Chợ Đầu mối Nông sản thực phẩm (CĐM NSTP) là một dạng tổ hợp công trình công cộng, có chức năng chủ yếu là thương mại, đồng thời có một số bộ phận sản xuất, chế biến và phụ trợ khác. CĐM NSTP thuộc phạm vi quản lý của nhà nước, CĐM NSTP là một thể loại công trình cần được nghiên cứu về tổ chức không gian kiến trúc một cách riêng biệt, nhất là để đáp ứng nhu cầu phát triển đặc thù của Hà Nội mở rộng. Bài báo đề cập đến các vấn đề tổ chức không gian (TCKG) CĐM NSTP ở các cấp độ 1) Gian hàng cơ bản, 2) Nhà chợ chính và 3) Tổng thể phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị Hà Nội mở rộng trong tương lai.
Các không gian chức năng trong chợ đầu mối nông sản thực phẩm
1. Các không gian chức năng
Về chức năng sử dụng, có các loại không gian trong CĐM NSTP như: 1) Không gian sử dụng chính, 2) Không gian phụ trợ, 3) Không gian giao thông, 4) Không gian phục vụ và 5) Không gian cảnh quan ngoài nhà. [2]
TCVN 9211 chỉ rõ các chức năng là: Ban quản lý chợ; bộ phận kinh doanh thường xuyên; Bộ phận kinh doanh không thường xuyên; Bộ phận phụ trợ và kỹ thuật công trình [1]. Tuy nhiên, riêng đối với CĐM NSTP. các bộ phận chức năng này chưa được xây dựng cụ thể. Trong đó, chuỗi hoạt động chính “Hạ hàng => chọn hàng/đấu giá/trả giá => mua buôn => phân loại/đóng gói/nhãn mác => phân phối/bán buôn => chất hàng” được coi là Bộ phận Kinh doanh không thường xuyên, hoạt động tại không gian chợ ngoài trời.
Ngoài ra, các hoạt động phụ trợ phục vụ công tác sau thu hoạch, đóng gói, nhãn mác sản phẩm… chưa được đề cập đến.
2. Sơ đồ dây chuyền chức năng của CĐM NSTP.
Bằng phương pháp khảo sát kết hợp phân tích và tổng hợp, có thể xác định dây chuyền hoạt động chức năng theo sơ đồ
Các bộ phận chức năng trong CĐM NSTP (đầy đủ nhất) bao gồm: 1) Lối nhập hàng, 2) Cân xe hàng, 3) Kiểm soát/kiểm dịch, 4) Khu bày bán, đấu giá, 5) Khu phân cấp, làm sạch, 6) Kho tạm, 7) Kho tối/Kho lạnh [5]
3. Cơ cấu các không gian Chức năng trong công trình
Có thể nhóm các thành phần chức năng theo 10 nhóm không gian sau đây:
- Bãi đậu xe kết hợp bãi giao dịch ngoài nhà: Là không gian đậu đỗ xe nhập/xuất hàng và xe vận chuyển nội bộ. Do bãi giao dịch ngoài nhà có tính chất hoạt động không ổn định, phụ thuộc mùa vụ, chủ yếu hoạt động vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ đêm, nên không gian này có thể kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngoài trời;
- Không gian Chợ bán buôn trong nhà: Là không gian kiến trúc chính; gồm các hoạt động hạ hàng, trả giá/đấu giá mua buôn, phân loại, đóng gói phân phối; thực hiện các giao dịch chính của chợ;
- Kho hàng hóa: Là không gian phụ trợ cho hoạt động chính (hoạt động bán buôn nông sản thực phẩm); có các kiểu kho: Kho tạm, kho tối, kho lạnh; tỷ lệ diện tích kho và các phân loại kho phụ thuộc vào quy mô hàng hóa được trao đổi thực tế;
- Dịch vụ gián tiếp: ăn uống, bảo trì xe máy vận tải, nghỉ ngơi, lưu trú tạm thời, cửa hàng vật phẩm, bưu điện…
- Văn phòng – Quản lý: Văn phòng quản lý chợ, kiểm dịch, môi trường, an ninh bảo vệ, văn phòng ngân hàng, văn phòng đại diện các hãng vận tải…
- Kỹ thuật phụ trợ: Là không gian cho các công tác vận hành, bảo trì, đảm bảo hoạt động thường xuyên của CĐM NSTP về thông tin, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông gió, cứu hỏa, xử lý môi trường
- Công nghệ sản xuất phụ trợ: Là hoạt động phụ trợ nâng cao thương hiệu sản phẩm, thường xuất hiện tại các chợ đầu mối của vùng sản xuất nông sản;
- Không gian giao thông: Là giao thông nội bộ, giao thông ngoài nhà, giao thông tĩnh;
- Cảnh quan ngoài nhà: Là không gian cây xanh, mặt nước tạo vi khí hậu, cách ly môi trường…
- Đất dự trữ cho các nhu cầu phát sinh sau này
Giải pháp tổ chức không gian CĐM NSTP đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị Hà Nội
1. TCKG Gian hàng cơ bản
Gian hàng cơ bản là nơi diễn ra hoạt động thương mại – thành phần chính trong nhà chợ.Trong Gian hàng cơ bản có các hoạt động: 1) Làm sạch/ Phân loại/Sắp xếp 2) Đóng gói/Lưu hàng 3) Trưng bày/Giao dịch.
Ngoài ra, các hoạt động gắn trực tiếp với gian hang cơ bản là: Bốc dỡ/Trả giá/Mua buôn và Bán-Phân phối/Chất hàng. Có 3 kiểu sơ đồ Gian hàng cơ bản là:
a. Gian hàng Kiểu G1 – Tập kết hàng 2 phía
Đây là dạng sơ đồ có không gian hoạt động Nhập hàng và Xuất hàng nằm ở 2 đầu của Gian hàng cơ bản. Dạng này có ưu thế về lưu thông hàng hóa tách biệt Nhập/Xuất; các phương tiện vận chuyển phân tuyến rõ ràng; gian hàng dễ phân đoạn không gian và hạ tầng đối với các bước hoạt động. Sơ đồ này phù hợp với các mặt hàng và thị trường có đặc điểm luân chuyển liên tục, hoặc cần có công đoạn làm sạch phức tạp và tách biệt (như ngành hàng Thịt/Cá)
b. Gian hàng Kiểu G2 – Tập kết hàng 1 phía
Đây là dạng sơ đồ có không gian hoạt động tập kết Nhập hàng và Xuất hàng nằm ở 1 phía của gian hàng cơ bản; phía Trưng bày/Giao dịch chỉ phục vụ hoạt động bày mẫu, lựa chọn và khớp lệnh mua bán. Sơ đồ này có tuyến vận chuyển hàng hóa nằm tách biệt với tuyến giao dịch; phù hợp với các mặt hàng và thị trường có đặc điểm lệch pha về Nhập/Xuất, hoặc có công đoạn làm sạch đơn giản (như ngành hàng Rau củ quả/Lương thực)
c. Gian hàng Kiểu G3 – Rút gọn
Đây là dạng sơ đồ có không gian hoạt động rút gọn, tuyến vận chuyển hàng hóa Nhập/Xuất nằm cùng phía với tuyến giao dịch. Các chức năng hoạt động được tích hợp và nén theo chiều sâu Gian hàng. Sơ đồ này phù hợp với các mặt hàng có yêu cầu xử lý đơn giản, thị trường nhỏ, lệch pha về Nhập/Xuất, chú trọng khối lượng lưu thông.
2. TCKG Nhà Chợ chính
Từ các dạng gian hàng cơ bản, có thể đề xuất 3 dạng sơ đồ Nhà chợ chính:
- Nhà chợ chính kiểu N1 – Nhập/Xuất hàng 2 phía
- Nhà chợ chính kiểu N2 – Nhập/Xuất hàng 1 phía
- Nhà chợ chính kiểu N3 – Rút gọn
a. Nhà chợ chính kiểu N1 – Nhập/Xuất hàng 2 phía
Đây là dạng có không gian hoạt động Nhập hàng và Xuất hàng nằm ở 2 phía của không gian Nhà chợ chính. Dạng sơ đồ này có ưu thế về lưu thông hàng hóa tách biệt Nhập/Xuất; các phương tiện vận chuyển phân tuyến rõ ràng; dòng giao thông Nhập và Xuất không bị chồng chéo, tránh được các nút giao cắt chênh lệch tải trọng xe; phù hợp với đa dạng loại phương tiện vận chuyển; không gian hoạt động thông thoáng, tiếp cận trực tiếp.
b. Nhà chợ chính kiểu N2 – Nhập/Xuất 1 phía
Đây là dạng có đặc điểm không tách biệt không gian tập kết hàng cho các hoạt động Nhập và Xuất. Dạng sơ đồ này có yêu cầu về khoảnh trống lớn xung quanh Nhà chợ chính phục vụ giao thông vận chuyển. Hoạt động Giao dịch/Bán/phân phối dễ tiếp cận với nhiều gian hàng trong cùng 1 trục hành lang trong nhà; phù hợp với các CĐM NSTP có kết hợp phục vụ nhiều nhu cầu bán lẻ.
c. Nhà chợ chính kiểu N3 – Rút gọn
Đây là dạng có đặc điểm không tách biệt không gian tập kết hàng cho các hoạt động Nhập/ Xuất, đồng thời tích hợp tuyến giao dịch trên cùng 1 hành lang giao thông.
Dạng này là loại có cấu trúc đơn giản nhất, các phân đoạn xử lý và phân loại hàng hóa tại Gian hàng cơ bản được rút gọn tối đa; phù hợp với các loại mặt hàng và thị trường đơn giản, cấp thấp. Cũng có thể áp dụng sơ đồ dạng này với trường hợp trong tổng thể có bao gồm khu xử lý/phân loại hàng hóa tập trung, Nhà Chợ chính chú trọng Giao dịch bày mẫu; tuy nhiên đó là thị trường phát triển ở cấp độ cao, chưa xuất hiện tại Hà Nội.
Ngoài ra, có thể xác định một giải pháp mặt cắt mang tính chất kết hợp, phù hợp với các giao dịch và hoạt động luân chuyển hàng hóa có tính linh hoạt.
Nguồn: Tapchikientruc
Tổ chức không gian kiến trúc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hà Nội – Phần 2