Home / Phát triển doanh nghiệp / Ý tưởng kinh doanh / TRIỂN VỌNG CỦA MÔ HÌNH NUÔI TRỒNG ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO

TRIỂN VỌNG CỦA MÔ HÌNH NUÔI TRỒNG ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO

Từ sản xuất ở các đơn vị khoa học…

Ngay từ năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa, nay là Phòng phân tích và thí nghiệm thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, đã thực hiện tiếp nhận công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ĐTHT từ Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Đến nay đơn vị đã làm chủ các quy trình công nghệ từ khâu sản xuất giống, sản xuất thương phẩm cho đến bảo quản, chế biến sản phẩm nấm ĐTHT, chủ động sản xuất được một số sản phẩm từ ĐTHT. Viện Nông nghiệp đã đăng ký mã vạch cho các sản phẩm từ nấm ĐTHT do đơn vị sản xuất như: Nấm ĐTHT tươi, nấm ĐTHT khô, trà túi lọc, rượu nấm ĐTHT… Năm 2019 vừa qua, đơn vị đã tiêu thụ được gần 10 nghìn hộp nấm ĐTHT, hàng chục cân sản phẩm ĐTHT khô. Sản phẩm đã được đơn vị mang đi tham gia hội chợ tại Nga, hội chợ hàng nông nghiệp do tỉnh tổ chức, đưa vào bán tại hệ thống Siêu thị MomoMart.

Chị Phạm Thị Lý, Trưởng Phòng phân tích và thí nghiệm thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, trên thị trường, nhu cầu các sản phẩm từ ĐTHT ngày càng tăng. Tuy nhiên các sản phẩm ĐTHT của Viện Nông nghiệp hiện nay chủ yếu mới ở dưới dạng hộp tươi, sấy khô, trà túi lọc, rượu… Vì vậy, thời gian tới Viện Nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ chế biến sâu sản phẩm ĐTHT thành nhiều sản phẩm khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường, như: Trà túi lọc phối hợp nấm Linh Chi, viên nang, nước uống đóng chai, bánh kẹo và bột dinh dưỡng từ sản phẩm nấm ĐTHT…

…cho đến ở doanh nghiệp, hộ gia đình

Năm 2018, Công ty CP Thảo Ngọc Việt được thành lập tại xã Hải Châu (Tĩnh Gia) với mục tiêu phát triển mô hình sản xuất ĐTHT đạt tiêu chuẩn dược liệu. Việc nuôi trồng ĐTHT đảm bảo được giá trị dược liệu đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật vô cùng khắt khe, do đó công ty đã đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cấy hiện đại với các máy móc, trang thiết bị được nhập khẩu, bảo đảm quy trình nuôi trồng nấm được phát triển trong phòng kỹ thuật với nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, hệ thống cấp và lọc khí được điều chỉnh tự động chính xác cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nấm. Đến nay, Công ty CP Thảo Ngọc Việt đã cho ra các dòng sản phẩm ĐTHT trên ký chủ nhộng tằm, cơ chất tổng hợp. Các sản phẩm đều được đóng gói theo quy chuẩn nghiêm ngặt và được gắn tem, mã truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm của công ty đã được bán tại Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An… Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm ĐTHT trên cả nước.

Không chỉ các đơn vị khoa học, doanh nghiệp, mà trên địa bàn tỉnh ta đã có hộ gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất ĐTHT, một sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao, tiêu chuẩn khắt khe. Khi giới thiệu với khách đến thăm phòng nuôi trồng nấm ĐTHT của mình ở Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, xã Hoằng Thanh, anh Nguyễn Hữu Tấn cho biết: Nấm ĐTHT tự nhiên có giá rất cao và cũng không nhiều trên thị trường nên người tiêu dùng ít có cơ hội được sử dụng. Đầu năm 2019, anh đã đầu tư cơ sở sản xuất ĐTHT với quy mô phòng cấy giống 35m2, phòng ủ tơ 62m2, phòng nuôi trồng 256m2. Các phòng đều bảo đảm tiêu chuẩn về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, có đầy đủ các thiết bị bảo đảm cho quy trình sản xuất. Đến thời điểm này, cơ sở của anh đã sản xuất và tiêu thụ được sản phẩm ĐTHT tươi, sản phẩm khô và rượu ĐTHT. Thành công này đã mở ra một cơ hội nghề mới có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, cũng như góp phần đưa thêm những sản phẩm có chất lượng phục vụ du khách tại Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến.

Và trở thành sản phẩm thương hiệu

Có thể nói, việc làm chủ quy trình công nghệ từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến sản phẩm từ nấm ĐTHT đã tạo cơ hội phát triển mở rộng sản xuất để cung ứng ra thị trường nguồn dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu sản xuất dược phẩm và tiêu dùng của các doanh nghiệp dược và người dân trên địa bàn, đồng thời mở ra một nghề mới cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nấm ĐTHT rất khó trồng, dễ nhiễm khuẩn, yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe lại đòi hỏi đầu tư lớn, nên việc phát triển sản xuất ĐTHT trên diện rộng còn hạn chế. Một số cơ quan, doanh nghiệp đã nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm từ ĐTHT nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ. Vì vậy, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước cũng như cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện về nguồn vốn vay, chuyển giao quy trình công nghệ để nhiều tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất ĐTHT. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, sản xuất ĐTHT có khả năng trở thành một hướng làm nông nghiệp kỹ thuật cao, tạo nên một sản phẩm có giá trị cao mang thương hiệu của tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Lê Nhân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *