THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ NHẬT BẢN

Với quy mô hơn 60 tỷ USD, thị trường bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm đang thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Mới đây, Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã chính thức khai trương siêu thị FujiMart thứ 2 tại Hà Nội. Theo ông Keisuke Hitotsumatsu – Tổng giám đốc FujiMart Việt Nam: FujiMart mất gần 2 năm để nghiên cứu rồi quyết định mở siêu thị thứ 2 tại địa điểm 36 Hoàng Cầu sau khi siêu thị FujiMart 142 Lê Duẩn chứng minh định hướng phát triển của FujiMart là có cơ sở.

Không chỉ có Sumitomo, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác quan tâm đặc biệt đến ngành bán lẻ Việt Nam. AEON – Tập đoàn có mặt tại Việt Nam trong nhiều năm qua đã mở cửa siêu thị thứ 5 tại Hà Nội vào cuối năm 2019. Siêu thị này được xây dựng trên diện tích 150.000m2, có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Tổng giám đốc UNIQLO Việt Nam – ông Osamu Ikezoe – cho biết, trong vòng 3-5 năm tới, UNIQLO sẽ tăng nhanh các cửa hàng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, số lượng và thời gian cụ thể chưa được chia sẻ.Trong khi đó, sau khi khai trương cửa hàng UNIQLO đầu tiên tại Việt Nam (Đồng Khởi, TP.Hồ Chí Minh) vào cuối năm 2019 và thu hút nhiều đối tượng khách hàng nhờ sản phẩm có giá cả hợp lý và thời trang. UNIQLO đã chính thức đưa thương hiệu thời trang đến với người tiêu dùng Hà Nội vào đầu năm 2020 với cửa hàng đầu tiên tại Vincom Phạm Ngọc Thạch. Dự kiến, UNIQLO sẽ khai trương thêm hai cửa hàng mới tại Hà Nội: UNIQLO Vincom Metropolis và UNIQLO AEON MALL Long Biên trong mùa Thu – Đông 2020.

Theo phân tích của Cổng thông tin trực tuyến về thống kê Statista (Đức), doanh thu của ngành thời trang Việt Nam trong năm 2019 đạt 717 triệu USD và dự kiến tăng lên 815 triệu USD trong năm 2020 và 1,065 tỷ USD năm 2024. Giới chuyên gia cho rằng, trong lĩnh vực may mặc, thời trang, tiềm năng của thị trường Việt Nam không chỉ với tư cách là vùng sản xuất còn rất lớn, mà sẽ phát triển với tư cách là một thị trường tiêu thụ.

Nếu như cách đây 3 năm, Thái Lan là thị trường hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản thì nay xu hướng này đã thay đổi khi nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chuyển hướng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thị trường lớn với quy mô dân số hơn 96 triệu người, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, có sức chi trả hàng hóa chất lượng tốt là “sức hút” đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Abe Tomofumi- Giám đốc Dự án của Jetro tại Hà Nội- khẳng định, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, khi doanh thu bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, gấp 3 lần trong vòng 10 năm.

Thị trường bán lẻ: Hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản | Thương mại
Giá thành, chất lượng, sự đa dạng, tiện lợi về vị trí của cửa hàng thường được coi là 4 yếu tố dẫn dắt sự thành công của các chuỗi bán lẻ. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ Nhật Bản sẽ có lợi thế, bởi văn hóa kinh doanh chuộng chất lượng và đề cao sự gắn bó, trung thành.Thêm vào đó, hệ thống kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại không ngừng mở rộng. Đáng chú ý, đối với kênh bán lẻ trực tuyến, lượng truy cập các trang web trung bình mỗi tháng khá ấn tượng. Ví dụ, Shopee đạt 38 triệu lượt, Lazada đạt 27 triệu lượt…

Bên cạnh đó, với điểm cộng là hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe tại chính thị trường nội địa, lâu nay, doanh nghiệp Nhật Bản có lợi thế hơn so với nhiều nhà cung ứng nước ngoài trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Việt. Song, điểm yếu lớn nhất vẫn là giá cao, phải cạnh tranh với sản phẩm có giá thấp hơn, thậm chí cả hàng nhái, hàng nhập lậu, không rõ xuất xứ.

Do đó, các nhà cung ứng Nhật Bản vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự có được kết quả kinh doanh ấn tượng trong nỗ lực xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Hướng mọi thứ tới người tiêu dùng, đó là sản phẩm chất lượng, an toàn, tiện ích. Doanh nghiệp phải có chính sách giá hợp lý khi thâm nhập thị trường bằng việc giảm chi phí sản xuất, điều chỉnh kích thước, dung tích sản phẩm để đưa giá xuống, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận.

Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng về tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nguyễn Hạnh

Để lại một bình luận