“GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng từ 1,03-2,11% khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được thông qua, và là nước có thay đổi GDP thực tế theo phần trăm cao nhất trong 12 nước tham gia”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) nhận định.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, mức tăng GDP này chủ yếu nhờ tăng đầu tư và tiêu dùng; tương đương với giá trị tuyệt đối là 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD.
Riêng về đầu tư, mức tăng của Việt Nam là nổi bật trong nhóm 12 nước tham gia đàm phán, xấp xỉ Nhật Bản, gấp đôi Australia, Malaysia và Mỹ trong viễn cảnh thuận lợi hóa thương mại dịch vụ chưa lan ra các nước ngoài TPP.
Về thương mại, trong khi nhập khẩu tăng mạnh thì xuất khẩu lại chứng kiến mức giảm nhẹ, khiến Việt Nam đi sâu hơn vào nhập siêu. Xét đến thay đổi theo ngành nhờ TPP, có sự dịch chuyển trong sản xuất và lao động từ các ngành Việt Nam không còn lợi thế so sánh (các ngành nông nghiệp) sang các ngành Việt Nam vẫn đang có lợi thế (đặc biệt là ba ngành Dệt May, Da giày và Dịch vụ tiện ích).
Sáu khuyến nghị khi tham gia TPP
Kết quả nghiên cứu trong báo cáo Thường niên Kinh tế 2015 do TS. Nguyễn Đức Thành là đồng chủ biên đánh giá, quá trình hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới, đặc biệt khi thông qua hiệp định thương mại tự do toàn diện như TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức.
Để hạn chế những thách thức khi ký kết TPP, theo TS. Nguyễn Đức Thành, thứ nhất Việt Nam cần tăng cường quá trình cải cách thể chế, nhất là ở thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn và đất đai. Hội nhập mà không đi liền với những cải cách này thì không những sẽ khiến Việt Nam khó tận dụng được những cơ hội tốt mà còn có thể dẫn đến những suy giảm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, khi hiệp định TPP được thực thi, doanh thu từ thuế giảm, Việt Nam cần cân nhắc bảo đảm được sự ổn định vĩ mô khi sử dụng các biện pháp bù đắp thâm hụt bằng các nguồn khác, tránh gây ra những mâu thuẫn với các chính sách khác.
Thứ ba, Việt Nam cần có những chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành nhằm tăng hiệu quả và hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh (đặc biệt là ba ngành Dệt may, Da giày và Dịch vụ tiện ích) nhằm tăng sức cạnh tranh hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Thứ tư, Việt Nam cần quan tâm hơn các vấn đề cắt giảm hàng rào phi thuế quan như cắt giảm chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu… và các yếu tố phi thương mại như lao động và quyền sở hữu trí tuệ…
Thứ năm, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, tập huấn và áp dụng các hàng rào kỹ thuật hợp lý để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình và giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động đáp ứng được yêu cầu của các đối tác thương mại.
Cuối cùng, vị đại diện của VEPR cho rằng, Việt Nam cần cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành phụ trợ nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI được dự báo sẽ tăng mạnh khi Việt Nam tham gia TPP.
Dự báo GDP 2015 sẽ hơn 6%
Bên cạnh những phân tích về cơ hội và thách thức khi tham gia TPP, nhóm nghiên cứu của VEPR còn đưa ra các khuyến nghị khác nhằm tận dụng được các cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế Việt Nam với thế giới như điều hành tỷ giá linh hoạt, tái cấu trúc thị trường lúa gạo, tăng cường khả năng chịu đựng trước các cú sốc có thể xảy ra trong tương lai của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua tái cấu trúc tài sản….
Cuối cùng, VEPR dự báo GDP Việt Nam năm 2015 sẽ nằm trong khoảng 6,1-6,3% và lạm phát được tiếp tục duy trì ở mức tương đối thấp, đạt khoảng 1,9-3,2% với khuynh hướng tăng diễn ra nhanh hơn vào cuối năm.
Được xây dựng lần đầu tiên từ năm 2009, báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”.
Báo cáo cũng là một phần trong bộ sản phẩm “Đánh giá độc lập về kinh tế vĩ mô của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ cho VEPR thực hiện trong giai đoạn ba năm (2014 – 2016).
Theo Duy Khánh/nhandan.com.vn