Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 2017 (Phần 1)

Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 2017 (Phần 1)

Tình hình kinh tế – xã hội nước ta năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội đặt ra; tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra với chất lượng nâng lên. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao; các ngành dịch vụ đạt khá. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm thấp hơn năm trước. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, thách thức: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế chậm; năng lực cạnh tranh còn hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ô nhiễm môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Kết quả các ngành, lĩnh vực trong năm 2017 như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

  1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,90%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.

Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,00% (Cơ cấu tương ứng của năm 2016 là: 16,32%; 32,72%; 40,92%; 10,04%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Sản lượng lúa cả năm 2017 ước tính đạt 42,84 triệu tấn, giảm 318,3 nghìn tấn so với năm 2016 do cả diện tích và năng suất đều giảm so với năm trước. Diện tích lúa cả năm 2017 ước tính đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha so với năm 2016; năng suất lúa cả năm đạt 55,5 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha.

Kết quả sản xuất hoa màu và một số cây hàng năm: Sản lượng ngô đạt 5,13 triệu tấn, giảm 114,6 nghìn tấn so với năm 2016 do diện tích gieo trồng giảm 52,9 nghìn ha (năng suất ngô tăng 1,1 tạ/ha). Sản lượng khoai lang đạt 1,35 triệu tấn, tăng 81,9 nghìn tấn (diện tích tăng 1,6 nghìn ha); mía đạt 18,32 triệu tấn, tăng 1,11 triệu tấn (diện tích tăng 12,8 nghìn ha); sản lượng sắn đạt 10,34 triệu tấn, giảm 569,1 nghìn tấn (diện tích giảm 34,4 nghìn ha); lạc đạt 461,5 nghìn tấn, giảm 2,1 nghìn tấn (diện tích giảm 4,1 nghìn ha); đậu tương đạt 102,3 nghìn tấn, giảm 22 nghìn tấn (diện tích giảm 16,1 nghìn ha); sản lượng rau các loại đạt 16,49 triệu tấn, tăng 562,8 nghìn tấn (diện tích tăng 29,5 nghìn ha); sản lượng đậu các loại đạt 162,3 nghìn tấn, giảm 5,3 nghìn tấn (diện tích giảm 10 nghìn ha).

Năm 2017, diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm ước tính đạt 2.215,1 nghìn ha, tăng 35,2 nghìn ha so với năm 2016, trong đó diện tích cao su đạt 971,6 nghìn ha, giảm 0,2% so với năm trước do một số tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang có xu hướng phá bỏ cây cao su già cỗi, chuyển đổi sang trồng tiêu và cây trồng khác, sản lượng cả vụ đạt 1.086,7 nghìn tấn, tăng 5%; hồ tiêu diện tích đạt 152 nghìn ha, tăng 17,6%, sản lượng đạt 241,5 nghìn tấn, tăng 11,6%; cà phê diện tích đạt 664,6 nghìn ha, tăng 2,2%, sản lượng đạt 1.529,7 nghìn tấn, tăng 4,7%; điều diện tích đạt 297,5 nghìn ha, tăng 1,5%, sản lượng đạt 210,9 nghìn tấn, giảm 30,9%; chè diện tích đạt 129,3 nghìn ha, giảm 3,1%.

Sản lượng cây ăn quả năm nay đạt khá do nhiều cây trồng tăng về diện tích và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Sản lượng cam đạt 772,6 nghìn tấn, tăng 20,4% so với năm trước; quýt đạt 175,5 nghìn tấn, tăng 6,3%; bưởi đạt 571,3 nghìn tấn, tăng 13,4%; xoài đạt 788,2 nghìn tấn, tăng 8,3%; chuối đạt 2.066,2 nghìn tấn, tăng 5,2%; thanh long đạt 952,8 nghìn tấn, tăng 14,2%.

Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, nuôi gia cầm đạt khá, riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa có nhiều chuyển biến, giá thịt lợn ở mức thấp khiến quy mô đàn giảm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/10/2017, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,7 triệu con, tăng 2,9%, đàn lợn có 27,4 triệu con, giảm 5,7%; đàn gia cầm có 385,5 triệu con, tăng 6,6%.

b. Lâm nghiệp

Năm 2017, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 241,3 nghìn ha, tăng 1,2% so với năm 2016, trong đó diện tích rừng sản xuất ước tính đạt 228 nghìn ha, tăng 1,3%; rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 12,7 nghìn ha, giảm 1,5%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán cả năm đạt 99,8 triệu cây, tăng 0,6%. Sản lượng gỗ khai thác năm 2017 ước tính đạt 11,5 triệu m3, tăng 12,4%. Sản lượng củi khai thác đạt 26,3 triệu ste, tăng 0,4% so với năm 2016.

c. Thủy sản

Sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc. Sản lượng thuỷ sản cả năm ước tính đạt 7.225,0 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng cả năm ước tính đạt 3.835,7 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2016; sản lượng thủy sản khai thác của cả nước ước tính đạt 3.389,3 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2016; sản lượng thủy sản khai thác biển ước tính đạt 3.191,2 nghìn tấn, tăng 5,1%.

3. Sản xuất công nghiệp

Tính chung cả năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4% so với năm 2016. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,5%, đóng góp 10,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm sâu 7,1%, làm giảm 1,5 điểm phần trăm mức tăng chung.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/12/2017 tăng 5,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,9%.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161,3 nghìn người, giảm 8,4% so với năm 2016.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong năm 2017 có 45,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 35,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 16,6% so với năm trước; 16,2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%), tăng 9,4%; 16 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,6%), tăng 10,6%; 9,4 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,4%), tăng 11,4%; 6,7 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,3%), tăng 21,7%; 6,3 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5%), tăng 19,5%; 5,1 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 4%), tăng 62%; 3,4 nghìn doanh nghiệp giáo dục và đào tạo (chiếm 2,7%), tăng 23%…

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm trước, bao gồm 21.684 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,9% và 38.869 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 4,6%. Trong tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, có 9.234 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 42,6%); 6.882 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 31,7%); 3.665 công ty cổ phần (chiếm 16,9%); 1.900 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 8,8%) và 3 công ty hợp danh. Theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong ngành bán buôn, bán lẻ là 8,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm  39,7%), tăng 7,1% so với năm trước; 3,2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,6%), tăng 11,1%; 2,8 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%), tăng 7,3%; 1,2 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,5%), tăng 5,8%…. Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, có 17.300 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 44,5%); 11.377 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,3%); 7.485 công ty cổ phần (chiếm 19,2%); 2.706 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 7%) và 1 công ty hợp danh.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2017 là 12.113 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với năm trước, trong đó 11.087 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5%. Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 5.242 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 43,3%); 3.459 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 28,6%); 1.806 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 14,9%); 1.603 công ty cổ phần (chiếm 13,2%) và 3 công ty hợp danh.

5. Hoạt động dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tính chung cả năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.934,2nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước (Năm 2016 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,46%, cao hơn mức tăng 8,33% của năm trước.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2017 ước tính đạt 2.937,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng mức và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ ô tô tăng 14%; đá quý, kim loại quý tăng 13,2%; hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,8%; lương thực, thực phẩm tăng 11,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,2%; may mặc tăng 9,6%; phương tiện đi lại tăng 8,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,5%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 494,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng mức và tăng 11,9% so với năm 2016, doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 10,4% so với năm trước, doanh thu dịch vụ khác năm 2017 ước tính đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 9,7% so với năm 2016

b. Vận tải và viễn thông

Tính chung cả năm 2017, vận tải hành khách đạt 4.081,6 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm trước và 182,8 tỷ lượt khách.km, tăng 9,1%, trong đó vận tải hành khách đường bộ đạt 3.846,1 triệu lượt khách, tăng 11,5% và 124,6 tỷ lượt khách.km, tăng 8,1%; đường thủy nội địa đạt 172,9triệu lượt khách, tăng 3,8% và 3,2 tỷ lượt khách.km, tăng 8,4%; đường biển đạt 6,8 triệu lượt khách, tăng 12,4% và 366,2 triệu lượt khách.km, tăng 11,8%. Vận tải bằng đường hàng không tăng khá, đạt 46,4 triệu lượt khách, tăng 14,1% và 50,9 tỷ lượt khách.km, tăng 11,9%.  Vận tải đường sắt đạt 9,4 triệu lượt khách, giảm 3,5% so với năm trước và 3,6 tỷ lượt khách.km, tăng 7,2%

Vận tải hàng hóa đạt 1.442,9 triệu tấn, tăng 9,8% so với năm trước và 268,9 tỷ tấn.km, tăng 6,8%, trong đó vận tải trong nước đạt 1.410 triệu tấn, tăng 10% và 136,5 tỷ tấn.km, tăng 11%; vận tải ngoài nước đạt 33 triệu tấn, tăng 0,7% và 132,4 tỷ tấn.km, tăng 2,7%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ đạt 1.117,8 triệu tấn, tăng 10,4% và 72,1 tỷ tấn.km, tăng 11,2% so với năm trước; đường thủy nội địa đạt 249,6 triệu tấn, tăng 7,5% và 53,1 tỷ tấn.km, tăng 8,2%; đường biển đạt 69,6 triệu tấn, tăng 9,4% và 139,2 tỷ tấn.km, tăng 3,9%; đường sắt đạt 5,6 triệu tấn, tăng 8,2% và 3,6 tỷ tấn.km, tăng 11,3%; đường hàng không đạt 317,8 nghìn tấn, tăng 7,1% và 821,6 triệu tấn.km, tăng 8%.

Doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2017 ước tính đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2016. Tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 127,4 triệu thuê bao, giảm 2,1% so với năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 119,7 triệu thuê bao, giảm 1,3% ; số thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt 10,8 triệu thuê bao, tăng 18,7% so với năm 2016

c. Khách quốc tế đến Việt Nam

Tính chung cả năm 2017, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm trước (tăng 2,9 triệu lượt khách), trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt người, tăng 32,1%; đến bằng đường bộ đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 19,5%; đến bằng đường biển đạt 258,8 nghìn lượt người, giảm 9,1%.

Trong năm nay, khách đến nước ta từ châu Á đạt 9.762,7 nghìn lượt người,  tăng 34,4% so với năm trước; Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.885,7 nghìn lượt người, tăng 16,6% so với năm 2016; Khách đến từ châu Mỹ đạt 817 nghìn lượt người, tăng 11,1% so với năm 2016; Khách đến từ châu Úc đạt 420,9 nghìn lượt người, tăng 14,3%; Khách đến từ châu Phi đạt 35,9nghìn lượt người, tăng 25,6% so với năm 2016.

Nhìn chung, hoạt động du lịch trong năm 2017 đạt được kết quả ấn tượng với số khách du lịch quốc tế đến nước ta đạt mức kỷ lục gần 13 triệu lượt người

Nguồn: Tổng cục thống kê

Tổng hợp: Kế Hoạch Việt

Xem thêm phần 2 tại:

Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 2017 (Phần 3)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *