Home / Phát triển doanh nghiệp / Tin tức / Động lực để thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng

Động lực để thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng

Ở thời điểm hiện tại, rất khó để đưa ra nhận định chính xác thời điểm vốn ngoại quay trở lại với thị trường. Tuy nhiên, có điều gần như chắc chắn, nếu khối ngoại quay lại, các quỹ hoán đổi danh mục – ETF (Exchange Traded Fund) – sẽ là lựa chọn hàng đầu của dòng vốn này.


Quỹ ETF nội hút vốn ngoại

Trong tuần cuối tháng 8/2020 đến đầu tháng 9/2020, Quỹ ETF VFMVN Diamond (mã chứng khoán FUEVFVND) – chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số VN- Diamond – đã phát hành ròng 11,7 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 6,4 triệu USD (khoảng 149 tỷ đồng). Trước đó, CTBC Vietnam Equity Fund – quỹ đầu tư đến từ Đài Loan – huy động được 5 tỷ Đài tệ (khoảng gần 4.000 tỷ đồng), mục tiêu đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng đang niêm yết trên HOSE và HNX; ngoài ra, danh mục đầu tư còn bao gồm VFMVN Diamond ETF. CTBC Vietnam Equity Fund cũng thông báo đăng ký mua 21 triệu chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF (tương đương hơn 14% lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành); thời gian thực hiện từ ngày 7/9 – 6/10/2020, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

Theo ông Nguyễn Thế Minh – Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán (CTCK) Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) Đài Loan rất phát triển về sản phẩm ETF, cho thấy rõ khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư tại thị trường này. Dòng tiền từ Đài Loan có thể tăng đầu tư thông qua các quỹ ETF trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam có thêm nhiều sản phẩm ETF mới.

Những giao dịch này trên thị trường thời gian qua cho thấy, giới đầu tư hào hứng đón nhận, kỳ vọng sẽ có tác động tích cực tới những cổ phiếu trong danh mục VFMVN Diamond ETF. Theo đó, các cổ phiếu được nhà đầu tư nội (cá nhân và tổ chức như khối tự doanh công ty chứng khoán) săn đón, đón đầu cơ hội tăng giá khi các quỹ giải ngân. Các cổ phiếu trong rổ VN30 và VN Finlead dự kiến cũng được các nhà đầu tư trong nước quan tâm mua vào.

Trong báo cáo “Asian In Focus” vừa được Goldman Sachs thực hiện cho biết, sự tham gia của đầu tư cá nhân Hàn Quốc vào TTCK đã tăng nhanh kể từ tháng 3/2020 đến nay với giá trị mua ròng tháng đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Sự gia tăng hoạt động đầu tư của nhà đầu tư này cũng là xu hướng chung được quan sát thấy ở các thị trường Hoa Kỳ và các thị trường Đông Á khác như Trung Quốc, sau khi Covid-19 bùng phát lãi suất về gần bằng 0%. Những động thái tương tự cũng đang diễn ra tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia, khi mọi người đang tìm cách đầu tư số tiền nhàn rỗi vào thị trường do không thể chi cho du lịch.

Theo ông Lê Quang Minh – Trưởng phòng Phân tích CTCK Mirae Asset Việt Nam, khả năng các quỹ ngoại sẽ tập trung giải ngân vào ETF, vì không bị hạn chế bởi giới hạn sở hữu nước ngoài (room). Khi quỹ ngoại giải ngân, tác động đầu tiên là thanh khoản thị trường tăng (đặc biệt ở các cổ phiếu trong danh mục ETF dự kiến mua), bên cạnh đó là hỗ trợ giá cổ phiếu.

Nhà đầu tư nội dẫn dắt

Có thể nhìn lại, từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 vào tháng 2/2020, nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng không chỉ ở Việt Nam và trên khắp châu Á, từ Hàn Quốc, Đài Loan đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Dù việc rút vốn đã chậm lại trong tháng 6 – 7/2020 nhưng vẫn chưa có tín hiệu xác thực cho thấy sự trở lại của nhà đầu tư ngoại trên TTCK. Vì thế, động lực giúp TTCK tăng trưởng trong giai đoạn hiện tại vẫn do các nhà đầu tư nội dẫn dắt.

Ngoài ra, Việt Nam thu hút được dòng vốn ngoại thông qua quỹ ETF và có khả năng sẽ sớm giải ngân đã tạo ra tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư nội sau khi thị trường liên tục chứng kiến đà bán ròng mạnh của khối ngoại kể từ đầu năm 2020 đến nay. Thêm vào đó, dòng tiền mới luôn tạo ra tâm lý tích cực cho nhà đầu tư nội và giúp thị trường đi lên, nhất là khi nhóm VN30 chiếm gần 70% vốn hóa thị trường hiện tại. TTCK đi lên ổn định cũng giúp các quỹ huy động vốn tốt hơn.

Thực tế từ thị trường cho thấy, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư lớn nước ngoài chưa cao, do TTCK Việt Nam vẫn ở nhóm cận biên, có sự khác nhau về chuẩn mực kế toán nên lợi nhuận cũng như hệ số P/E không cùng thước đo với các nước. Các quỹ sẽ thu hút dòng tiền tốt hơn nếu thị trường có triển vọng sáng, cả điểm số và thanh khoản tăng, đem lại hiệu quả đầu tư trong trung và dài hạn. Điều quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư thông qua kênh ETF là yếu tố vĩ mô ổn định trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hiện nay và thị trường cần có thêm nhiều sản phẩm ETF.

Tại TTCK Việt Nam, số lượng tài khoản cá nhân mở mới trung bình tháng trong nửa đầu năm cao gấp đôi so với năm 2019, tổng số tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK cũng tăng gần gấp đôi, lên 31.000 tỷ đồng (dựa trên dữ liệu của 40 CTCK lớn nhất). Theo thống kê, tỷ lệ giao dịch từ nhà đầu tư cá nhân trong nước trong tháng 8/2020 chiếm đến 76,3%. Nguồn tiền này giúp làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của việc giảm dư nợ cho vay ký quỹ. Hiện tượng này chứng tỏ, dòng tiền trong nước vẫn dồi dào và có thể bù đắp cho vốn ngoại bán ròng trong thời gian gần đây. Như vậy, nhà đầu tư nội là nhân tố chính giúp TTCK đi lên.

Tính đến tháng 9/2020, tổng tài sản của 5 quỹ ETF ngoại lớn đã đạt hơn 27.000 tỷ đồng. Điều này giúp các quỹ ETF ngoại nhanh chóng được huy động chứng chỉ quỹ trở lại. Chia nhỏ bức tranh tổng thể thành nhiều mảnh, có thể thấy, số lượng tiền bán ra của khối ngoại có thể đã quay trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì đầu tư trực tiếp, nhóm này đã đi đường vòng để vào Việt Nam thông qua các quỹ ETF.

Ngọc Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *