Home / Phát triển doanh nghiệp / Chiến lược kinh doanh / TPP cơ hội và thách thức

TPP cơ hội và thách thức

Hiện nay việc gia nhập TPP là chủ đề  được doanh nghiệp nhắc đến thường xuyên và liên tục. Việc gia nhập TPP sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam không ít cơ hội nhưng thách thức cũng không nhỏ.

Về cơ hội:

  1. Những lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam (dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản…)  sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
  2. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mở xưởng sản xuất ở Việt Nam để tận dụng lợi thế miễn thuế từ TPP và nguồn lao động cũng như tài nguyên giá rẻ tại Việt Nam, các khu công nghiệp có vị trí giao thông thuận lợi đặc biệt là các thuận lợi về giao thông đường biển sẽ rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và xây dựng nhà máy.
  3. Công nghiệp phụ trợ cũng sẽ có bước phát triển vượt bậc.
  4. Các lĩnh vực bổ trợ cho xuất nhập khẩu sẽ có sự phát triển mạnh mẽ từ việc gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu như: logistic, cảng biển, kho bãi…
  5. Nhập siêu từ Trung Quốc sẽ giảm mạnh do lượng lớn hàng hóa chất lượng cao từ các nước phát triển sẽ được nhập khẩu và phân phối trực tiếp tại Việt Nam.
  6. Sức ép cạnh tranh từ TPP sẽ rất mạnh mẽ do đó sẽ tạo ra động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện khả năng quản lý, tổ chức sản xuất và định hướng chiến lược rõ ràng hơn.

Về thách thức:

  1. Khi thị trường mở cửa thì hàng hóa của các nước trong khối TPP sẽ tràn vào Việt Nam, hoàng loạt công ty sản xuất những lĩnh vực thiết yếu sẽ phá sản trước sức ép cạnh tranh mạnh mẽ này.
  2. Nhiều đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm từ các nước trong khối sẽ phá sản do các công ty nước ngoài sẽ nhập khẩu và phân phối sản phẩm trực tiếp thông qua các công ty đại diện tại Việt Nam.
  3. Nhiều lĩnh vực tiêu hao nhiều lao động nhưng hiệu quả kém sẽ bị đào thải do phải cạnh tranh nguồn lao động với các doanh nghiệp sản xuất qui mô lớn và hiệu quả của nước ngoài. Đội ngũ nhân lực làm thuê tại Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh.
  4. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với lựa chọn khó khăn: hoặc chấp nhận rủi ro bơi ra biển lớn để tìm con đường tồn tại hoặc co cụm trong ao làng và chết, vì lợi thế địa phương vốn là chiến lược sinh tồn của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đã không còn tồn tại. Dù lựa chọn con đường nào thì cũng khó khăn như nhau.

Việc gia nhập TPP sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức, bước vào sân chơi lớn không phải là việc dễ dàng và nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ té đau. Nếu nhìn tổng quan thì nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ chỉ là bức tranh màu xám, tuy nhiên những doanh nghiệp thức thời, biết nắm bắt cơ hội, có chiến lược kinh doanh rõ ràng sẽ vươn lên và phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp này sẽ là điểm sáng của nền kinh tế trong tương lai.

Việc gia tăng mạnh mẽ hoạt động sản xuất công nghiệp trong ngắn hạn sẽ giúp Việt Nam giải quyết được nhiều vấn đề như: phát triển kinh tế từ việc mở rộng lưu thông hàng hóa, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên nếu nhìn về lâu dài thì Việt Nam đang tự rơi vào cái bẫy “thu nhập trung bình” đã được dự báo trước vì trong chuỗi giá trị, hoạt động sản xuất là hoạt động tiêu hao nhiều nguồn lực nhưng giá trị không đáng kể, việc các nước gia tăng đầu tư vào hoạt động sản xuất tại Việt Nam sẽ đẩy được những lĩnh vực giá trị thấp ra nước ngoài để họ tập trung phát triển những lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị như: công nghệ, y học, giáo dục chất lượng cao…

TPP sẽ tạo ra môi trường kinh doanh hoàn toàn khác biệt tại Việt Nam, là cơ hội hay thách thức sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo đất nước và doanh nghiệp.

Nguồn: Kế Hoạch Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *