Doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường bán lẻ

Thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng khả quan

Trong những năm qua cùng với sự mở rộng về quy mô, ngành bán lẻ Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng 2 con số. Trong 4 năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhanh, ước đạt 11,2%/năm. Từ năm 2006-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.

Theo thống kê, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng trưởng tới 60% khi trong năm 2019 có gần 2.495 cửa hàng thì từ đầu năm 2020 đến nay, con số này đã là 5.228. Cùng với đó là các trung tâm thương mại cũng tăng trưởng khoảng 11% (tăng 11 trung tâm trong năm qua).

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ đầu năm đến nay, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam đang là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có chỉ số GDP tăng trưởng dương trong năm 2020, đồng thời, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì kinh tế ổn định và phát triển ở mức nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 1,8% trong năm 2020 và nhanh chóng phục hồi trở lại mức 6,3% trong năm 2021. Riêng về bán lẻ, trong quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.305.800 tỷ đồng.

Sau thời gian trầm lắng, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại với các chương trình kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng từ các nhà phân phối lớn. Trong quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Với những điều kiện thuận lợi trên, vừa qua, hàng loạt DN bán lẻ trong nước đã có tham vọng mở rộng thị phần trên thị trường.

Lý giải vì sao các DN bán lẻ đua nhau mở rộng thị phần sau dịch bệnh, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định, Việt Nam là một thị trường hết sức tiềm năng với dân số đông, thu nhập ngày càng tăng; thị trường bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%, đặc biệt chưa phát triển mạnh ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng chiếm 71% GDP.

Ngoài ra, ông Phú cũng cho rằng, giai đoạn dịch bệnh khiến các DN bị gián đoạn kinh doanh, buôn bán cầm chừng, thậm chí là giải thể, chính vì vậy, đây chính là lúc họ hồi phục. Một lí do nữa là Việt Nam vừa kí kết một loạt các FTA, vì vậy làn sóng đầu tư vào bán lẻ sẽ tăng cao, hàng hóa của các nước vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi ngày càng nhiều. Nắm bắt được thời cơ này, các DN mở rộng thị phần là một điều đúng đắn.

Vấn đề được đặt ra là các DN sẽ mở rộng theo hướng nào? Theo ông Phú, DN có thể sẽ phát triển thêm chuỗi theo mô hình đang sẵn có, hoặc phát triển các mô hình nhỏ tiếp cận với ngõ ngách dân cư. Đồng thời, cũng sẽ tính đến việc tăng cường liên kết, tổ chức thu mua hàng tận gốc, giảm bớt các khâu trung gian để giảm chi phí, xây dựng những nhãn hàng riêng cho mình.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng DN sẽ mở rộng xây dựng thương hiệu theo chiều sâu, tăng cường thu thập dữ liệu khách hàng, mở rộng bán hàng đa kênh, đưa công nghệ hiện đại vào chiếm lĩnh thị phần và thu hút khách.

DN nội tìm chỗ đứng

Thực tế cho thấy, một nửa đại siêu thị trong nước đang thuộc về DN nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan… DN Việt Nam chỉ chiếm hệ thống siêu thị tầm trung và siêu thị mini.

Đặc biệt, theo làn sóng đầu tư đang dịch chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều, các DN ngoại đang thể hiện rõ “tham vọng” trước thị trường bán lẻ Việt đầy tiềm năng.

Trong những năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút hàng loạt các tên tuổi bán lẻ lớn trong khu vực và thế giới. Lý giải về sức hút này, một chuyên gia trong ngành cho rằng, đó là nhờ những yếu tố “vàng” như quy mô dân số lớn (gần 100 triệu dân), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cao.

Đặc biệt, là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị thông minh cao, do đó ngành bán lẻ tại Việt Nam phát triển khá sôi động với các hình thức triển khai đa kênh, nhất là với sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã thúc đẩy sự sôi động của thị trường bán lẻ.

Không những thế, Việt Nam còn có nền chính trị ổn định, đang trên đà tăng trưởng và hội nhập với độ mở kinh tế cao, kiểm soát tốt dịch bệnh nên được coi là điểm sáng đầu tư tại khu vực ASEAN và châu Á cũng như điểm đến thu hút của cuộc dịch chuyển thị trường đầu tư.

Vừa qua, Arisaig Asia Consumer cho biết, quỹ đã đầu tư vào 3 DN mới tại châu Á, trong đó có Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn.

Tháng 6 vừa qua, Quỹ Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) công bố đầu tư vòng thứ 3 cho chuỗi cầm đồ F88. Trước đó, quỹ này đã đầu tư thành công vào nhiều DN bán lẻ tiêu dùng của Việt Nam như Golden Gate, Thế giới Di động, gần đây là Pharmacity.

Trước động thái này, giới chuyên gia nhận định, các DN ngoại sẽ tiếp tục đổ bộ vào thị trường bán lẻ tiềm năng của Việt Nam.

Ông Trần Duy Đông – Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chỉ ra việc các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Family Mart, K Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K… liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Dù vậy vẫn chỉ có một số ít nhà bán lẻ lớn như BRG Retail, Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra… được đánh giá có đủ năng lực để cạnh tranh và khẳng định vị thế do hầu hết doanh nghiệp khác nguồn lực còn hạn chế.

Mặt khác, về phía DN nội, ông Phú cho rằng có một điểm yếu chung là về công nghệ; cùng với đó, 80% nguồn nhân lực trong siêu thị không được đào tạo về bán lẻ. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang tiếp diễn và trong tình trạng báo động, bán hàng đa kênh cũng chưa thật sự phát triển. Chính những điểm yếu này của DN Việt lại là điểm mạnh của DN ngoại. Họ mạnh về công nghệ, quen với bán lẻ hiện đại, chăm sóc khách hàng, tập hợp dữ liệu khách hàng rất kĩ và tốt, tạo ra niềm tin cho khách hàng một cách sâu sắc.

Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. DN Việt cũng đang đứng trước những cơ hội để thay đổi, tái cấu trúc, hội nhập với bán lẻ hiện đại. Theo các chuyên gia, để giữ vững được lợi thế trên sân nhà, DN trong nước cần làm mới mình, đẩy mạnh xây dựng niềm tin của khách hàng, phát triển bán hàng đa kênh kèm theo giao hàng nhanh chóng.

Về phía các cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách hỗ trợ DN, tạo lập các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN trong nước trước những hành động cạnh tranh không lành mạnh của hàng ngoại. Ngoài ra, DN nội có thể tính đến phương án liên kết để tạo lập các tập đoàn bán lẻ lớn, xây dựng thương hiệu của riêng mình để cạnh tranh với DN ngoại.

Để lại một bình luận