Thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin.
Với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch thương mại điện tử trên smartphone nhiều, thị trường TMĐT tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh với 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ đô la trong năm 2019.
I. Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh bằng các phương tiện điện tử. Một cách dễ hiểu hơn thì thương mại điện tử chính là việc mua bán sản phẩm hay dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác. Các giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như: giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng…
II. Vai trò của thương mại điện tử?
1. Các nhà bán lẻ lớn buộc phải bán hàng trực tuyến
Đối với rất nhiều nhà bán lẻ thì sự phát triển của thương mại điện tử đã đưa thương hiệu của họ gần hơn với người tiêu dùng, qua đó tác động tích cực đến lợi nhuận của họ. Tuy nhiên, thương mại điện tử đang làm gia tăng sự cạnh tranh khốc liệt cho các nhà bán lẻ ở tầng lớp cao hơn. Khi Amazon trở thành nguồn cung sản phẩm cho người tiêu dùng thì một số chuỗi siêu thị đã ghi nhận doanh thu giảm.
2. Giúp các doanh nghiệp nhỏ bán hàng trực tiếp cho khách hàng của mình
Thương mại điện tử đã giúp cho các doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng của họ. Ngoài ra, nó cũng giúp cho doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng thích mua sắm trực tuyến hoặc mua sắm trên di động.
3. Tạo ra việc làm mới nhưng làm giảm việc làm bán lẻ truyền thống
Các công việc liên quan đến thương mại điện tử đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm, vượt xa các loại hình bán lẻ khác. Tuy nhiên mặt trái của vấn đề này chính là công việc bán lẻ truyền thống sẽ bị giảm bớt, dẫn đến sẽ có nhiều người bị thất nghiệp.
III. Ứng dụng của thương mại điện tử?
1. Đáp ứng nhu cầu mọi lúc mọi nơi
Ngay tại thời điểm này, con người đã có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối internet, bạn có thể mua bất cứ thứ gì bạn mong muốn với vài cú click chuột.
2. Đáp ứng tức thời
Một điểm yếu của thương mại điện tử từ trước đến nay là việc khi khách hàng đặt hàng xong sẽ phải chờ vài ngày mới có thể nhận được hàng. Còn đối với hình thức mua hàng truyền thống tại các cửa hàng vật lý thì khi đi mua hàng thì có thể ngay lập tức mang hàng về cùng.
Tuy nhiên, trong tương lai, các công ty thương mại điện tử hoàn toàn có thể giải được bài toán này thông qua các chi nhánh tại địa phương. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, các trang thương mại điện tử sẽ gửi yêu cầu của khách hàng tới cửa hàng gần nhà hoặc cơ quan của họ nhất. Phương pháp này ngay lập tức giải quyết được hai vấn đề của khách hàng: thời gian đợi hàng lâu và giá vận chuyển hàng cao.
3. Tính cá nhân hóa
Trong tương lai, tất cả các trang thương mại điện tử có thể phân biệt được khách hàng của họ thông qua những thói quen của chính khách hàng. Những trang web thương mại điện tử nhận được nhiều lượt người dùng nhất sẽ là những trang web có thể cung cấp cho khách hàng tính cá nhân hóa cao và nâng cao tính tương tác.
4. Giá cả linh hoạt
Mua hàng trên các trang thương mại điện tử, bạn có thể dễ dàng so sánh giá có cùng 1 sản phẩm. Ngoài ra, bạn còn có thể tránh mua hớ, mua lỗi khi có thể tham khảo giá từ những bình luận hoặc những lượt đánh giá ở dưới mỗi sản phẩm.
IV. Các mô hình thương mại điện tử hiện nay
Để hiểu chi tiết hơn về kinh doanh thương mại điện tử là gì thì chúng ta cần tìm hiểu các mô hình của nó. Có bốn mô hình thương mại điện tử phổ biến nhất trên hiện nay, đó là:
- B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng)
- B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp)
- C2C (người tiêu dùng với người tiêu dùng)
- C2B (người tiêu dùng đến doanh nghiệp).
B2C: Doanh nghiệp tới người tiêu dùng
Thương mại điện tử B2C bao gồm các giao dịch được thực hiện giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây là một trong những mô hình bán hàng được sử dụng rộng rãi nhất trong bối cảnh thương mại điện tử. Ví dụ, khi bạn mua giày từ một nhà bán lẻ giày trực tuyến, đó là một giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.
B2B: Doanh nghiệp với doanh nghiệp
Thương mại điện tử B2B liên quan đến doanh số được thực hiện giữa các doanh nghiệp, chẳng hạn như giữa nhà sản xuất với nhà buôn hoặc nhà bán lẻ. Thông thường, bán hàng từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp thường sẽ tập trung vào nguyên liệu thô hoặc sản phẩm được đóng gói hoặc kết hợp trước khi bán cho khách hàng.
C2C: Người tiêu dùng với người tiêu dùng
Một trong những hình thức thương mại điện tử sớm nhất là mô hình kinh doanh thương mại điện tử C2C. Điều này bao gồm các mối quan hệ giữa khách hàng với khách hàng, ví dụ như trên eBay hoặc Amazon.
C2B: Người tiêu dùng với doanh nghiệp
C2B đảo ngược mô hình thương mại điện tử truyền thống (và là những gì chúng ta thường thấy trong các dự án gây quỹ cộng đồng). C2B có nghĩa là người tiêu dùng cá nhân làm sản phẩm hoặc dịch vụ, doanh nghiệp sẽ là người mua nó. Một ví dụ về điều này sẽ là một mô hình kinh doanh như iStockPhoto, trong đó ảnh stock có sẵn trực tuyến để mua trực tiếp từ các nhiếp ảnh gia khác nhau.