Home / Phát triển doanh nghiệp / Chiến lược kinh doanh / Uber, Grabtaxi và Easy Taxi trong cuộc chiến ứng dụng đặt taxi trực tuyến

Uber, Grabtaxi và Easy Taxi trong cuộc chiến ứng dụng đặt taxi trực tuyến

ICTNews – Thị trường đặt taxi trực tuyến đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự góp mặt của một loạt những gương mặt mới gia nhập vào thị trường Việt Nam như Easy Taxi, Grabtaxi và mới đây nhất là Uber.

Mới chỉ một năm trước, khi người có nhu cầu đi taxi phải gọi điện đến tổng đài hoặc phải gọi trực tiếp mới có thể đặt được taxi thì nay mọi chuyện đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần những chiếc smartphone có kết nối 3G hoặc internet là khách hàng có thể đặt được những chuyến taxi cho mình chỉ với những thao tác hết sức đơn giản thông qua một ứng dụng mobile mà không cần phải gọi điện tới tổng đài, không phải lưu số điện thoại của bất kỳ hãng taxi nào.

Mở đầu cho làn sóng này là Easy Taxi, ứng dụng đặt taxi ra mắt vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó, lần lượt là Grabtaxi và Uber xuất hiện tại thị trường Việt Nam sau đó không lâu. Trong khi Easy Taxi và Grabtaxi cho phép người dùng gọi taxi đang còn trống từ các hãng taxi uy tín một cách nhanh nhất thì Uber lại ở một phân khúc khác, Uber giúp người dùng đặt chỗ trên những chiếc xe vốn không phải là taxi, những xe này sẽ có chất lượng cao hơn, tiện nghi hơn so với các xe taxi thông thường khác.

Cuộc chiến tranh giành người dùng.

Cuộc chiến của những ứng dụng gọi taxi về cơ bản cũng giống như cuộc chiến của những ứng dụng OTT, tuy nhiên nó lại có sự cạnh tranh gay gắt hơn nhiều bởi người dùng sẽ chỉ sử dụng một ứng dụng để gọi taxi cho chuyến đi của mình thay vì sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng như OTT. Nếu chiếm được lòng tin của khách hàng, việc biến họ trở thành khách hàng trung thành sẽ trở nên đơn giản hơn và các ứng dụng khác sẽ rất khó có thể giành lại được. Khi sự thắng lợi của người này là sự mất mát của người kia thì cuộc chiến trên thị trường sẽ trở nên căng thẳng hơn và buộc các ứng dụng phải tìm cách phát triển hiệu quả nhất để chiếm lĩnh thị trường.

Mặc dù có lợi thế ra đời sớm nhất và được sự hậu thuẫn của Rocket Internet tuy nhiên Easy Taxi lại đang tỏ ra hụt hơi so khi chiếm thị phần ít nhất so với các đối thủ còn lại. Trong khi đó, với số vốn vừa được đầu tư thêm lên đến 1,2 tỷ USD của Uber và 250 triệu USD của Grabtaxi thì hai ứng dụng này đang tỏ rõ tham vọng muốn nhanh chóng đánh chiếm những thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.

Trong giai đoạn bắt đầu xâm nhập thị trường, việc được các ứng dụng ưu tiên đó là giáo dục thị trường và thu hút người dùng, đây là việc mà Grabtaxi đang làm tốt nhất. Với mục tiêu đẩy mạnh thị phần tại các quốc gia Đông Nam Á, ứng dụng này đang có những động thái tích cực như cung cấp các mã giảm giá từ 20,000 đ đến 50,000 đ cho mỗi chuyến đi cho khách hàng. Easy Taxi cũng có những mức giảm giá nhất định cho những lần sử dụng đầu tiên, tuy nhiên những ưu đãi này không liên tục và người dùng thường bỏ dịch vụ khi không còn khuyến mãi. Ngoài việc giảm giá cước, Grabtaxi còn làm rất tốt trong việc thu hút sự tham gia của các tài xế taxi bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị và sử dụng 3G miễn phí.

Không nằm ngoài cuộc chơi này, Uber cũng rất mạnh tay khi tặng khách hàng mới sử dụng 100,000 đ và số tiền này sẽ gia tăng mỗi khi giới thiệu được khách hàng tiếp theo sử dụng dịch vụ. Mặc dù vậy nhưng Uber lại là một câu chuyện khác so với Grabtaxi và Easy Taxi. Mô hình Uber đang vấp phải sự phản đối của các nhà chức trách quản lý khi họ cho rằng Uber tiềm ẩn đang nhiều hạn chế, điều này không khó hiểu khi Uber cũng gặp phải vấn đề tương tự tại nhiều thành phố, quốc gia khác trên thế giới. Mặc khác, việc bắt khách hàng phải thanh toán bằng thẻ tín dụng cũng là một bất lợi khi tỷ lệ thanh toán qua phương thức này chưa phổ biến và khách hàng vẫn chưa tin tưởng cung cấp những thông tin nhạy cảm này.

Cuộc chiến truyền thông.

Theo thống kê của Younet Media về sự xuất hiện của các thương hiệu trên mặt trận truyền thông thì Grabtaxi đang dẫn đầu với tỷ lệ vượt trội là 62%. Để có được điều này, Grabtaxi đã kết hợp rất nhiều chiến dịch marketing thông minh và tập trung vào các mạng xã hội như Facebook, bằng chứng là có đến 92% những cuộc thảo luận về Grabtaxi là từ mạng xã hội này.

11.png

Grabtaxi được nhắc đến nhiều nhất. Ảnh : Younet Media

Theo sau Grabtaxi là Uber, ứng dụng đang được nhắc đến nhiều nhất trên các trang báo chí và diễn đàn bởi mô hình Uber nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và qua đó Uber khiến nhiều người biết đến mình hơn.

Với cách làm truyền thông hiệu quả, Uber đang nhận được nhiều lượt tìm kiếm nhất trên Google theo số liệu từ Google Trend. Nhận được ít sự quan tâm nhất là Easy Taxi, ứng dụng này đang tỏ ra loay hoay trong việc quảng bá thương hiệu đến với các khách hàng. Ngoài ra, sự hiện diên của Easy Taxi trên các diễn đàn, mạng xã hội đang rất thưa thớt và không nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng.

61.png

Người dùng tìm kiếm về Uber nhiều hơn. Ảnh: Younet Media

Kết luận.

Trong cuộc chiến ứng dụng gọi taxi trực tuyến hiện nay, với lợi thế xuất hiện sớm, Grabtaxi đang là ứng dụng chiếm phần lớn thị phần và số lượng tài xế sử dụng dịch vụ. Trong khi đó Uber tuy có được sức mạnh thương hiệu nhưng đang vướng vào một số vấn đề pháp lý và sự ngăn cản của các hãng taxi truyền thống nên vẫn chưa thể nhân rộng một cách nhanh chóng tại Việt Nam. Với tiềm lực tài chính ít hơn hai đối thủ còn lại, Easy Taxi vẫn đang thực hiên các kế hoạch dài hơi và tránh vung tiền trong giai đoạn cạnh tranh nóng, có lẽ Easy Taxi sẽ giành lại thị phần cho mình bằng chiến lược cụ thể sau khi người dùng đã quen với việc gọi taxi qua ứng dụng.

Trong tương lai, dù kết quả có thế nào đi nữa thì khách hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất: Họ có thêm sự lựa chọn đa dạng và tiện nghi hơn, mức phí thấp hơn khi di chuyển và các hãng taxi truyền thống cũng phải nỗ lực chuyển mình để cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Nguồn Kế Hoạch Việt tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *