là cứ hơn 2 người trong tuổi lao động mới phải “gánh” một người phụ thuộc, dân số đi vào thời kỳ “cơ cấu vàng”. Đây là thời kỳ mà biến đổi cơ cấu tuổi dân số đem đến nhiều cơ hội lớn cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi lực lượng lao động gia tăng trong tổng dân số. Tuy nhiên, cơ hội đó cần được hiện thực hóa bằng môi trường chính sách phù hợp. Mặt khác, ngoài cơ hội, biến đổi cơ cấu tuổi dân số cũng đem đến nhiều thách thức cho tăng trưởng và phát triển như vấn đề thất nghiệp, tệ nạn xã hội hay gánh nặng tài chính hưu trí khi dân số già chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số.Do vậy nhiều học giả (ví dụ Bloom và Williamsons, 1997; Faruqee và Muhleisen, 2001) đã đưa ra những nhận định về việc già hóa làm tăng tỷ lệ phụ thuộc, có thể ngăn trở tăng trưởng kinh tế mà ví dụ điển hình là Nhật bản.

Thuật ngữ “lợi tức dân số” hay “lợi tức nhân khẩu học” ra đời để phản ánh hiện tượng trong đó quá trình biến đổi cơ cấu tuổi dân số tạo ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do tăng tỷ lệ số người trong tuổi lao động. Lợi tức dân số chỉ có thể trở thành hiện thực trong những điều kiện nhất định, đó là trình độ nguồn nhân lực, chính sách và thể chế hợp lý…. Trên thực tế, biến đổi cơ cấu tuổi dân số dẫn đến sự thay đổi trong sản xuất và tiêu dùng, đồng thời dẫn đến cả những sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế và các vấn đề xã hội. “Cơ cấu dân số vàng” được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến với hàm ý đó là thời kỳ mà cơ hội là lớn nhất để thu được lợi tức dân số cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù lợi tức dân số là có thực và đã được chứng minh là đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước đã trải qua thời kỳ dân số có một không hai này. Nhưng lợi tức đó đóng góp được nhiều hay ít lại phụ thuộc lớn vào môi trường chính sách và thể chế, bởi thực sự đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chỉ là phần chênh lệch giữa sản xuất và tiêu dùng xét trên cấp độ tổng thể.

Cùng với phương pháp định lượng mới, trong các nghiên cứu của mình các nhà nhân khẩu học đưa ra quan điểm về lợi tức nhân khẩu học thứ nhất và lợi tức nhân khẩu học thứ hai (Faruqee và Muhleisen (2001), Andrew Mason và Ronald Lee (2004) . Lợi tức nhân khẩu học thứ nhất xuất hiện khi tốc độ tăng dân số sản xuất lớn hơn so với dân số tiêu dùng (tỷ lệ phụ thuộc dân số nhỏ hơn 50), từ đó làm tăng thu nhập bình quân đầu người, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn lợi tức nhân khẩu học thứ hai là những lợi ích có thể có được do những dự báo về dân số già hóa làm tăng động lực tiết kiệm và tích lũy vốn trong nền kinh tế, từ đó gia tăng số lượng và tỷ lệ những người có thu nhập cao thúc đẩy việc tiêu dùng các sản phẩm đầu ra của quá trình sản xuất cũng như làm tăng nguồn vốn cho sản xuất. Nếu một quốc gia đối phó với dự báo dân số già hóa bằng những chính sách hợp lý thì sự gia tăng tiết kiệm ( từ khi những người lao động còn trẻ hay từ những khoản thu nhập chuyển giao…) và sự chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống tài chính hưu trí có thể dẫn đến một dân số già khỏe mạnh, giàu có và hơn thế nữa là một xã hội phồn thịnh.

Nguồn: Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *