Được trời phú cho khả năng vị giác, Tony Tan Caktiong, người sáng lập chuỗi Jollibee, luôn kiên trì trên con đường thực hiện giấc mơ xây dựng công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, dù vấp phải không ít thất bại cay đắng.
Tài sản của tỷ phú đồ ăn nhanh Tony Tan Caktiong giảm gần 40% so với năm ngoái xuống chỉ còn 1,9 tỷ USD do tác động của đại dịch Covid-19. Dù vậy, Caktiong vẫn là một trong 10 người giàu nhất tại Philippines, theo xếp hạng của Forbes.
Câu chuyện Caktiong đưa Jollibee từ một cửa hàng gà rán trở thành chuỗi đồ ăn nhanh hàng đầu, đánh bại cả “ông lớn” McDonald’s tại Philippines vẫn luôn được xem là minh chứng cho sự bền bỉ, tư duy nhanh nhạy của tỷ phú 67 tuổi. Do đó, đại dịch Covid-19 có thể chỉ là một trong hàng loạt trở ngại mà Caktiong từng đối mặt trong hành trình vươn tới ước mơ của mình.
Năng khiếu trời phú và giấc mơ lớn
Caktiong sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông là con thứ 3 trong gia đình 7 anh em. Cha ông là người phục vụ bếp tại một nhà hàng và cũng là đầu bếp trong một tu viện Phật giáo ở Manila, Philippines. Với kinh nghiệm về ẩm thực, gia đình Caktiong đã mở một nhà hàng ở thành phố Davao, miền nam Philippines.
Từ bé Caktiong đã có năng khiếu trong việc đánh giá món ăn. Ông từng kể với phóng viên rằng: “Mẹ tôi nói rằng tôi là đứa khó nuôi nhất nhà vì khó tính trong chuyện ăn uống”.
Ông tốt nghiệp khoa kỹ thuật dân dụng Đại học Santo Tomas và dự định nối nghiệp cha, Tuy nhiên, một sự kiện bước ngoặt đã xảy ra làm thay đổi cuộc đời ông. Đó là vào năm 1975, khi đó Caktiong 22 tuổi, ông tới thăm một nhà máy kem và quyết định chi 7.000 USD để mua nhượng quyền kinh doanh thương hiệu kem Magnolia Ice Cream. Sau đó, ông mở 2 cửa hàng kem ở Manila, một ở Cubao và một tại Quiapo, Philippines.
Tới cuối những năm 1970, ông quyết định chuyển sang kinh doanh hamburger. Ông và vợ đã tìm mua tất cả các loại burger ở Manila để đánh giá và nắm bắt khẩu vị của thị trường. Hiện tại, người sáng lập Jollibee vẫn tiếp tục thử nghiệm theo cách thức như vậy nhưng trên phạm vi toàn cầu.
Năm 1978, Caktiong khai trương cửa hàng Jollibee đầu tiên với món hamburger mới có tên Yumburge và tạo nên cơn sốt. Khởi đầu thành công thúc đẩy vợ chồng Caktiong tiếp tục đưa thêm nhiều món mới như gà rán, spaghetti và món ăn bản địa Philippines vào thực đơn. Khi Jollibee có 5 cửa hàng, Caktiong đã nói với các cộng sự rằng ông muốn xây dựng một công ty thực phẩm lớn nhất thế giới.
Thách thức lớn đầu tiên của Jollibee là khi McDonald’s gia nhập thị trường Philippines năm 1981.
“Khi đó, nhiều người đã khuyên chúng tôi nên bán lại các cửa hàng của mình khi chúng còn hoạt động tốt. Họ cho rằng làm sao một công ty địa phương nhỏ với vỏn vẹn 5 nhà hàng có thể cạnh tranh với công ty đa quốc gia số 1 thị trường thức ăn nhanh. Và hơn hết, đó lại là công ty phát minh ra hamburger”, Caktiong nhớ lại. “Đó là khoảnh khắc thử thách niềm hy vọng và tham vọng của tôi. Nếu không nuôi hy vọng, có lẽ tôi đã bán công ty ngay lúc đó rồi. Và nếu làm vậy, tôi đã không có ngày hôm nay”.
Không sợ hãi “người khổng lồ”, Caktiong vẫn kiên trì mở từng cửa hàng một. Ông tận dụng sự hiểu biết về khẩu vị của người Philippines làm vũ khí đối đầu với McDonald’s. Những món ăn phù hợp với khẩu vị tại Jollibee khiến người Philippines ngày càng yêu thích chuỗi ăn nhanh này.
“Tôi hiểu rõ vị giác của người Philippines. Spaghetti cần ngọt hơn bình thường và gà phải giòn tan trong từng miếng cắn”, Caktiong chia sẻ.
Là người bản địa, ông chủ Jollibee cũng thấm nhuần văn hóa và con người Philippines. Đó là lý do ông cho ra mắt biểu tượng chú ong đỏ vào năm 1980. Khi được hỏi tại sao lại chọn biểu tượng này, Caktiong cho biết con ong đại diện cho những tính cách đặc trưng của người Philippines, đó là chăm chỉ, lạc quan và vui vẻ.
Sau gần 40 năm, McDonald’s vẫn không đánh bại được Jollibee để giành vị trí số một tại Philippines.. Đến nay, Jollibee đã có hơn 3.300 cửa hàng tại Philippines và hơn 2.500 cửa hàng ở hơn 23 quốc gia – bao gồm chuỗi Smashburger và Coffee Bean & Tea Leaf.
Dù thành công lớn với Jollibee, Caktiong cũng vấp phải không ít thất bại cay đắng. Ông từng có nhiều tham vọng với các thương hiệu mới như gà Mary’s Chicken hay kem Copenhagen nhưng đều thất bại dù đã tiến hành vô số thử nghiệm.
“Chúng tôi đã cho rằng món gà barbeque là sản phẩm tốt nhất của mình. Dù chúng tôi dồn nhiều tâm sức vào đó nhưng món ăn vẫn không được khách hàng đón nhận”, Caktiong kể.
Nhìn lại chặng đường hơn 4 thập kỷ, Caktiong cho rằng để thành công, điều quan trọng nhất là phải dám ước mơ và không sợ hãi thất bại. Nhưng mơ ước thôi chưa đủ mà còn phải dồn toàn bộ năng lượng vào đó để hành động biến giấc mơ đó thành hiện thực.
“Một doanh nhân muốn thành công thì không được sợ thất bại mà phải nhanh chóng rút ra bài học từ đó để bước tiếp. Thất bại chỉ là bài học trên con đường thành công mà thôi”, tỷ phú 67 tuổi khẳng định.