Home / Dịch vụ / Tư vấn công / Tư vấn chính sách công

Tư vấn chính sách công

1. Chính sách công và tham vấn trong hoạch định chính sách công

Có nhiều quan niệm về chính sách. Chính sách được hiểu là “sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế mà đề ra”(1). Chủ thể ban hành chính sách có thể là nhà nước, doanh nghiệp hay các tổ chức khác. Những chính sách do nhà nước ban hành nhằm giải quyết các vấn đề chung của xã hội, của cộng đồng được gọi là chính sách công.

Chính sách công được nhà nước ban hành nhằm giải quyết các vấn đề chính sách (các nhu cầu, các giá trị hay các cơ hội chưa được hiện thực hóa), bao gồm mục tiêu và giải pháp thực hiện, thể hiện dưới dạng một chuỗi quyết định quản lý được thực thi trên thực tiễn trong khoảng thời gian dài.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, chính sách công là định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định(2). Trong các công cụ quản lý, điều hành của nhà nước, chính sách công giữ vai trò quan trọng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hoạch định và tổ chức thực thi các chính sách công cần được tổ chức thực hiện khoa học và hiệu quả.

Tham vấn được hiểu là “hỏi hoặc phát biểu ý kiến để tham khảo (thường nói về vấn đề quan trọng”(3). Tham vấn là hình thức lấy ý kiến của các bên có liên quan về một dự định mới, một ý tưởng mới… mà khi thực hiện trên thực tiễn sẽ ảnh hưởng đến các bên có liên quan. Tham vấn trong hoạch định chính sách công trong bài viết này được hiểu là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo đảm và phát huy vai trò của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong quá trình hoạch định chính sách công. Đối với chính sách công, các bên có liên quan là các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn, chuyên gia độc lập… Tổ chức tham vấn trong chu trình chính sách công nói chung và trong hoạch định chính sách công nói riêng là trách nhiệm của nhà nước trong bảo đảm quyền “tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh đó, thông qua tổ chức tham vấn, chủ thể hoạch định chính sách công sẽ tranh thủ được trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của các cá nhân, tổ chức để đảm bảo cho nội dung chính sách công khoa học, sát với tình hình thực tiễn, dễ dàng đi vào cuộc sống, được thực thi hiệu quả và có tác động tích cực đến xã hội. Đồng thời, thông qua tổ chức tham vấn trong hoạch định chính sách công, định hướng của Đảng, mục tiêu của Nhà nước và mong muốn, nguyện vọng của nhân dân gặp nhau, kết tinh trong nội dung chính sách. Từ đó, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về nội dung chính sách và tự giác, trách nhiệm thực thi chính sách sau khi được ban hành.

2. Tổ chức tham vấn trong hoạch định chính sách công

Chu trình chính sách công được hiểu là quá trình luân chuyển các bước từ khi khởi đầu cho đến khi kết thúc một chính sách công. Chu trình chính sách bao gồm ba bước cơ bản: hoạch định chính sách công, thực thi chính sách công và đánh giá chính sách công. Hoạch định chính sách công là bước xây dựng và ban hành chính sách công, bao gồm: phân tích bối cảnh, dự báo phát triển và nhận diện vấn đề chính sách công; hình thành ý tưởng và xác định mục tiêu chính sách công; xác định phương án chính sách công; xác định giải pháp thực hiện mục tiêu chính sách công; đánh giá tác động của chính sách công; thẩm định chính sách công; thông qua và ban hành chính sách công.

Trong quy trình hoạch định chính sách công, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên tổ chức tham vấn chính sách ở hầu hết các bước với nhiều hình thức khác nhau.

 

Bước

Nội dung tham vấn

Chủ thể tham vấn

Hình thức

Phân tích bối cảnh, dự báo phát triển và nhận diện vấn đề chính sách công – Phân tích và đánh giá bối cảnh trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề chính sách công;

– Nhận diện vấn đề chính sách công cần giải quyết (xác định nguyên nhân của vấn đề chính sách công; hậu quả của vấn đề chính sách công nếu không được giải quyết; sự cần thiết phải giải quyết vấn đề chính sách bằng việc hoạch định và tổ chức thực thi chính sách công…);

– Dự báo các biến động kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng… trong và ngoài nước tác động đến vấn đề chính sách trong chu trình chính sách công;

– Dự báo các biến động tác động đến tiến trình thực thi chính sách công;

– Dự báo phát triển của lĩnh vực, ngành có liên quan đến vấn đề chính sách công…

– Các chuyên gia, chuyên gia độc lập;

– Các tổ chức tư vấn;

– Các tổ chức khác;

– Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức…

– Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học để các chủ thể tham vấn tham luận hoặc gửi các bài viết.

– Tổ chức các diễn đàn trực tuyến để mọi cá nhân, tổ chức có thể tham gia đóng góp ý kiến.

Hình thành ý tưởng và xác định mục tiêu chính sách công – Đề xuất sáng kiến giải quyết vấn đề chính sách công;

– Đề xuất mục tiêu chính sách công (mục tiêu tổng quát, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và hệ thống chỉ tiêu trong từng giai đoạn).

– Các chuyên gia, chuyên gia độc lập;

– Các tổ chức tư vấn;

– Các tổ chức khác;

– Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức;

– Các tầng lớp nhân dân.

– Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học để các chủ thể tham vấn tham luận hoặc gửi các bài viết.

– Tổ chức các diễn đàn trực tuyến để mọi cá nhân, tổ chức có thể tham gia đóng góp ý kiến.

Xác định phương án chính sách công – Đề xuất các phương hướng, cách thức – “kịch bản” để giải quyết vấn đề chính sách và đạt được mục tiêu chính sách công đã xác định;

– Đánh giá các phương án chính sách công đã được đề xuất;

– Lựa chọn phương án chính sách tối ưu nhất để khuyến nghị hoàn thiện thành dự thảo chính sách công.

– Các chuyên gia, chuyên gia độc lập;

– Các tổ chức tư vấn;

– Cơ quan, cá nhân tham mưu và tham gia vào quá trình hoạch định chính sách công.

Tổ chức thành các hội đồng, trong đó, các cơ quan nhà nước chủ trì, thành viên các hội đồng làm việc độc lập, thảo luận, biểu quyết tập thể.
Xây dựng giải pháp thực hiện mục tiêu chính sách công Đề xuất xây dựng các nhóm giải pháp để giải quyết vấn đề chính sách và đạt mục tiêu chính sách công:

– Nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến chính sách công;

– Nhóm giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước phục vụ quá trình thực thi chính sách công;

– Nhóm giải pháp về tổ chức, điều hành thực thi chính sách công;

– Nhóm giải pháp về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực thực thi chính sách công;

– Nhóm giải pháp đối với đối tượng chính sách…

– Các chuyên gia, chuyên gia độc lập;

– Các tổ chức tư vấn;

– Các tổ chức khác;

– Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức;

– Các tầng lớp nhân dân.

– Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học để các chủ thể tham vấn tham luận hoặc gửi các bài viết.

– Tổ chức các diễn đàn trực tuyến để mọi cá nhân, tổ chức có thể tham gia đóng góp ý kiến.

Đánh giá tác động của chính sách công – Đối với sự phát triển kinh tế;

– Đối với sự phát triển xã hội;

– Đối với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước;

– Đối với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành…

– Các chuyên gia, chuyên gia độc lập;

– Các tổ chức tư vấn;

– Cơ quan, cá nhân tham mưu và hoạch định chính sách công.

Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học.
Thông qua và ban hành chính sách công Nội dung dự thảo chính sách công. – Các chuyên gia, chuyên gia độc lập;

– Các tổ chức tư vấn;

– Cơ quan, cá nhân tham mưu và hoạch định chính sách công.

Tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền thảo luận, quyết nghị.

 

3. Các điều kiện để tổ chức tham vấn chính sách công

Tổ chức tham vấn trong hoạch định chính sách công có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh việc giúp cho nội dung chính sách công khoa học, đảm bảo tính khả thi cao hơn, còn tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực thi chính sách công trên thực tiễn. Để hoạt động tham vấn trong hoạch định chính sách công hiệu quả cần đảm bảo các điều kiện sau:

Một là, chủ thể hoạch định chính sách công đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của tham vấn chính sách công. Nếu chủ thể hoạch định chính sách công đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức tham vấn trong hoạch định chính sách công, cụ thể hóa thành mục đích, quy trình, nội dung tham vấn và tổ chức thực hiện nghiêm túc trên thực tiễn sẽ là điều kiện quan trọng nhất để tổ chức tham vấn chính sách công trở thành yêu cầu, thủ tục bắt buộc trong chu trình chính sách công nói chung và trong hoạch định chính sách công nói riêng.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham vấn chính sách công. Chủ thể tham vấn chính sách công là các tổ chức, cá nhân có liên quan, rộng ra là toàn thể nhân dân. Họ có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, có quyền kiến nghị, phản ánh các vấn đề của địa phương, của cơ sở và cả nước, trong đó có quá trình hoạch định và thực thi các chính sách công. Việc nhân dân tham gia vào quá trình tham vấn chính sách công là thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội vì chính sách công được ban hành để giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của chính họ. Do đó, để tổ chức tham vấn chính sách công một cách hiệu quả cần tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong tham vấn chính sách công.

Ba là, năng lực thiết kế các hoạt động tham vấn chính sách công. Về bản chất, tham vấn chính sách công là việc lấy ý kiến của các bên có liên quan đối với việc ban hành và tổ chức thực thi chính sách công. Để có các ý kiến đóng góp thực sự chất lượng, tâm huyết, trách nhiệm với nội dung của chính sách cần phải đưa ra các hình thức, phương pháp lấy ý kiến khoa học, phù hợp với từng nội dung, từng nhóm đối tượng. Để đảm bảo yêu cầu này, chủ thể hoạch định chính sách công cần tạo lập kênh tiếp nhận – phản hồi trực tiếp trong quá trình tổ chức tham vấn chính sách công. Tùy theo từng vấn đề, nội dung chính sách công, chủ thể hoạch định chính sách công và các cơ quan hữu quan tổ chức các hình thức tham vấn phù hợp. Công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong quy trình tiếp nhận – xử lý – phản hồi trong tổ chức tham vấn chính sách công. Tránh hình thức, chiếu lệ trong các hoạt động tổ chức tham vấn chính sách công.

Bốn là, mức độ minh bạch các thông tin liên quan đến nội dung chính sách công. Để “dân biết, dân bàn” thì người dân phải được biết các thông tin liên quan đến vấn đề chính sách công, biết chủ trương, định hướng, mục tiêu của Nhà nước trong giải quyết vấn đề chính sách công; điều kiện và khả năng huy động nguồn lực để thực thi chính sách công. Chủ thể hoạch định chính sách công cũng như các cơ quan hữu quan cần cung cấp công khai, đầy đủ thông tin để những đối tượng tham vấn chính sách công dễ dàng tiếp cận và khai thác.

Năm là, phát huy vai trò của Chính phủ điện tử và truyền thông trong tổ chức hoạch định chính sách công. Trong thời gian qua, Chính phủ điện tử bước đầu làm cho mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân ngày càng “gần” hơn. Bên cạnh đó, truyền thông cũng ngày càng khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội. Thông qua Chính phủ điện tử và truyền thông, hình thức, phương pháp, nội dung, quy trình trong tham vấn chính sách công đến với các chủ thể tham vấn chính sách công nhanh hơn, nhiều hơn, gần hơn.

Tổ chức tham vấn chính sách công nói chung và tham vấn trong hoạch định chính sách công nói riêng là một trong những hoạt động đảm bảo cho sự hoàn thiện chính sách công về mặt nội dung và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của chính sách công trên thực tiễn. Để tổ chức tham vấn, chủ thể hoạch định chính sách công cần đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của nó, đồng thời phát huy tốt trách nhiệm của chủ thể tham vấn và không ngừng nâng cao năng lực tổ chức, thiết kế các hoạt động tham vấn chính sách của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN & ĐẦU TƯ KẾ HOẠCH VIỆT

Văn phòng: 23 Đường số 7 Cityland Park Hills, Phường 10, Quận Gò Vấp, TP.HCM
Hotline:        0903.349.539
Email:           contact@khv.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *