Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 2017 (Phần 3)

Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 2017 (Phần 3)

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình năm 2017 của cả nước ước tính 93,7 triệu người, tăng 987,3 nghìn người, tương đương tăng 1,07% so với năm 2016, bao gồm dân số thành thị 32,9 triệu người, chiếm 35,1%; dân số nông thôn 60,8 triệu người, chiếm 64,9%; dân số nam 46,2 triệu người, chiếm 49,3%; dân số nữ 47,5 triệu người, chiếm 50,7%. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2017, tổng tỷ suất sinh năm nay ước tính đạt 2,04 con/phụ nữ và ở dưới mức sinh thay thế. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 112,4 bé trai/100 bé gái. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2017 là 73,5 năm, trong đó nam là 70,9 năm và nữ là 76,2 năm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2017 ước tính là 54,8 triệu người, tăng 394,9 nghìn người so với năm 2016, bao gồm: Lao động nam 28,4 triệu người, chiếm 51,9%; lao động nữ 26,4 triệu người, chiếm 48,1%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2017 ước tính 48,2 triệu người, tăng 511 nghìn người so với năm trước

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 ước tính 53,7 triệu người, tăng 416,1 nghìn người so với năm 2016

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24% (Năm 2016 là 2,30%; năm 2015 là 2,33%), trong đó khu vực thành thị là 3,18% (Năm 2016 là 3,23%; năm 2015 là 3,37%); khu vực nông thôn là 1,78%(Năm 2016 là 1,84%; năm 2015 là 1,82%). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15-24 tuổi) năm 2017 là 7,51%, trong đó khu vực thành thị là 11,75%; khu vực nông thôn là 5,87%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2017 là 1,63%, thấp hơn mức 1,66% của năm 2016 và 1,89% của năm 2015, trong đó khu vực thành thị là 0,85% (Năm 2016 là 0,73%; năm 2015 là 0,84%); khu vực nông thôn là 2,07% (Năm 2016 là 2,12%; năm 2015 là 2,39%)

2. Năng suất lao động

Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN  nhưng mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Xin-ga-po; 17,6% của Ma-lai-xi-a; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của In-đô-nê-xi-a; 56,7% của Phi-li-pin và bằng 87,4% NSLĐ của Lào.

3. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Đời sống dân cư năm nay nhìn chung ổn định. Năm 2017, cả nước có 181,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 31,7% so với năm trước, tương ứng với 746,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 32,1%.

Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2017 là 5.832 tỷ đồng, bao gồm 3.370 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.759 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 703 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác

4. Giáo dục, đào tạo

Tính đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 1 được quy định tại Thông tư 36 của Bộ Giáo dục, trong đó có 12 địa phương được công nhận chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.

Năm học 2017-2018, cả nước có gần 23 triệu học sinh, sinh viên; trong đó gần 5,2 triệu trẻ em bậc mầm non (0,7 triệu trẻ em đi nhà trẻ và 4,5 triệu trẻ em đi học mẫu giáo); 7,8 triệu học sinh tiểu học; 5,5 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,4 triệu học sinh trung học phổ thông và 1,8 triệu sinh viên cao đẳng, đại học.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện nay, cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Năm 2017, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học, cao đẳng là 50%; vào cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 23%; học nghề tại trung tâm đào tạo nghề là 13%.

5. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Tính chung năm 2017, cả nước có 175,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (38 trường hợp tử vong); gần 102,7 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 630 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 720 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (26 trường hợp tử vong); 53 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (3 trường hợp tử vong); 653 trường hợp mắc bệnh ho gà (5 trường hợp tử vong); 204 trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người (17 trường hợp tử vong); 327 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (16 trường hợp tử vong); 39 trường hợp nhiễm vi rút Zika; 19 trường hợp mắc bệnh bạch hầu (5 trường hợp tử vong); 62 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Tính đến thời điểm 17/12/2017, tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống là 209,4 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 90,1 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 94,6 nghìn người.

Về ngộ độc thực phẩm, tính chung năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.374 người bị ngộ độc, trong đó 22 trường hợp tử vong.

6. Hoạt động văn hóa và thể dục thể thao

Hoạt động văn hóa trong năm diễn ra nhiều hoạt động nổi bật, như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI; Triển lãm Telefilm 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh; Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II tại Bình Dương; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Năm 2017 nghệ thuật Bài Chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại; hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 12 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận.

Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục đẩy mạnh gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Ngành thể thao đã tập trung đào tạo, tập huấn lực lượng, thi đấu giành thành tích xuất sắc trên các đấu trường thể thao quốc tế. Tính đến 30/11/2017, thể thao Việt Nam đã giành được 1.045 huy chương trong các giải đấu quốc tế, trong đó 425 huy chương vàng, 301 huy chương bạc, 319 huy chương đồng. Tại SEA Games 29, Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành 168 huy chương các loại (58 huy chương vàng, 50 huy chương bạc và 60 huy chương đồng), xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự.

7. Tai nạn giao thông

Tính chung năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20.280 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10.310 vụ va chạm giao thông, làm 8.279 người chết; 5.587 người bị thương và 11.453 người bị thương nhẹ. So với năm trước, số vụ tai nạn giao thông năm nay giảm 7% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 5,6%; số vụ va chạm giao thông giảm 8,3%); số người chết giảm 4,7%; số người bị thương giảm 9,6% và số người bị thương nhẹ giảm 12,6%. Như vậy, vấn đề an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, giảm trên cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong tổng số 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, có 9.488 vụ (chiếm 97,1%) xảy ra trên đường bộ, làm 8.089 người chết và 5.517 người bị thương; tai nạn giao thông đường sắt có 164 vụ, làm 133 người chết và 50 người bị thương; tai nạn giao thông đường thủy và hàng hải có 118 vụ, làm 57 người chết và 20 người bị thương. Bình quân 1 ngày trong năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông, làm 23 người chết, 15 người bị thương và 32 người bị thương nhẹ.

8. Thiệt hại do thiên tai 

Năm 2017 được đánh giá là năm của mưa, bão, lũ, thiên tai diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước gây tổn thất lớn về người và tài sản, trong 6 tháng cuối năm đã xuất hiện liên tục tới 16 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới trên biển đông. Trong đó, cơn bão số 10 và 12 đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung là hai cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Riêng cơn bão số 12 đã làm 123 người chết và mất tích, 342 người bị thương, giá trị tài sản thiệt hại lên tới 22,6 nghìn tỷ đồng. Mưa đá, lốc xoáy liên tục trong những tháng đầu năm, mưa lớn kéo dài trong những tháng cuối năm gây ngập lụt ở nhiều địa phương. Mưa lớn trái mùa xảy ra vào giữa tháng 10 khiến các hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng. Riêng đợt mưa lũ từ 10-14/10/2017 tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã làm chết và mất tích hơn 100 người, bị thương 42 người, thiệt hại về tài sản 13 nghìn tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2017, thiên tai làm 389 người chết, mất tích và 668 người bị thương. Diện tích lúa bị ngập, bị hư hỏng gần 234 nghìn ha. ; diện tích hoa màu bị ngập, bị hư hỏng hơn 130,6 nghìn ha. Số nhà sập đổ, cuốn trôi là 8.312, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2016 và 588,1 nghìn nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước, gấp 1,6 lần. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2017 ước tính 60 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2016, trong đó Khánh Hòa là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với 14,7 nghìn tỷ đồng, Quảng Bình gần 8 nghìn tỷ đồng; Hà Tĩnh 7,5 nghìn tỷ đồng.

Đến cuối tháng 11, các lực lượng chức năng đã chuyển đến những khu vực bị ảnh hưởng 607,1 nghìn liều vaccine, 85 nghìn lít và 240 tấn hóa chất khử trùng. Chính phủ đã cấp hỗ trợ các địa phương 696 tấn lúa giống, 205 tấn ngô giống, 7 tấn rau giống. Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho 10 địa phương khắc phục thiệt hại bão lũ. Tính chung năm 2017, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 14,6 nghìn tấn gạo cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

9. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Tính chung năm 2017 đã phát hiện 16.742 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 13.943 vụ với tổng số tiền phạt hơn 211 tỷ đồng. Các địa phương có số vụ vi phạm môi trường bị phát hiện nhiều nhất là Hà Nội với 7.961 vụ và Trà Vinh 1.130 vụ.

Trong năm, cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Tổng hợp: Kế Hoạch Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *