Home / Phát triển doanh nghiệp / Thống kê / Thống kê dân số / Tình hình kinh tế đầu năm 2021

Tình hình kinh tế đầu năm 2021

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 2/2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Chăn nuôi phát triển tốt, cung ứng đủ sản phẩm chăn nuôi trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Công tác trồng rừng vụ xuân và “Tết trồng cây” đầu xuân diễn ra ở nhiều địa phương. Sản xuất thủy sản phát triển ổn định, giá tôm đang ở mức cao do nhu cầu của ngành chế biến; khai thác biển được khởi động lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

a) Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước gieo cấy được 2.606,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 95,9% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 710,5 nghìn ha, bằng 88,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.895,6 nghìn ha, bằng 99,1%; riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1.511,5 nghìn ha, bằng 98%.

Tính đến giữa tháng Hai, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 207,7 nghìn ha ngô, bằng 97,2% cùng kỳ năm trước; 43,3 nghìn ha khoai lang, bằng 100,2%; 5,3 nghìn ha đậu tương, bằng 71,6%; 68,8 nghìn ha lạc, bằng 92,2%; 419,6 nghìn ha rau đậu, bằng 98,5%.

Trong tháng, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định; dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Ước tính tháng Hai, tổng số bò cả nước tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số trâu giảm 2,7%; tổng số lợn tăng 15,5%; đàn gia cầm tăng 6,5%. Tính đến ngày 20/02/2021, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở 12 địa phương; dịch lở mồm long móng còn ở 7 địa phương; dịch tả lợn châu Phi còn ở 21 địa phương chưa qua 21 ngày.

b) Lâm nghiệp

Trong tháng Hai, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt 8,9 nghìn ha, giảm 1,1% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 15,8 nghìn ha, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,7 triệu cây, tăng 4,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,85 triệu m3, tăng 3,5%; sản lượng củi khai thác và thu nhặt đạt 2,73 triệu ste, giảm 1,1%.

Diện tích rừng bị thiệt hại[1] trong tháng Hai (từ 15/01-15/02/2021) là 73,20 ha. Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 200,8 ha rừng bị thiệt hại, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 82,9 ha, giảm 9,9% (cùng kỳ năm trước là 92 ha); diện tích rừng bị chặt phá là 117,9 ha, tăng 15,6 %.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Hai ước đạt 573,8 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 296,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 277,4 nghìn tấn, giảm 1,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.141,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 600,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng khai thác đạt 540,9 nghìn tấn, tăng 0,5% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 512,7 nghìn tấn, tăng 0,5%).

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 02/2021 ước tính giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng Hai năm nay ít hơn 8 ngày[2] và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp tháng 01/2021 tăng khá so với tháng 01/2020 (22,5%) nên tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2021 ước tính giảm 21,1% so với tháng trước và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 18,5% và giảm 23%; ngành chế biến, chế tạo giảm 23,1% và giảm 5,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,8% và giảm 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,7% và tăng 0,1%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, IIP ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%), đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước tăng 7%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8% (cùng kỳ năm trước tăng 4,6%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 11% (cùng kỳ năm trước giảm 2,7%), làm giảm 1,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[3]

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 02/2021 giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do tháng Hai trùng với thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, số vốn đăng ký trong tháng 2/2021 tăng 15,9% so với tháng trước và tăng 85,6% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 80,1% và giảm 21,3%; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể giảm 53,5% và giảm 32,2%. Đây những tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong tháng 02/2021, cả nước có 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 56,9 nghìn người, giảm 20,3% về số doanh nghiệp, tăng 15,9% về vốn đăng ký và giảm 50,9% về số lao động so với tháng 01/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 22,4 tỷ đồng, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 111,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước còn có 4.604 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 29,2% so với tháng trước và tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; 3.593 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 80,1% và giảm 21,3%; 2.606 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 53,5% và giảm 32,2%; 1.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 28,4% và tăng 26,5%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 385,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có hơn 11 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng năm 2021 lên 29,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 2 tháng đầu năm nay, có 33,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 21,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34%; 8,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,7%; 3,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 28,1%. Trung bình mỗi tháng có 16,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

4. Đầu tư

Tháng Hai trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 cùng với đợt bùng phát dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do đó tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm lại, đồng thời chủ đầu tư, nhà thầu chủ yếu tập trung thực hiện các dự án chuyển tiếp nên tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm so với kế hoạch đạt không cao, bằng 9% so với kế hoạch năm.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 02/2021 ước tính đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 7,2% và tăng 17,9%), gồm có: Vốn Trung ương quản lý đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, bằng 7,2% và tăng 13,6%; vốn địa phương quản lý đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, bằng 9,4% và tăng 10,1%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/02/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 126 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3,31 tỷ USD, giảm 74,8% về số dự án và giảm 33,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 115 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,61 tỷ USD, tăng 151,8%; 445 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 543,1 triệu USD, giảm 34,4%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 109 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 202,8 triệu USD và 336 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 340,3 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng có 5 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 21,6 triệu USD; giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước.

5. Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch[4]

Do kỳ nghỉ Tết nguyên đán và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch giảm so với tháng trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt mức tăng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%[5]. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước tính đạt 439,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 01/2021 đạt 28.546 triệu USD, cao hơn 846 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 02/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 4,4%, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,07 tỷ USD, tăng 30,5%, chiếm 76,4%. Trong 2 tháng có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 26,6 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 17,3 tỷ USD, tăng 18,6%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 22,2%. Nhóm hàng thủy sản đạt 1 tỷ USD, tăng 0,7%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,5 tỷ USD, tăng 54,3%. Thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7%. Thị trường ASEAN đạt 4,2 tỷ USD, tăng 6,2%. Hàn Quốc đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,8%. Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 01/2021 đạt 26.459 triệu USD, cao hơn 59 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 02/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 20,8 tỷ USD, giảm 21,4% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,64 tỷ USD, tăng 31,4%.  Trong 2 tháng có 11 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 44,3 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 2,96 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 6,3%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 17,3 tỷ USD, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 6,7%; thị trường ASEAN đạt 5,6 tỷ USD, tăng 18,5%; Nhật Bản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 0,2%; thị trường EU đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4,7%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, giảm 4,1%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 01/2021 xuất siêu 2,09 tỷ USD[6]; tháng Hai ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD[7] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.

Vận tải hành khách tháng 02/2021 ước tính đạt 324,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,8% so với tháng trước và luân chuyển 13,8 tỷ lượt khách.km, giảm 11,3%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 684,1 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 3,8%) và luân chuyển 29,3 tỷ lượt khách.km, giảm 28,8% (cùng kỳ năm trước tăng 4,9%). Vận tải hàng hóa tháng 02/2021 ước tính đạt 150,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 13,3% so với tháng trước và luân chuyển 28,1 tỷ tấn.km, giảm 11,6%. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, vận tải hàng hóa đạt 323,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,1%) và luân chuyển 59,8 tỷ tấn.km, tăng 4,2% (cùng kỳ năm trước tăng 4,3%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 02/2021 ước tính đạt gần 11 nghìn lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 28,7 nghìn lượt người, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.

6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2021 tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây[8] và tăng 1,58% so với tháng 12/2020. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Hai chỉ tăng 0,70% – thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay[9]. Bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,64%.

CPI tháng 02/2021 tăng 1,58% so với tháng 12/2020 và tăng 0,70% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,14% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 02/2021 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 0,79% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 0,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 02/2021 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 2,42% so với tháng 12/2020 và tăng 25,08% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2021 giảm 0,17% so với tháng trước; giảm 0,33% so với tháng 12/2020 và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước.

7. Một số tình hình xã hội

Dịch Covid-19 với biến thể mới tái bùng phát trở lại từ cuối tháng Một đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Trước tình đó, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTN về việc tặng quà cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu với tổng kinh phí thực hiện trên 538 tỷ đồng; tặng quà cho gần 5.384 trẻ em với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Ngoài ra, tính đến ngày 22/02/2021 đã hỗ trợ cứu đói giáp hạt cho hơn 222,2 nghìn nhân khẩu với tổng lượng gạo là 3.333,7 tấn. Tính từ tháng 6/2020 đến nay, đây là tháng thứ 9 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước.

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp [10]. 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ, Bra-xin, Nga và Anh. Tại Việt Nam, tính đến 6h00 ngày 27/02/2021 có 2.426 trường hợp mắc, 1.839 trường hợp đã được chữa khỏi (35 trường hợp tử vong).

Tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước trong 2 tháng đầu năm đã xảy ra 2.355 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 1.503 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 852 vụ va chạm giao thông, làm 1.230 người chết, 780 người bị thương và 968 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 2 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 24 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 14 vụ va chạm giao thông, làm 20 người chết, 13 người bị thương và 16 người bị thương nhẹ.

Thiên tai xảy ra trong 2 tháng đầu năm nay làm 1 người mất tích, 1 người bị thương; 634 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 3,3 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 288,3 ha lúa và 110 ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 27,3 tỷ đồng.

Tháng 02/2021, cả nước xảy ra 210 vụ cháy, nổ, làm 13 người chết và 18 người bị thương, thiệt hại ước tính 25,5 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 455 vụ cháy, nổ, làm 18 người chết và 30 người bị thương, thiệt hại ước tính 139,6 tỷ đồng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *