Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Tổ chức không gian kiến trúc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hà Nội – Phần 2

Tổ chức không gian kiến trúc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hà Nội – Phần 2

Chợ Đầu mối Nông sản thực phẩm (CĐM NSTP) là một dạng tổ hợp công trình công cộng, có chức năng chủ yếu là thương mại, đồng thời có một số bộ phận sản xuất, chế biến và phụ trợ khác. CĐM NSTP thuộc phạm vi quản lý của nhà nước, là một thể loại công trình cần được nghiên cứu về tổ chức không gian kiến trúc một cách riêng biệt, nhất là để đáp ứng nhu cầu phát triển đặc thù của Hà Nội mở rộng. Bài báo đề cập đến các vấn đề tổ chức không gian (TCKG) CĐM NSTP ở các cấp độ: 1) Gian hàng cơ bản; 2) Nhà chợ chính; 3) Tổng thể phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị Hà Nội mở rộng trong tương lai.

Xem thêm: Tổ chức không gian kiến trúc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hà Nội – Phần 1

3. TCKG Tổng thể CĐM NSTP

Giải pháp TCKG chung trong công trình CĐM NSTP là sự kết nối của 7 nhóm không gian chức năng hoạt động.

Tổng thể CĐM NSTP – Kiểu T1 (Tiếp cận 1 hướng)

a. TCKG tổng thể CĐM NSTP kiểu T1 – Tiếp cận 1 hướng

Đây là dạng sơ đồ mà CĐM NSTP có vị trí chỉ tiếp cận 1 tuyến giao thông vận chuyển chính. Trong dạng này, tuyến vận chuyển hàng Nhập/Xuất tới chợ nằm trên 1 trục đường duy nhất, thường là trục hướng tâm đô thị. Các khu chức năng Bãi đậu xe và Bãi giao dịch ngoài nhà được đặt áp sát với trục đường. Các phân khu chức năng Dịch vụ phụ trợ, Văn phòng, Kỹ thuật được đặt mé biên khu đất, đảm bảo hỗ trợ chức năng hoạt động chính, không ảnh hưởng tới giao thông vận tải hàng hóa. Nhóm Kho hàng hóa và Sản xuất phụ trợ được đưa vào cuối khu đất, phù hợp với độ trề của lưu thông hàng hóa, không ảnh hưởng tới giao dịch của Nhà chợ chính. Dạng sơ đồ này phù hợp với quy mô CĐM NSTP vừa và nhỏ.

b. TCKG tổng thể CĐM NSTP kiểu T2 – Tiếp cận 2 hướng

Đây là dạng sơ đồ mà CĐM NSTP có vị trí chỉ tiếp cận 2 tuyến giao thông vận chuyển chính. Trong sơ đồ kiểu T2, tuyến vận chuyển hàng Nhập/Xuất tới chợ nằm trên 2 trục đường tách biệt, thường 1 trục Xuất hướng vào trong đô thị, 1 trục Nhập hướng từ ngoài đô thị. Nhà chợ chính nằm tại trung tâm khu đất. Các khu chức năng Bãi đậu xe và Bãi giao dịch ngoài nhà được đặt áp sát cả 2 trục đường, tách 2 miền Nhập/Xuất theo hướng tiếp cận. Các phân khu chức năng Dịch vụ phụ trợ, Văn phòng, Kỹ thuật vẫn được đặt mé biên khu đất như Mô hình T1, đảm bảo hỗ trợ chức năng hoạt động chính, không ảnh hưởng tới giao thông vận tải hàng hóa, mà vẫn hỗ trợ được 2 tuyến Nhập/Xuất tách biệt. Nhóm Kho hàng hóa và Sản xuất phụ trợ được đưa vào giữa khu đất, kết nối với Nhà chợ chính. Dạng sơ đồ này phù hợp với quy mô CĐM NSTP lớn và vừa, hoặc các CĐM NSTP có kết nối với tuyến cảng nhập hàng.

Tổng thể CĐM NSTP – Kiểu T2 (Tiếp cận 2 hướng)

4. Định hướng không gian dự trữ phát triển cho CĐM NSTP Hà Nội

Việc kết nối các phân khu chức năng của CĐM NSTP với nhau đòi hỏi sự rành mạch, đơn giản. Rất khó định lượng chính xác nhu cầu phát triển quy mô các khu vực chức năng trong việc xây dựng công trình CĐM NSTP, chưa kể đến các biến đổi xuất hiện do các yếu tố chu kỳ mùa màng, nhu cầu tiêu thụ, nguồn cung cấp.
Chính vì thế, bên cạnh các yếu tố định tính, các giải pháp phân khu chức năng của CĐM NSTP cần xem xét chủ yếu ở việc thỏa mãn kế hoạch phát triển đối với các yếu tố định lượng.

Xét trên cơ cấu chức năng và sơ đồ dây chuyền công năng, có thể xây dựng 3 loại giải pháp phù hợp như sau:

  • Giải pháp phân khu phát triển theo chiều ngang;
  • Giải pháp phân khu phát triển theo chiều sâu;
  • Giải pháp phân khu phát triển kết hợp;

a. Giải pháp Phát triển theo chiều ngang

Giải pháp tổng thể kiểu tiếp cận 2 hướng – phát triển theo chiều ngang. (Nguồn: Tác giả)

Diện Kiến trúc tạo thị và Hướng vùng dự trữ – phát triển theo chiều ngang.
(Nguồn: Tác giả)

Phù hợp với các khu đất có diện tích từ 2-6ha, giải pháp này xây dựng trên cơ sở hướng phát triển mở rộng theo chiều ngang khu đất, bám theo tuyến giao thông chính.

Giao thông nội bộ của giải pháp này được thiết lập bởi 2 mạch vòng ngược chiều, gồm 1 mạch thuận chiều dành cho phương tiện chở nặng, và 1 mạch ngược chiều (nét đứt) dành cho phương tiện nhẹ, đồng thời tạo thuận tiện cho các trường hợp quay đầu hoặc giao thông phát sinh. Ở cấp thấp hơn, các mạch vòng cục bộ nhập/hạ hàng và xuất/chất hàng cũng được tổ chức thuận chiều, hòa vào mạch chính. Các mạch vòng đảm bảo sự độc lập của các tuyến phương tiện vận chuyển, giảm thiểu các nút giao cắt.

Phần dự trữ phát triển nằm ngang theo tuyến đường chính. Các phần dịch vụ phụ trợ được bố trí bên sườn khu đất.

Ưu điểm: Có diện kiến trúc tạo thị dài, có chiều sâu không gian với các lớp không gian chuyển tiếp từ Đường – Sân – Nhà, dễ tạo hình không gian hoành tráng; các chức năng hoạt động chính được phô diễn trên mặt trục lộ, bộc lộ rõ nội dung công trình.

Nhược điểm: Hạ tầng giao thông tốn hơn do chiếm nhiều chiều dài mặt trục lộ, dễ ảnh hưởng xấu tới giao thông đô thị nếu không kiểm soát tốt các làn đường gom/tránh; hệ thống kho hàng đặt phía sau, giao thông nhập hàng phải đi sâu vào khu đất (sẽ phù hợp hơn nếu mặt sau kết nối với tuyến vận chuyển đường sắt hoặc đường thủy).

b. Giải pháp Phát triển theo chiều sâu

Giải pháp phát triển Kết hợp – Bố cục tổng mặt bằng phát triển Ngang/Sâu. Nguồn: Tác giả

Xây dựng trên cơ sở hướng phát triển mở rộng dần theo chiều sâu khu đất, diện tích từ 2-6ha.

Giao thông nội bộ của Giải pháp này cũng được thiết lập bởi 2 mạch vòng ngược chiều, gồm 1 mạch thuận chiều dành cho phương tiện chở nặng, và 1 mạch ngược chiều (nét đứt) dành cho phương tiện nhẹ. Các mạch vòng cục bộ nhập/hạ hàng và xuất/chất hàng cũng được tổ chức thuận chiều, hòa vào mạch chính. Các mạch vòng đảm bảo sự độc lập của các tuyến phương tiện vận chuyển, giảm thiểu các nút giao cắt.

Phần dự trữ phát triển nằm sâu theo khu đất. Các phần dịch vụ phụ trợ được bố trí bên sườn khu đất.

Ưu điểm: Chiếm ít chiều dài mặt trục lộ; có diện Kiến trúc tạo thị đa diện, có chiều sâu không gian với các lớp không gian chuyển tiếp từ Đường – Sân – Nhà, dễ tạo hình không gian tầng bậc; các chức năng hoạt động chính được phô diễn trên mặt trục lộ, bộc lộ rõ nội dung công trình; ít tốn:…?!

Nhược điểm: Hệ thống kho hàng đặt phía sau, giao thông nhập hàng phải đi sâu vào khu đất (sẽ phù hợp hơn nếu mặt sau kết nối với tuyến vận chuyển đường sắt hoặc đường thủy).

c. Giải pháp Phát triển Kết hợp

Xây dựng trên cơ sở kết hợp, diện tích từ 6ha trở lên.

Phần dự trữ phát triển nằm phân chia trong các lô đất dự trữ của toàn khu. Các phần dịch vụ phụ trợ được bố trí bên trong mỗi lô, đồng thời có thể tổ chức lô phụ trợ độc lập (ở quy mô lớn).

KẾT LUẬN

CĐM NSTP là một thể loại khá độc lập trong hệ thống các công trình thương mại. Việc phân lập sơ đồ TCKG Chợ ở 3 mức: 1) Gian hàng cơ bản; 2) Nhà Chợ chính; 3) Tổng thể, có nghiên cứu các định hướng phát triển cho tương lai, phù hợp với công tác TCKG CĐM NSTP Hà Nội một cách toàn diện.

Kết hợp với các dữ liệu về địa điểm xây dựng, quy mô tính toán, mạng lưới quy hoạch Chợ cũng như các biện pháp quản lý… các giải pháp đề xuất là cơ sở để tiến hành thiết kế CĐM NSTP đảm bảo hoạt động hiệu quả và phù hợp với các điều kiện đặc thù của Hà Nội; đồng thời có thể phát triển tham khảo cho các khu vực khác trên toàn quốc.

Nguồn: tapchikientruc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *